Truy vết "bóng ma mạng"
Tháng 02/2025, từ một thông tin bất thường trên không gian mạng, Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện có một tổ chức tội phạm công nghệ cao đang hoạt động tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào). Đường dây do Hoàng Văn Trung (SN 1994, trú tại Quảng Hòa, Cao Bằng) cầm đầu, móc nối với các đối tượng người nước ngoài, lập ra sàn giao dịch vàng ảo "ATFX" để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm công dân Việt Nam. Nhận định đây là tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tố xuyên quốc gia, thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức và được điều hành từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đầu tháng 6/2025, Công an tỉnh Điện Biên xác lập Chuyên án 625T do Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhằm triệt phá toàn bộ đường dây.
Địa bàn Tam Giác Vàng từ lâu vốn được coi là "tâm bão" về an ninh trật tự, vừa là nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới, vài năm trở lại đây lại trở thành "thủ phủ” của các "tập đoàn đa quốc gia" về tội phạm lừa đảo. Nơi đây có địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư phức tạp, các đối tượng liên tục thay đổi nơi ẩn náu và sử dụng công nghệ cao để che giấu tung tích. Việc tiếp cận hiện trường gặp vô vàn khó khăn do khác biệt ngôn ngữ, địa hình không thuận lợi, pháp lý nước sở tại và quy định đặc thù của đặc khu kinh tế. Mọi thông tin đều phải được xác minh kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ và đúng trình tự với Công an nước bạn. Đây chính là thử thách rất lớn đối với lực lượng Công an tỉnh Điện Biên.

Các đối tượng bị di lý từ Lào về Việt Nam

Đối tượng cầm đầu Hoàng Văn Trung
Một cán bộ trực tiếp tham gia chuyên án cho biết, việc truy vết tội phạm trên không gian mạng ở địa bàn Tam Giác Vàng là thử thách rất lớn. Đối tượng liên tục đổi vị trí ẩn náu, di chuyển qua nhiều tuyến biên giới hở, sử dụng các ứng dụng mã hóa để trao đổi nội bộ. Muốn bắt quả tang, buộc trinh sát phải bám địa bàn dài ngày, phối hợp từng bước với Công an nước bạn để nắm quy luật di chuyển, sơ đồ hoạt động và địa chỉ lưu trú thực tế của từng nhóm nhỏ.
Trong quá trình điều tra, lực lượng Công an Việt Nam phải triển khai đồng thời nhiều mũi công tác để theo dõi không gian mạng, giám sát di biến động, xử lý dữ liệu số thu thập từ các nguồn, phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Công an Lào.
Tháng 6/2025, khi lực lượng chức năng nước bạn mở đợt truy quét tại khu vực biên giới, nhóm tội phạm lập tức rút sâu vào trung tâm khu vực Tam Giác Vàng, cất giấu toàn bộ thiết bị điện tử và lên kế hoạch bỏ trốn sang Campuchia theo nhiều hướng để tránh sự phát hiện của Công an. Đến đầu tháng 7/2025, trinh sát nắm được thông tin nhóm cầm đầu đang lên kế hoạch chia nhỏ lực lượng, rút khỏi Tam Giác Vàng bằng nhiều hướng. Ban chuyên án đã lập tức điều chỉnh kế hoạch phá án sớm hơn dự kiến, huy động tổng lực, đánh đòn phủ đầu nhằm chặn đứng ý đồ bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ của các đối tượng. Dưới sự hiệp đồng của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an Lào và tổ công tác Việt Nam tại Viêng Chăn, kế hoạch "buông lưới", khóa chặt mọi lối thoát được vạch ra.
Ngày 05/7/2025, gần 200 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an Lào đã triển khai đồng loạt nhiều mũi trinh sát tóm gọn các nhóm tội phạm trước khi chúng kịp tẩu thoát. Tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào), hai mũi trinh sát gồm 58 cán bộ, chiến sĩ Công an Việt Nam và Lào đồng loạt kiểm tra, khám xét 2 điểm nghi vấn, nơi được xác định là "tổng hành dinh" của đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Kết quả, 45 đối tượng bị bắt giữ tại chỗ, trong đó có 14 người Trung Quốc và 31 người Việt Nam. Đối tượng cầm đầu Hoàng Văn Trung (SN 1994, trú tại Quảng Hòa, Cao Bằng) bị khống chế khi đang ẩn náu trong một quán bar giữa đặc khu. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ lượng tang vật khổng lồ phục vụ cho hoạt động phạm tội, gồm: 233 ĐTDĐ, 292 máy tính All-in-One, 36 bộ máy tính để bàn, hàng ngàn sim Lào, máy chiếu, thiết bị điện tử... Đặc biệt, hai thùng carton lớn chứa hàng trăm sổ tay, tài liệu, mỗi trang là một kịch bản lừa đảo được dàn dựng tỉ mỉ, từ tiếp cận, làm quen đến thao túng tâm lý và chiếm đoạt tài sản nạn nhân.

Số tang vật thu giữ trong chuyên án
Cùng thời điểm, tại sân bay Thủ đô Viêng Chăn, một tổ công tác khác của Công an Việt Nam phối hợp với Cơ quan thường trú Bộ Công an tại Lào và các đơn vị nghiệp vụ nước bạn đã kịp thời bắt giữ 14 đối tượng (gồm 13 người Việt, 1 người Trung Quốc) đang làm thủ tục bay sang Phnom Penh, Campuchia. Tang vật thu giữ gồm 41 ĐTDĐ, 13 hộ chiếu, cùng hàng ngàn USD, nhân dân tệ và kíp Lào. Trong khi đó, tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), mũi công tác khác triển khai bắt giữ 15 đối tượng khi đang trên đường di chuyển bằng ôtô từ Lào về Việt Nam để tìm cơ hội vượt biên sang Campuchia bằng đường bộ.
Chỉ trong chưa đầy 24 giờ, 74 đối tượng trong đường dây lừa đảo sử dụng công nghệ cao xuyên quốc gia bị bắt giữ đồng loạt tại 3 điểm nóng: Tam Giác Vàng - Viêng Chăn - Tây Trang (trong đó có 59 đối tượng người Việt Nam, 15 đối tượng người Trung Quốc). Rạng sáng 09/7/2025, toàn bộ 59 đối tượng người Việt Nam cùng tang vật được áp giải an toàn qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, đưa về Công an tỉnh Điện Biên để tiếp tục điều tra mở rộng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 38 bị can, trong đó có các đối tượng chủ mưu về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Chiếc bẫy đầu tư mang tên "ATFX"
Tại cơ quan điều tra, nhóm đối tượng người Việt thừa nhận đã cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc tổ chức lừa đảo qua sàn vàng ảo "ATFX", nhắm vào công dân Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Thủ đoạn của các đối tượng là khai thác triệt để không gian mạng, lợi dụng nền tảng số và công nghệ AI để lẩn tránh truy vết, che giấu danh tính.
Các đối tượng tạo vỏ bọc những nhà đầu tư tài chính thành đạt rồi dựng lên sàn giao dịch vàng ảo mang tên "ATFX", bề ngoài là môi trường đầu tư hiện đại, sinh lời cao, nhưng thực chất là một chiếc bẫy được lập trình tinh vi đến từng chi tiết. Ban đầu, chúng lập những tài khoản mạng xã hội được tạo dựng kỹ lưỡng bằng hình ảnh trên Facebook, Zalo, TikTok với thông tin cá nhân chỉn chu, cuộc sống sang chảnh, có điều kiện kinh tế, lối sống sang trọng. Từ đó, các đối tượng kết bạn, trò chuyện, tán tỉnh, xây dựng mối quan hệ tình cảm hoặc bạn bè tin cậy. Sau khi chiếm được lòng tin, chúng dụ dỗ các nạn nhân tham gia đầu tư với lời hứa hẹn sinh lời khủng tới 24% mỗi ngày. Khi các nạn nhân tham gia số tiền nhỏ khoảng vài triệu đồng, tiền lời được chuyển về đầy đủ. Tiếp đó, chúng dụ dỗ họ nạp vào tài khoản số tiền ngày một lớn cho đến khi nạn nhân rơi vào trạng thái mù mờ, bị điều khiển và phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống do nhóm tội phạm vận hành.
Khi nạn nhân yêu cầu rút tiền, các đối tượng bắt đầu giở các chiêu trò như: lỗi kỹ thuật, kiểm tra tài khoản, cần xác minh bổ sung... tất cả chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian, tiếp tục "vắt kiệt" tài sản. Đồng thời, chúng còn sử dụng hình ảnh nhạy cảm, tin nhắn riêng tư đã lưu trữ từ trước để đe dọa, ép buộc nạn nhân im lặng hoặc tiếp tục chuyển tiền. Mỗi đối tượng trong đường dây đều đảm nhiệm một khâu nhất định: người giả gái/trai kết bạn, người phụ trách tư vấn đầu tư, kẻ dựng kịch bản tin nhắn, người chịu trách nhiệm quản lý hệ thống chuyển tiền. Đường dây tội phạm được tổ chức chặt chẽ, khép kín và có sự phân tầng, phân cấp rành mạch, phối hợp nhịp nhàng theo kịch bản được vạch sẵn với mục tiêu duy nhất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chuyên án 625T kết thúc thành công cũng thể hiện hiệu quả hợp tác quốc tế thực chất, bền chặt giữa Công an Việt Nam và Công an Lào theo đúng tinh thần chỉ đạo trong bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Bộ trưởng hai nước và hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng góp phần bảo vệ an ninh không gian mạng, giữ vững lòng tin của nhân dân.