Những mánh khóe, thủ đoạn cực kỳ tinh vi
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng mạng internet LĐCĐTS trên không gian mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, đã tác động không nhỏ đến tình hình ANTT, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, thiệt hại đối với người dân là rất lớn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của nhiều bị hại, gây xáo trộn, mâu thuẫn trong gia đình, mất mát tình cảm giữa người thân, bạn bè với nhau, thậm chí dẫn đến xung đột, bạo lực (đối với trường hợp cho vay mượn tiền nhưng bị hại không có tiền trả) hoặc có trường hợp xấu nhất, do không chịu nổi áp lực về tiền bạc nên phải tự chấm dứt cuộc sống của mình.
Trong năm 2024, CATP đã tiếp nhận, thụ lý gần 1.000 vụ, số tiền thiệt hại rất lớn, khoảng gần 1.800 tỷ đồng. Trong khi đó, công tác điều tra, khám phá các vụ án này còn nhiều hạn chế. Qua công tác điều tra, cơ quan Công an nhận thấy tập trung chủ yếu vào các phương thức, thủ đoạn lừa đảo như sau: Hành vi LĐCĐTS qua việc kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên để làm nhiệm vụ bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... để nhận hoa hồng hoặc mời bị hại tham gia tuyển người mẫu ảnh nhí, sau đó hướng dẫn cho bị hại đăng ký mở tài khoản trên app rồi giao nhiệm vụ để thực hiện, khi thực hiện nhiệm vụ sẽ phải chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng chỉ định, hứa hẹn sau khi xong thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10-15% trả lại vào tài khoản. Tuy nhiên, sau đó khi bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp.

Công an khám xét tại một công ty có dấu hiệu vi phạm
Hành vi LĐCĐTS qua việc mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối; Hành vi lừa đảo bằng hình thức giả danh cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, thuế, nhân viên bưu điện...) thông báo liên quan đến các đường dây tội phạm mua bán ma túy, rửa tiền; Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc "hack" các tài khoản mạng xã hội (MXH) và giả làm người thân của bị hại thông qua các tài khoản Zalo, Telegram, Whatsapp đã bị chiếm quyền quản lý để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng (TKNH) do đối tượng chỉ định.
Ngoài ra, trong thời gian qua đã phát sinh thêm một số thủ đoạn mới như: Giả mạo văn bản "tăng lương hưu, hủy sổ bảo hiểm". Lợi dụng việc nhà nước tăng mức lương cơ sở (từ ngày 01/7/2024), các đối tượng giả mạo văn bản tăng lương hưu, trợ cấp, lừa đối tượng cập nhật phần mềm VssID (phần mềm BHXH số) để chiếm đoạt tài khoản, lừa tiền. Ngoài ra còn có thủ đoạn lừa đảo qua việc mạo danh nhân viên ngân hàng liên hệ với bị hại để hướng dẫn cài đặt sinh trắc học và yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân, thông tin TKNH, hình ảnh khuôn mặt hoặc gửi các đường link giả mạo và cài đặt ứng dụng thu thập sinh trắc học nhưng thực chất là tải về ứng dụng có chứa mã độc để đánh cắp các thông tin cá nhân của bị hại, sau đó các đối tượng đăng nhập vào tài khoản của bị hại và chiếm đoạt tài sản.
Nhóm tội phạm phân công một số đối tượng đi thuê người đứng tên giùm tài khoản rồi bán cho bọn chúng sử dụng hoặc đi mua các giấy CMND do người khác đứng tên (do bị mất, bị rơi), bóc hình trong CMND ra, dán hình của bọn chúng vào rồi sử dụng sim không chính chủ (sim rác) đăng ký mở tài khoản với ngân hàng; làm giả CMND để đăng ký sim ĐTDĐ, mở TKNH. Các đối tượng sử dụng các số ĐTDĐ không chính chủ, các ứng dụng MXH nhắn tin, trò chuyện xuyên biên giới như Facebook, Viber, Telegram, Whatsapp... do các công ty nước ngoài quản lý, không đặt máy chủ tại Việt Nam; dùng các thiết bị công nghệ tạo các trang web giả mạo ngân hàng, cơ quan nhà nước để liên lạc với bị hại. Do đó, khi truy xét theo thông tin về lai lịch đối tượng thì hầu hết số ĐTDĐ của đối tượng khi xác minh đều không chính chủ, có số ĐTDĐ có đầu số ở nước ngoài. Các tài khoản MXH, các đường link, trang web qua xác minh đều không có thông tin người sử dụng.
Quá trình truy xét theo dòng tiền thì thấy đối tượng sử dụng TKNH do người khác đứng tên. Một số trường hợp đối tượng dùng CMND giả để mở TKNH, rút tiền trong tài khoản do bị hại chuyển vào rất nhanh cả khi bị hại chưa kịp phát hiện, trình báo. Do vậy, khó khăn trong công tác truy xét, khám phá, thu hồi tài sản.
Một khó khăn nữa là bị hại và đối tượng đều là những người hoàn toàn không quen biết nhau, do vậy bị hại không thể mô tả đặc điểm nhận dạng, cung cấp thông tin lai lịch đối tượng nghi vấn cho cơ quan Công an nên khó truy xét đối tượng theo các biện pháp nghiệp vụ truyền thống.
Cần sự nâng cao nhận thức của người dân
Theo cơ quan chức năng, hiện vẫn còn một bộ phận người dân do không nhận diện được hành vi lừa đảo trên không gian mạng nên vẫn mắc bẫy, trở thành nạn nhân của đối tượng phạm tội. Trong đó có thể kể đến các đối tượng sử dụng công nghệ cao gửi cho bị hại các đường link giả cơ quan chức năng (Công an, ngân hàng, doanh nghiệp, viễn thông...) hoặc dùng công nghệ cao xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản MXH nên các bị hại không hề hay biết và bị các đối tượng lừa cung cấp thông tin cá nhân, thông tin TKNH thông qua các đường link giả cơ quan chức năng hoặc giả làm người thân của bị hại thông qua các tài khoản Zalo, Telegram, Whatsapp đã bị chiếm quyền quản lý để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào TKNH do đối tượng chỉ định. Các trường hợp này người bị hại không đủ trình độ, nhận thức để phát hiện bị lừa đảo nên các cơ quan chức năng về công nghệ cao với đơn vị có liên quan để nghiên cứu, tìm ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Cũng không thể không nhắc đến một số người dân ham lợi, có tâm lý không cần làm việc hoặc làm việc nhẹ nhàng mà vẫn có thu nhập, nên để đối tượng lợi dụng lừa đảo trên không gian mạng. Trường hợp này cần tăng cường tuyên truyền cho người dân để năng cao nhận thức, không tin theo lời nói của đối tượng để không bị lừa đảo.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, đồng thời thực hiện cao điểm thi đua đặc biệt 50 ngày đêm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao CATP tăng cường nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTP sử dụng công nghệ cao LĐCĐTS trên địa bàn TP.
Theo đó, khi tiếp nhận trình báo của bị hại cần phối hợp với ngân hàng phong tỏa, ngăn chặn ngay tài khoản mà bị hại chuyển tiền và tiến hành ngay các biện pháp truy xét.
Tiến hành các biện pháp truy xét nếu đối tượng dùng tài khoản của bị hại mua hàng hóa để nếu đối tượng để lại dấu vết, thông tin (có camera ghi nhận, có người làm chứng...) thì có cơ sở truy xét được đối tượng.
Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt các băng nhóm, đối tượng có dấu hiệu hoạt động lừa đảo, đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi lừa đảo; đối tượng là người Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động lừa đảo qua điện thoại, qua MXH; các đối tượng hoạt động mua, bán thông tin cá nhân, thông tin TKNH để có biện pháp đấu tranh, xử lý, không để các đối tượng có hành vi vi phạm. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, điều tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp hoạt động theo phương thức đa cấp, mua bán chuyển nhượng bất động sản, mua bán tiền ảo.
Kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra loại bỏ sim rác, sim không chính chủ; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động chiếm đoạt tài sản. Tăng cường kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn truy cập cũng như cảnh báo các website có dấu hiệu hoạt động LĐCĐTS.
CATP cũng sẽ thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các đơn vị của CATP với Bộ Công an, đóng vai trò tham mưu, góp ý thực hiện cho lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP trong đấu tranh, PCTP, bảo đảm tình hình ANTT nói chung và hoạt động LĐCĐTS trên không gian mạng nói riêng; ngăn chặn hoạt động thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân; lợi dụng lỗ hổng bảo mật để thu thập, khai thác thông tin cá nhân người dùng sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tài sản.
Với sự quyết tâm của lực lượng CATP, sự chung tay phối hợp của các cơ quan chức năng và sự tỉnh táo, nâng cao nhận thức của người dân, tội phạm trên không gian mạng sẽ không còn cơ hội "hoành hành", người dân sẽ không còn bị lừa đảo dẫn đến mất tiền oan.