Cuộc chiến không khoan nhượng với hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu

Thứ Bảy, 22/01/2022 08:46

|

(CAO) Chỉ vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, cơ sở đã bất chấp để sản xuất hàng nhái, hàng giả những thương hiệu có tiếng trên thị trường hòng đánh lừa niềm tin của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật đối với “tội danh” này còn chưa đủ sức răn đe nên vấn nạn hàng nhái, hàng giả vẫn chưa có hồi kết. Điều đó đã khiến các doanh nghiệp chân chính lâm vào tình cảnh lao đao kéo dài…..

Từ câu chuyện Nón Sơn bị làm giả

Nhãn hiệu Nón Sơn có lẽ không còn quá xa lạ, nhiều năm hoạt động với hàng trăm cửa hàng trải dài từ Bắc chí Nam, Nón Sơn đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng nhất định với nhiều mặt hàng như: nón bảo hiểm, nón vành, nón kết vải…

Đó chính là lý do khiến Nón Sơn luôn nằm trong “tầm ngắm” của các cá nhân, cơ sở muốn tìm kiếm lợi nhuận phi pháp. Chỉ cần làm nhái, làm giả thương hiệu này, giá bán ra thị trường lại hời thì chắc chắn sẽ hút… khách.

Cách đây hơn 10 ngày, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với: Đinh Đức Trọng (SN 1992), Trần Quang Chính (SN 1989), Đinh Ngọc Minh (SN 1957, cùng ngụ P.Tân Thới Hiệp, quận 12) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Duy Công (SN 1987), Trương Công Diện (SN 1963), Vũ Hải Lý (SN 1994, ngụ quận 12) về tội “Buôn bán hàng giả”. Các quyết định trên đều đã được Viện kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đã đồng loạt bắt quả tang một đường dây sản xuất và tiêu thụ nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn với số lượng “khủng” để đưa ra thị trường. Tang vật thu giữ lên đến hơn 30 ngàn thành phẩm, tương ứng với giá trị thật khoảng 38 tỷ đồng.

Công an TPHCM làm việc với đối tượng làm giả nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn

Điều đáng nói là đường dây sản xuất hàng giả này lại do các thành viên trong một gia đình gồm bố, con ruột và con rể điều hành. Sau khi cho ra thành phẩm, họ vừa trực tiếp bán ra thị trường và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; đồng thời cung cấp có những “đầu mối” với giá rất rẻ.

Lo go giả nhãn hiệu Nón Sơn phục vụ cho việc sản xuất

Khi bị phát hiện tại nhiều điểm trên địa bàn phường Tân Thới Hiệp, quận 12, cả ba bố con ông Minh, Trọng, Chính đều thừa nhận: do thấy nhãn hiệu Nón Sơn có tiếng trên thị trường nên đã sản xuất nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn từ tháng 8 đến nay. Ngoài việc mua nguyên vật liệu gồm: vải, tem nhãn, đuôi nón, nút, khóa… thì quan trọng nhất là phải có tem giả nhãn hiệu Nón Sơn trước khi “tung” hàng ra tiêu thụ.

Nếu quan sát kĩ thì không khó để nhận diện thật, giả nhưng khách hàng thì chỉ cần thấy chiếc nón có logo Nón Sơn được bán với giá hời thì sẽ dễ dàng chọn mua. Đặc biệt, các đối tượng có liên quan trong đường dây này đều kinh doanh rầm rộ trên các trang mạng điện tử như Lazada, Shoppee, Zalo…

Thành phẩm giả nhãn hiệu Nón Sơn chuẩn bị tung ra thị trường

“Đối tác lớn” của gia đình ông Minh là Công, Diện, Lý cũng vì lợi nhuận mà trở thành kẻ tiếp tay cho việc sản xuất hàng nhái, hàng giả đưa ra thị trường. Ngay hôm bị đột kích bất ngờ ở các cửa hàng, lực lượng Công an cũng đã thu giữ một lượng lớn mũ vải kết giả nhãn hiệu Nón Sơn được mua lại từ ông Minh, Trọng, Chính. Lần này, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 32 ngàn nón kết vải bị làm giả nhãn hiệu Nón Sơn được bán với giá rẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Cty TNHH Nón Sơn thì đây là một đường dây sản xuất, tiêu thụ khép kín nón kết giả nhãn hiệu của công ty với con số cực lớn. Vì trước đây, ông đã trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán hàng giả nhãn hiệu Nón Sơn nhưng lại tập trung vào mũ bảo hiểm (MBH).

Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 1-2021, khi lực lượng Công an bất ngờ kiểm tra căn nhà tại tổ 1, khu phố 8, phường Tân Chánh Hiệp, do Ninh Thiện Thạch (SN 1993, quê Lâm Đồng, trú tại địa chỉ trên) thuê để làm nơi ở và kinh doanh, đã phát hiện bên trong căn nhà 3 tầng lầu chứa đầy mũ bảo hiểm (MBH), một số đã được đóng gói cẩn thận.

Cơ sở sản xuất MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn bị phát hiện

Đáng nói, Thạch đang kinh doanh nón bảo hiểm có gắn tem hợp quy chuẩn, cụm logo, đuôi da, nhãn giấy, và khóa có biểu tượng giống nhãn hiệu “Nón Sơn”. Thạch thừa nhận toàn bộ số hàng nói trên (khoảng 4.200 cái) được mua lại của một đơn vị sản xuất khác để về kinh doanh mua bán qua mạng xã hội để kiếm lời. Và “số hàng giả” này được Thạch mua bán rộng khắp trên các ứng dụng mua bán hàng online như: Zalo, Shoppee, Lazada…

Giữa tháng 4-2021, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đã phát hiện một kho hàng khoảng 1000m2 trên địa bàn quận Bình Tân đang sản xuất hàng ngàn MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn. Đặc biệt, quy trình sản xuất hàng giả tinh vi và chuyên nghiệp đến nỗi giống đến 95% so với MBH chính hãng của thương hiệu Nón Sơn. Trong vụ này, 8 đối tượng liên quan về trụ sở để điều tra.

Dây chuyền sản xuất MBH giả rất  chuyên nghiệp

Thời điểm này, khi có mặt tại hiện trường, ông Tý cũng tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến toàn bộ quy trình sản xuất MBH giả nhãn hiệu của công ty một cách khép kín và quy mô đến vậy. Các đối tượng đã đầu tư đầy đủ công nghệ cần thiết để cho ra đời MBH gần giống với MBH chính hãng. Mỗi ngày, cơ sở này có thể “xuất” ra thị trường 4 đến 5 ngàn MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn. Liên quan đến vụ này, đối tượng Hà Bảo Châu đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm giả thương hiệu Nón Sơn.

Theo chia sẻ của ông Tý, nếu như phát hiện việc sản xuất nón mũ vải khiến ông Tý lo một thì việc MBH giả được tuồn ra thị trường nỗi lo lại nhân lên gấp 10 lần. Bởi MBH được làm giả thương hiệu với giá thành rẻ, không đảm bảo an toàn lại được sản xuất và bày bán la liệt trên đường phố, trên online... thì cực kỳ nguy hiểm cho người sử dụng.

MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn được đóng gói để bán ra thị trường

Cần mạnh tay xử lý

Đại diện cho một doanh nghiệp thường xuyên bị làm nhái, làm giả như Nón Sơn, ông Tý cũng nặng trĩu âu lo. Bởi, có quá nhiều thiệt hại không thể cân đo, đong đếm hết được. Là ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, là tổn thất vật chất lẫn tinh thần nghiêm trọng; là tốn công, tốn sức, tốn cả thời gian cho những lần phối hợp cùng với lực lượng chức năng truy vết những địa điểm sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu.

Để bảo vệ cho thương hiệu, ông Tý đã có nhiều chuyến đi, khi thì xuống miền Tây, hay lên Gia Lai, lúc lại ra Bình Thuận, Đà Nẵng…; còn tại thành phố thì chạy tới, chạy lui huyện Bình Chánh, quận 12, Bình Tân… để cùng lực lượng Công an làm rõ những hành vi vi phạm có liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái giả nhãn hiệu Nón Sơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tý có mặt tại nơi sản xuất MBH giả nhãn hiệu để phối hợp với cơ quan Công an làm rõ

Trong số đó, đã có một số vụ bị bắt, đối tượng có liên quan bị khởi tố và bị tuyên án về các tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả” hay “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Nhưng, con số đó chiếm tỷ lệ rất ít. Có nhiều vụ phát hiện nhưng chỉ bị phạt hành chính nên không đủ sức răn đe khiến người trong cuộc cũng còn quá nhiều trăn trở, bức xúc.

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp tái phạm do xử phạt quá nhẹ. Theo ông Tý, có một vụ sản xuất hàng giả Nón Sơn quy mô lớn tại quận 12 phải đeo bám đến cùng tận 2 năm. Tuy nhiên, sau khi bị tuyên án, đối tượng lại tiếp tục làm hàng giả nhãn hiệu Nón Sơn để kiếm sống.

Một lần ghé phòng trưng bày tại trụ sở chính của Cty Nón Sơn (huyện Hóc Môn), chúng tôi thấy bên cạnh những sản phẩm chính hãng thì cũng có một góc riêng để các thành phẩm là hàng nhái, hàng giả.

Ông Tý bên góc hàng "sưu tập" MBH giả nhãn hiệu của công tty 

Ông Tý cho biết, với đôi mắt “nhà nghề” thì rất dễ nhận diện đâu là thật, đâu là giả. Mỗi lần phát hiện có cá nhân, cơ sở nào sản xuất hàng giả hoặc thấy hàng nhái nhãn hiệu của Cty trên các sàn giao dịch điện tử, ông đều mua về với quyết tâm phối hợp với cơ quan Công an điều tra, làm rõ. Có cái nón giả, ông phải bỏ ra đến 650 ngàn đồng với mục đích để tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ.

“Chúng tôi đã nỗ lực hết sức cùng với cơ quan chức năng phối hợp thực hiện kiểm tra và có nhiều động thái quyết liệt để xử lý các cơ sở, cá nhân sản xuất hàng giả, nhưng hành vi này lại liên tục tiếp diễn. Ngoài chuyện chế tài xử phạt chưa đủ quyết liệt, chưa đủ sức răn đe thì theo tôi trách nhiệm còn nằm ở việc quản lý lỏng lẻo và thiếu đồng bộ của chính quyề, ngành chức năng, thậm chí phải đặt câu hỏi liệu có sự bao che hay dung túng ở đây không?", ông Tý bày tỏ.

Thực tế, hình phạt chưa đủ mạnh, lại thêm biện pháp xử phạt hành chính nhẹ đối với hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả trước nguồn thu siêu lợi nhuận cũng là vấn đề cần phải được xem lại.

Không chỉ riêng công ty Nón Sơn mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đau đầu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành; thậm chí ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín mà còn khiến các doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng.

Một góc sản xuất của Công ty Nón Sơn

Từ những câu chuyện thực tế, những trăn trở của người trong cuộc; thiết nghĩ bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc, điều tra, xử lý của cơ quan Công an thì chính quyền địa phương cần phải kiểm soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện những kiểu làm ăn gian dối.

Bên cạnh đó, luật pháp cũng cần phải mạnh tay hơn nữa, có những hình thức xử phạt phù hợp đối với các cá nhân, cơ sở chuyên làm hàng nhái, hàng giả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang