Thẩm định giá 300 tỷ đồng
Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM vừa hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sang sang Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố bị can Huỳnh Thế Năng (66 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (64 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Diễn biến về sai phạm của Vinafood II trong quá trình thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất tại số 33 đường Nguyễn Du và số 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh, P.Bến Nghé, Q1 (nay là P.Sài Gòn, gọi tắt là 4 cơ sở nhà, đất). Quá trình thực hiện sắp xếp, xử lý đối với 4 cơ sở nhà, đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vinafood II đã thực hiện theo 3 giai đoạn.
Theo đó, việc sắp xếp, xử lý nhà, đất ban đầu theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 và Quyết định số 111/2002/QĐ-TTg ngày 21/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ. 4 cơ sở nhà, đất được xác lập quyền sở hữu nhà nước và giao cho Vinafood II trực tiếp quản lý sử dụng (theo Quyết định số 914/LTTP/QĐ ngày 16/01/1997 của Bộ Lương thực và Thực phẩm; Quyết định số 261/NN-TCKT/QĐ và 265/NN-TCKT/QĐ ngày 07/7/1993 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm; Quyết định số 1425/QĐ-UB ngày 22/9/1998 của UBND TPHCM).

Khu tập thể phía đường Nguyễn Du (ảnh chụp ngày 13/7/2025)
Bên cạnh đó, thực hiện việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TPHCM vào năm 2001, Vinafood II đã báo cáo, lập thủ tục kê khai và phương án xử lý sắp xếp lại nhà đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hướng xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 4 cơ sở nhà, đất từ mục đích sản xuất kinh doanh sang xây dựng cao ốc văn phòng, nhà ở cao tầng để bán và cho thuê theo quy hoạch của TPHCM, dự án do Vinafood II trực tiếp làm chủ đầu tư.
Sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài chính bằng văn bản năm 2004 và UBND TPHCM về việc cho Vinafood II được chuyển mục đích sử dụng đất, để trực tiếp lập thủ tục và đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng, nhà ở cao tầng bán và cho thuê, trường hợp này được xem như bán chỉ định cho Vinafood II, giá bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường.
Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất do cơ quan chức năng thẩm định giá xác định sát với giá thị trường làm cơ sở cho Sở Tài chính TPHCM thẩm định, trình UBND TPHCM quyết định. Vinafood II có trách nhiệm lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và lập phương án di dời các hộ gia đình đang ở tại 4 cơ sở nhà, đất đi nơi khác, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.
Thực hiện các chỉ đạo trên, Vinafood II đã ký kết Hợp đồng tư vấn, thẩm định giá với Trung tâm Kiểm định bản đồ và tư vấn địa ốc để tư vấn thẩm định giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Ngày 24/3/2005, Trung tâm Kiểm định bản đồ và tư vấn địa ốc đã phát hành Chứng thư tư vấn định giá bất động sản, xác định 4 cơ sở nhà, đất có giá trị hơn 311,7 tỷ đồng (gồm: giá trị quyền sử dụng đất là hơn 304 tỷ đồng và giá trị công trình là hơn 7 tỷ đồng).

Huỳnh Thế Năng
Hợp thức hóa kiểu "góp vốn - thoái vốn"
Theo kết luận điều tra, có đủ căn cứ để xác định, với bị can Huỳnh Thế Năng, vào thời điểm năm 2014-2015, do kinh doanh thua lỗ nên Vinafood II có chủ trương bán 4 cơ sở nhà, đất để thu hồi vốn đã đầu tư, bù lỗ, trả nợ vay và bổ sung vốn kinh doanh. Mặc dù chưa được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận, cho phép bán tài sản nhưng khi được Đinh Trường Chinh (đại diện Công ty Việt Hân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) có văn bản đặt vấn đề xin được mua tài sản, Năng đã chủ động thống nhất với Chinh về việc Vinafood II sẽ chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Việt Hân mà không cần phải thông qua đấu giá.
Bị can Năng biết rõ theo quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước là 4 cơ sở nhà, đất nêu trên phải thông qua đấu giá nên lấy lý do khu đất đang còn 34 hộ dân sinh sống, chưa giải phóng được mặt bằng, không thể tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, để thống nhất việc đưa ra phương án góp vốn, thoái vốn (cụ thể, Vinafood II sử dụng một phần giá trị quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản trên đất trị giá 160 tỷ đồng để góp 20% vốn điều lệ của Công Việt Hân Sài Gòn. Đồng thời, chuyển nhượng toàn bộ phần còn lại của giá trị quyền sử dụng đất trị giá 570 tỷ đồng. Sau đó, Vinafood II sẽ thoái 20% vốn góp bằng việc chuyển nhượng cho Công ty Việt Hân) nhằm hợp thức hóa cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ định cho Công ty Việt Hân.

Phía đường Chu Mạnh Trinh, các hộ dân vẫn sinh sống lâu nay (ảnh chụp 13/7/2025)

Nhếch nhác, xuống cấp, cảnh báo nguy hiểm tại "
khu đất vàng" của Vinafood II
Để hợp thức hóa về cơ sở pháp lý việc bán tài sản cho Công ty Việt Hân theo phương án góp vốn, thoái vốn nêu trên, Huỳnh Thế Năng đại diện Vinafood II ký Văn bản số 2022/TCT-VP ngày 23/6/2015 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để báo cáo về tình hình tài chính khó khăn không thể tiếp tục tự đầu tư thực hiện dự án; xin ý kiến về việc dùng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để góp vốn với đối tác có đủ điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm là Công ty Việt Hân. Thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để tiếp tục cùng triển khai thực hiện dự án.
Trên cơ sở các văn bản xin chủ trương, ý kiến nêu trên của Vinafood II, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, UBND TPHCM chấp thuận cho phép Vinafood II được dùng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để góp vốn với đối tác là Công ty Việt Hân, thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn nhằm tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy định, nhưng không có nội dung cho phép Vinafood II được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Việt Hân hoặc Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Mặc dù biết rõ tổng chi phí mà Vinafood II đã đầu tư khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hơn 766 tỷ đồng, nhưng ngày 05/10/2015, Năng vẫn lập tờ trình tham mưu cho Hội đồng thành viên về giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là 730 tỷ đồng (thấp hơn tổng chi phí đã đầu tư). Trên cơ sở tham mưu của Năng, ngày 16/10/2015, Hội đồng thành viên đã họp, thống nhất và ngày 22/10/2015, ban hành Nghị quyết số 5 xác định giá trị của 4 cơ sở nhà, đất là 730 tỷ đồng.
Sau đó, ngày 23/12/2015, Năng đã ký hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Việt Hân Sài Gòn (chuyển nhượng một phần giá trị quyền sử dụng đất 570 tỷ đồng và góp phần còn lại của giá trị quyền sử dụng đất 160 tỷ đồng). Ngày 30/12/2015, Năng ký hợp đồng chuyển nhượng 20% vốn góp cho Công ty Việt Hân với giá 160 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, Huỳnh Thế Năng dù biết rõ 4 cơ sở nhà, đất nêu trên là tài sản Nhà nước, được giao cho Vinafood II quản lý sử dụng, khi chuyển nhượng phải tổ chức bán đấu giá công khai; Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng không cho phép Vinafood II được chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Việt Hân, nhưng khi được đặt vấn đề hỏi mua khu đất, Năng đã bàn bạc thống nhất với Đinh Trường Chinh để chuyển nhượng trái pháp luật khu đất trên cho Công ty Việt Hân, với thủ đoạn thông qua phương án góp vốn, thoái vốn để hợp thức hóa.
Năng tự xác định, tự thỏa thuận giá trị chuyển nhượng khu đất là 730 tỷ đồng, từ đó gây ra hậu quả thất thoát cho Nhà nước số tiền là 970 tỷ đồng. Hành vi trên của Huỳnh Thế Năng có đủ yếu tố cấu thành tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự, với vai trò đồng phạm cùng với bị can Đinh Trường Chinh, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
(Còn tiếp...)