Mr Pips - "ông trùm" lừa đảo trên sàn giao dịch tài chính khiến hơn 2.700 người sập bẫy:

Kỳ cuối: Thiếu hiểu biết, thừa lòng tham - Bài học vỡ lòng chưa thuộc

Thứ Hai, 14/07/2025 11:50  | Trà My

|

(CATP) Trong vụ án lừa đảo quy mô cực lớn này, đã có ít nhất 2.700 người sập bẫy và chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, nhiều người đang hiểu lầm, tưởng rằng đầu tư chứng khoán thua lỗ nên không ra trình diện. Tại cơ quan điều tra, Phó Đức Nam (Mr.Pips) khai rằng, khi người ta thấy nhà đẹp, xe sang thì sẽ truyền được sự tin tưởng cho người xem. Họ sẽ bị cuốn hút vào các hình ảnh này và dễ dàng bị lôi kéo tham gia đầu tư tài chính.

Hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia vào đường dây

Theo Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng, liên quan đến vụ án này, ở Cầu Giấy có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia. Giám đốc Công an TP.Hà Nội khẳng định, "những người này sẽ rơi vào vòng lao lý”, phải xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia.

Trao đổi về tình huống pháp lý trên, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết: Theo quy định tại điều 12 của Bộ luật Hình sự, người từ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Học sinh, sinh viên từ đủ 16 tuổi trở lên có hành vi giúp sức cho đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam cầm đầu để chiếm đoạt tài sản của người bị hại từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy học sinh, sinh viên tham gia vào đường dây của Phó Đức Nam biết được thủ đoạn gian dối nhưng vẫn tiếp tay, giúp sức sẽ bị xác định là đồng phạm. Hành vi giúp sức cho các đối tượng lừa đảo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò đồng phạm, khung hình phạt của tội này có mức phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.

Những hình ảnh thể hiện sự giàu có của Phó Đức Nam đã khiến nhiều người mờ mắt

Theo luật sư Đặng Văn Cường, một vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có đến 1.000 học sinh, sinh viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự do giúp sức cho các đối tượng lừa đảo là câu chuyện rất buồn, đáng lo ngại, bởi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người trẻ. Pháp luật quy định về khoan hồng đối với những người chưa đủ 18 tuổi, theo đó những người này sẽ phải chấp hành hình phạt tù không quá 18 năm. Tuy nhiên, đối với các sinh viên đã đủ 18 tuổi, mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Quá trình điều tra vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ hành vi, vai trò, nhận thức, vấn đề hưởng lợi để có sự phân hóa, phân loại, xác định các học sinh, sinh viên này là người bị hại, người liên quan hay là bị can giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Vụ án này là tiếng chuông cảnh tỉnh đến các bạn trẻ về các hoạt động đầu tư tài chính, các công việc làm thêm trên không gian mạng. Nhà trường cần coi đó là bài học trong quản lý, giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật, kỹ năng sống để học sinh, sinh viên nhận diện được các phương thức thủ đoạn lừa đảo để bản thân không rơi vào vòng lao lý”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Lòng tham làm mờ mắt

Theo các cán bộ trực tiếp điều tra vụ án, nhiều bị hại của Phó Đức Nam không nghĩ đây là đường dây lừa đảo mà chỉ nghĩ đơn giản mình chơi chứng khoán.

Trong số các nạn nhân của Phó Đức Nam, B.N.L là một sinh viên 22 tuổi, quê quán tại Quảng Ninh. Cậu sinh viên này thừa nhận bị thu hút bởi hình ảnh sang chảnh, giàu có của Phó Đức Nam trên mạng xã hội nên đã chủ động nhắn tin, thể hiện mong muốn giàu có như Nam. Sau khi giao dịch 37 lần với tổng số tiền đầu tư lên tới 8 tỷ đồng, tài khoản của nam sinh viên này bỗng nhiên bị "cháy", không thể rút tiền. Lúc này, bị hại vẫn không nghĩ mình bị lừa. Còn anh L.D.L, 34 tuổi, quê ở Nghệ An, sau một cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ, được hướng dẫn tham gia vào nhóm đầu tư của công ty chứng khoán quốc tế Alpha (thuộc đường dây lừa đảo của Mr.Pips). Người này tự nhận là chuyên gia tài chính, cam kết chỉ cần tạo tài khoản và nạp tiền, không cần biết cách chơi vẫn có thể sinh lời cao, kiếm thêm thu nhập. Mặc dù hoài nghi về cơ hội kiếm tiền dễ dàng nhưng vì nhân viên cam kết như "rót mật vào tai", hứa hẹn bảo hiểm 100% vốn nên anh L. đã thực hiện tổng cộng 6 giao dịch với tổng số tiền tới 5,6 tỷ đồng.

Các đối tượng lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng và thiếu hiểu biết về đầu tư tài chính của nạn nhân. Họ tạo dựng hình ảnh hào nhoáng, giả danh chuyên gia để tạo lòng tin. Nạn nhân thường mắc lỗi thiếu kiểm chứng thông tin, tin tưởng mù quáng vào lời hứa hẹn lợi nhuận cao mà không tìm hiểu kỹ về tính hợp pháp và uy tín của sàn giao dịch. Ngoài ra, các đối tượng còn "chăm sóc" bị hại theo kiểu kèm 1-1 liên tục và thân mật, để họ cảm thấy có sự đồng hành và nhiệt tình, được quan tâm, tôn trọng trong quá trình đầu tư. Sau đó, các đối tượng đưa lệnh, đọc lệnh trên các hội nhóm do chúng lập ra để nhà đầu tư đặt theo, cuốn vào dòng tiền bị thua, muốn nạp thêm để gỡ và càng đặt nhiều thì càng nhanh "cháy" tài khoản.

Lý giải về tâm lý của các bị hại, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khẳng định, các bị hại đã bị dẫn dụ một cách có bài bản với phương thức, thủ đoạn được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. "Ban đầu các đối tượng lừa đảo chỉ lôi kéo nhóm nhỏ trong số quen biết và từ từ mở rộng ra theo hình thức đa cấp. Bởi theo tâm lý con người, nói một lần chưa tin nhưng nói đến 5 hay 10 lần hoặc nhiều hơn thì sẽ tin theo. Ai cũng có lòng tham, nạn nhân bị sập bẫy lừa đảo là do không kiểm soát được lòng tham. Thậm chí có người luôn cẩn thận trong việc chi tiêu, quản lý tài sản nhưng cũng "khôn ba năm dại một giờ" rơi vào bẫy lúc nào không biết", ông Hiển nói.

Khoảng 1.000 học sinh, sinh viên tham gia làm việc cho Phó Đức Nam

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn nhưng phương thức, thủ đoạn không khác nhiều so với ổ nhóm tội phạm khác. Các đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu khuếch đại lợi nhuận để đánh vào lòng tham của con người. Khi lòng tham quá lớn sẽ làm mất đi lý trí và sự tỉnh táo vốn có để đưa ra quyết định.

Theo các chuyên gia tài chính, khi rơi vào tình huống bị các đối tượng tiếp cận lừa đảo qua mạng, các nạn nhân rất khó tỉnh táo để tránh việc bị rơi vào bẫy. Vì vậy, biện pháp tốt nhất đến hiện tại vẫn là "phòng hơn chống". "Không có cái gì đầu tư thụ động, không cần suy nghĩ mà lợi nhuận thu về được hơn gấp đôi lãi suất ngân hàng. Nếu có người chỉ cách làm giàu nhanh, không cần phải làm gì thì đa số chỉ là lừa đảo", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cảnh báo.

Cơ quan Công an cũng khuyến cáo, hiện các sàn quốc tế về giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép tại Việt Nam. Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trong lĩnh vực đầu tư sàn chứng khoán ngoại hối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo người dân nên thận trọng trước mọi giao dịch phát sinh. Bởi hiện nay chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam. Ngoài ra, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.

Nếu muốn đầu tư tài chính, người dân nên trang bị kiến thức đầy đủ. Khi thấy không chắc chắn, cần tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Đồng thời, người dân cần chủ động tìm hiểu phương thức bảo mật thông tin, cập nhật tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa. Nếu có điều kiện, cần sử dụng công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản trên mạng.

Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 07/7, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP.Hà Nội đề nghị các bị hại liên quan đến các trang web, sàn giao dịch của Phó Đức Nam (Mr.Pips) hãy liên hệ với Công an TP.Hà Nội để được tiếp nhận, xác minh và được trả lại tiền theo quy định của pháp luật. Trước đó, cơ quan chức năng xác định có gần 2.700 bị hại và tổng số tiền nạn nhân đã nạp lần đầu là khoảng 50 triệu USD. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, Công an TP.Hà Nội đã thu giữ tổng số tiền lên đến 5.315 tỷ đồng, nhưng mới chỉ xác định được 571 bị hại.
Kỳ 2: Công thức
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang