Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:

Đại diện VKS: “Luật sư không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lập luận thiếu căn cứ”

Thứ Tư, 03/04/2024 16:42

|

(CAO) Trong phần tranh luận trở lại, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan nói lần đầu tiên xét xử một doanh nhân mà án đề nghị tử hình. VKS cho rằng luật sư chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ. "Nếu vậy thì lần đầu tiên có 1 nữ doanh nhân dùng thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, không có từ nào lớn hơn. Tài sản bị cáo đưa vào là phương thức thủ đoạn phạm tội, bất cứ lúc nào cần thì bị cáo rút ra, nâng khống tài sản đảm bảo. Không phải tự VKS lập luận"- đại diện VKS đối đáp.

Ngày 03/4/2024, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm tiếp tục phần tranh tụng. Đại diện VKS đối đáp lại quan điểm tranh luận của luật sư bào chữa, các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Lập luận của luật sư "vô căn cứ"

Trong quá trình tranh luận trở lại với các quan điểm của luật sư bào chữa và bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện VKS nhiều lần gay gắt, dùng cụm từ "thiếu căn cứ", "không có căn cứ" để nhận xét về lập luận của phía bà Lan.

Theo VKS, cách tiếp cận và phương pháp xác định lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan theo mô hình tách bà Lan ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Trong khi đó, VKS tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới.

Hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa thể hiện bà Lan sở hữu, quản lý trên 91% cổ phần SCB. Việc sở hữu, quản lý như vậy đã vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng.

Bà Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, bị cáo tham gia đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, ban kiểm soát, đưa người của bà Lan vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền.

Theo Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định về đồng phạm, xác định bà Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu có hành vi chi phối, chỉ đạo các bị cáo để giúp bà chiếm đoạt tài sản. Do đó, VKS cho rằng đủ căn cứ truy tố xét xử Lan về tội Tham ô tài sản, chứ không như luận điểm của luật sư về tội danh này.

Nếu quan điểm của đại diện VKS được HĐXX chấp nhận, Viện kiểm sát thông qua bản án sẽ kiến nghị Liên đoàn luật sư lưu ý các luật sư trong quá trình tiếp cận quan điểm bào chữa.

VKS phân tích luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan trích dẫn Điều 353 (tội Tham ô tài sản) rất nhiều. Song, theo VKS, điều luật này quy định người có "chức vụ, quyền hạn" chứ ko quy định người có "chức vụ và quyền hạn".

"VKS chứng minh bị cáo Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác tại SCB. Chức vụ các bị cáo khác do ai bố trí bổ nhiệm? Do bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu. Không có lý do gì nói bị cáo không phải là chủ thể Điều 353"- VKS lập luận. Với câu hỏi "nói bị cáo chiếm đoạt nhưng Ngân hàng SCB lấy đâu ra tiền, chiếm đoạt cái gì?", VKS nhấn mạnh cách đặt câu hỏi không có căn cứ, chứng tỏ luật sư không nghiên cứu hồ sơ vụ án.

"Bị cáo Lan không có nhiều tài sản như bị cáo trình bày, cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan có rất nhiều khoản nợ như VKS đã nêu. Trong khi bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại SCB trình bày khoản nợ khó thu khó đòi, tài sản bảo đảm giá trị thấp.

Nếu nhiều tài sản thì vì sao không tất toán những khoản nợ trên, mà sử dụng SCB huy động tiền gửi của dân?", VKS đối đáp.

"Tiền ở đâu bị cáo chiếm đoạt? Là tiền huy động của dân. Ngân hàng Nhà nước gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta. Luật sư nói bị cáo chiếm đoạt tài sản làm gì? Để mua nhiều bất động sản"- VKS gay gắt.

Trong số 1.169 bất động sản kê biên, bị cáo Lan thừa nhận của bị cáo, liên quan bị cáo phải thuê nhờ người đứng tên. VKS cho rằng điều này làm rõ sự gian dối của bị cáo.

Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để đầu tư, để mua. VKS nhấn mạnh toàn bộ hồ sơ vụ án và kết quả xét xử công khai là căn cứ chứng minh hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Trong phần tranh luận trở lại, luật sư bào chữa của bà Lan nói lần đầu tiên xét xử một doanh nhân mà án đề nghị tử hình. VKS cho rằng luật sư chưa nghiên cứu kỹ vụ án. "Nếu vậy thì lần đầu tiên có 1 nữ doanh nhân dùng thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, không có từ nào lớn hơn. Tài sản bị cáo đưa vào là phương thức thủ đoạn phạm tội, bất cứ lúc nào cần bị cáo rút ra, nâng khống tài sản đảm bảo. Không phải tự VKS lập luận", VKS tiếp tục đối đáp.

Với quan điểm bà Lan phải chịu trách nhiệm khoản vay không liên quan tới bà, VKS nói: "Lập luận không có một căn cứ điều này ở đâu ra? Tất cả đều liên quan tới bị cáo. Làm sao nói truy tố khoản vay không liên quan bị cáo"- VKS nói.

Trong suốt quá trình truy tố, xét xử, bị cáo Lan có gửi nhiều đơn và luận cứ trình bày. VKS cho rằng tất cả đơn, văn bản trình bày của bị cáo đều được cơ quan tố tụng nghiên cứu kỹ, đối đáp của kiểm sát viên đều tranh luận từng quan điểm của bị cáo. Không có chuyện bị cáo trình bày, gửi đơn mà không có đối đáp trả lời.

Về quan điểm của bị cáo nói suốt 10 năm SCB hợp nhất không sử dụng một đồng tiền nào của Nhà nước, SCB vẫn hoạt động bình thường. VKS tiếp tục cho rằng điều này là không chính xác. "Việc SCB duy trì nguồn tiền trả cho người dân là nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, phải có nguồn dự trữ theo luật. SCB không hoạt động bình thường theo lập luận của bị cáo"- theo VKS.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2011, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB thông qua nhiều cá nhân, pháp nhân, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng các cán bộ chủ chốt ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút tiền của Ngân hàng SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống.

Cũng trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 - 2022), Ngân hàng SCB đã giải ngân cho nhóm công ty thuộc “hệ sinh thái” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hơn 2.500 khoản vay, với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng (chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường).

Từ tháng 02/2018 đến tháng 10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của Ngân hàng SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Tổng cộng, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB 498.000 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng liệt kê nhiều khoản để yêu cầu cấn trừ hậu quả và dư nợ. "VKS thấy không có căn cứ gì. Bị cáo liệt kê khoản vay Ngân hàng Nhà nước, thế chấp khách sạn Windsor vay 15.000 tỷ…, nhưng tài liệu chứng cứ không chứng minh bị cáo dùng tiền của bị cáo đem trả nợ thay cho SCB. SCB vẫn bị âm vốn chủ sở hữu. Bị cáo gây hậu quả đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó", VKS nhắc lại quan điểm.

Sử dụng nghiệp vụ cao che dấu thực trạng yếu kém của SCB

Về hành vi đưa và nhận hối lộ 5,2 triệu USD, VKS lập luận bị cáo Trương Mỹ Lan là người sắp xếp các vị trí chủ chốt tại HĐQT và ban điều hành SCB.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn là Tổng giám đốc SCB đã nhận chỉ đạo của bà Lan. Văn làm việc với đoàn thanh tra, trong đó trực tiếp làm việc với bà Đỗ Thị Nhàn. Lời khai của bị cáo Văn cho rằng khách quan, giới thiệu bà Nhàn gặp gỡ bà Lan. Các lần đưa tiền thông qua Văn là có căn căn cứ.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn

Tranh luận trở lại quan điểm các luật sư của bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho rằng chỉ truy tố bà Nhàn tội Nhận hối lộ là chưa công bằng, bởi hành vi của bị cáo cùng với một số người khác trong đoàn thanh tra là một chuỗi khép kín nhưng chỉ mình thân chủ bị tội danh này, có khung hình phạt cao.

Sở dĩ bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị cáo buộc thực hiện hành vi với thủ đoạn tinh vi, tình tiết tăng nặng vì Nhàn xuyên suốt trong quá trình thanh tra, bản thân là cán bộ có nghiệp vụ cao trong hoạt động ngân hàng.

Nhàn sử dụng nghiệp vụ cao này để che giấu sai phạm SCB, nếu Nhàn trung thực thì SCB đã vào diện kiểm soát đặc biệt và chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra, ngăn chặn sớm hành vi phạm pháp, hậu quả thất thoát sẽ giảm bớt.

Bị cáo Nhàn nói Văn chủ động đưa tiền cho bà, VKS không đồng ý quan điểm này. Lời khai của Văn phù hợp lời khai bị cáo Nhàn, phù hợp lời khai của nhân chứng. Đó là Văn có 4 lần đưa tiền, Nhàn nhận tiền của Văn nhiều lần. Những lần nhận tiền diễn ra trong suốt quá trình thanh tra.

"Văn mang tiền đến đều trực tiếp nói, trao đổi qua điện thoại với bị cáo, nói tiền chị Lan cảm ơn chị đã giúp đỡ, hỗ trợ SCB. Bị cáo không có ý định trả lại tiền. Bởi nếu bị cáo có ý định trả lại tiền thì lần đầu khi nhận 200.000 USD, bị cáo đã phải trả lại ngay", VKS lập luận.

Theo VKS bị cáo Nhàn không có nhà nhưng vẫn cho Văn lên nhà, cho mật khẩu, thể hiện cho Văn tùy nghi vào nhà. Sau mỗi lần đưa tiền, Văn đều thông báo tiền của bà Lan đưa. Lần thứ 4, sau khi ban hành kết quả thanh tra, bị cáo đã nhận đủ 5,2 triệu USD.

Bị cáo Nhàn cho rằng đã thực hiện tròn vai trò trưởng đoàn thanh tra, VKS cho rằng chỉ đúng một lần. Sự thật đúng là bị cáo báo cáo kết quả thanh tra, tuy nhiên sau đó SCB có 4 kiến nghị tiếp tục chấp nhận dư nợ xấu của các khoản vay đó, tiếp tục cho SCB hạch toán lãi dự thu để tiếp tục tái cơ cấu thì bị cáo lại chấp nhận đề xuất không đúng này của SCB.

Đề nghị giảm án cho nhiều bị cáo

VKS đánh giá quá trình tranh luận đã làm sáng tỏ vụ án một cách khách quan, toàn diện. Xuyên suốt quá trình xét xử, các bị cáo ăn năn hối cải, tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả. Tổng tiền khắc phục thêm từ lúc xét xử tính đến hôm nay là hơn 73 tỷ đồng. Nhiều luật sư bào chữa đề nghị bổ sung tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo.

VKS ghi nhận và đề nghị HĐXX xem xét áp dụng hình phạt mới, giảm nhẹ hơn mức hình phạt cho 22 bị cáo so với khi luận tội ngày 19/3.

Bị cáo Trương Huệ Vân được đề nghị giảm thêm mức án

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng) được đề nghị giảm từ 14-15 năm xuống mức 11-12 năm. Bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư VTP), VKS đánh giá bị cáo ăn năn hối cải, quá trình phạm tội của bị cáo trong hoàn cảnh phụ thuộc, tin tưởng hoàn toàn vào người cô ruột là bị cáo Trương Mỹ Lan. Luật sư cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ là bằng khen, giấy khen, thư cảm ơn của các cấp khi bị cáo Vân tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Bị cáo cũng có ý thức chủ động vận động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 17-18 năm tù, thay cho mức 19-20 năm đề nghị trước đó.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan), VKS đánh giá, bị cáo không tham gia điều hành SCB, phạm tội do tin tưởng vợ. Tại tòa, bị cáo thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. VKS đề nghị giảm mức án đề nghị xuống 10-11 năm, thay vì 11-12 năm.

Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Capella), VKS ghi nhận sự tích cực của bị cáo và gia đình đã khắc phục gần 700 tỷ đồng. Trong quá trình phiên tòa diễn ra, gia đình bị cáo đã nộp thêm 61 tỷ đồng. VKS đề nghị mức án 9-10 năm, thay cho 10-11 năm.

Đại diện VKS cũng đề nghị giảm mức án đối với các cựu lãnh đạo SCB, Vạn Thịnh Phát và các công ty liên quan như: Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB) được đề nghị giảm xuống mức 18-19 năm; Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP) giảm xuống mức 17-18 năm; Đỗ Phú Huy (cựu Thành viên Hội đồng Tín dụng Hội sở SCB) mức 14-15 năm tù; Từ Văn Tuấn (cựu Giám đốc Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale SCB) mức 10-11 năm; Lê Khánh Hiền (cựu Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT SCB) mức 5-6 năm tù; Võ Văn Tường (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) mức 3-4 năm tù; Bùi Ngọc Sơn (cựu nhân viên Phòng Tái thẩm định SCB) mức 3-4 năm tù.

Bị cáo Chu Lập Cơ được đề nghị giảm thêm mức án đề nghị ngày 19/3
Nguyễn Cao Trí cũng đề nghị giảm thêm vì khắc phục hậu quả tích cực

Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư VTP) mức 18-19 năm; Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) mức 18-19 năm; Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) mức 13-14 năm tù; Đặng Quang Nguyên (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood) mức 4-5 năm tù; Nguyễn Phi Long (Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood) mức 6-7 năm tù; Cao Việt Dũng (Chủ tịch HĐTV Công ty Tường Việt) mức 3-4 năm tù; Trần Thị Kim Chi (nhân viên Tập đoàn VTP) mức 5-6 năm tù.

Với các bị cáo thuộc nhóm thanh tra, giám sát NHNN, VKS đánh giá các bị cáo thành khẩn khai báo, nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi.

VKS đề nghị mức án Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng) từ 14-15 năm xuống mức 11-12 năm; Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Cục phó Cục II - NHNN) 5-6 năm; Võ Văn Thuần (cựu Phó Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM) 6-7 năm; Phan Tấn Trung (Phó Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh TPHCM) 6-7 năm; Nguyễn Tín (cựu Tổ trưởng Tổ giám sát tại SCB) 4-5 năm.

Đối với các bị cáo khác, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và nội dung luận tội.

Ngày mai, các bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang