Gian lận thương mại tràn lan trên mạng:

Kỳ 1: Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt nhiều nơi

Thứ Ba, 08/06/2021 09:09

|

(CATP) Trong khi nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường cả nước vẫn còn là vấn đề nhức nhối của xã hội, hoành hành suốt nhiều năm qua thì sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh (KD) bán hàng trên mạng một cách vô tội vạ như hiện nay lại tiếp tục khiến tình hình càng khó kiểm soát.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ khôn lường khi hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng bị trà trộn rất khó phát hiện, nhiều người còn công khai bán hàng nhái, hàng giả trên các trang mạng xã hội (MXH), trong số đó có không ít là những nghệ sĩ có tiếng hoặc mang danh nghệ sĩ trong showbiz.

Tình trạng này khiến lực lượng chuyên trách gặp không ít khó khăn trong công tác phòng chống (PC) đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường KD chung cũng như niềm tin của người tiêu dùng (NTD)…

Dẹp được tận gốc tình trạng hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng tại Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng là bài toán cực kỳ nan giải, bởi từ shop nhỏ đến cửa hiệu lớn, từ chợ đến các trung tâm thương mại (TTTM) hoặc cả trên mạng và các sàn giao dịch điện tử đều đầy rẫy những mặt hàng dạng này. Kính mắt, áo quần thời trang, giày dép cho đến các loại mỹ phẩm (MP), thực phẩm chức năng (TPCN)… đều được công khai rao bán với giá "hạt dẻ”!

Bán hàng giả trên mạng

Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng liên tục vào cuộc, bắt quả tang nhiều đường dây, tụ điểm KD hay các cơ sở KD hàng giả, hàng nhái nổi cộm và dù xử phạt rất quyết liệt nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này.

Các đối tượng KD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng chuyên nghiệp với nhiều chiêu thức tinh vi. Nếu hoạt động tại những vị trí cụ thể như: shop, chợ... thường bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, nên thời gian gần đây, các đầu nậu của hàng giả, hàng nhái tìm cách bán online.

Thực tế, kênh mua bán này đang bị buông lỏng về mặt quản lý và thiếu sự kiểm định về chất lượng. Công tác phát hiện, xử lý cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Những kẽ hở này vô tình khiến hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên mạng.

Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc

Mới đây nhất, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk phát hiện 1 cơ sở (CS) có địa chỉ tại đường Đỗ Nhuận, P.Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột nhập hàng nghìn sản phẩm (SP) TPCN, MP trôi nổi trên thị trường để rao bán trên mạng với doanh thu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng, khách hàng là NTD khắp cả nước.

Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hơn 4.300 sản phẩm TPCN như siro hỗ trợ ăn, ngủ ngon cho trẻ, viên tinh nghệ sữa ong chúa, collagen, bột cần tây..., cùng các loại MP như: kem dưỡng da, sữa tắm, tinh dầu, thuốc nhuộm tóc... Khi làm việc, chủ CS không xuất trình được hóa đơn, chứng từ có liên quan và giấy chứng nhận đăng ký KD.

Người này thừa nhận toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường về để KD chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Như vậy, đã có hàng ngàn NTD mua phải hàng kém chất lượng của CS thông qua chốt đơn "online".

Trước đó không lâu, sau thời gian dài theo dõi, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) đã chỉ đạo Tổ 368 phối hợp với Cục QLTT tỉnh Nam Định và Công an (CA) bất ngờ đột kích kho tàng trữ hàng hóa giả thương hiệu Hermès, LV, Chanel... "khủng" tại xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, phát hiện 20.000 - 30.000 SP nhái các thương hiệu thời trang quốc tế hàng đầu, trị giá khoảng 6 tỷ đồng.

Điều đáng nói, toàn bộ số hàng này đã, đang và sẽ được phân phối qua online. Cơ sở trên đã sử dụng hàng chục tài khoản khác nhau như: The Queen Shop, Trang Anna (The Queen), Dung Vũ (Boss The Queen), The Queen - chuyên túi VIP... để tránh sự phát hiện. Để mua 1 chiếc túi Hermès chính hãng khách hàng phải trả với mức dao động từ hơn 100 triệu đến vài tỷ đồng; nhưng với hàng nhái, hàng giả thương hiệu thì được bán chỉ 300 - 500 ngàn đồng/cái.

Năm 2020, Tổng cục QLTT phát hiện 1 kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại TP.Lào Cai có hàng nghìn SP đủ các loại như giày dép, kính mắt với các thương hiệu nổi tiếng Chanel, Adidas, Nike... được cất trữ tại đây, đa số đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được chủ CS phân phối sỉ cho nhiều "cửa hàng con" KD rầm rộ trên mạng.

Từ việc phát hiện nhiều đầu mối cung cấp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gần đây mới rõ là việc kinh doanh online các mặt hàng này rất hiếm khi bị xử lý.

Tại TPHCM, lực lượng QLTT hay các lực lượng chuyên trách khác thường xuyên kiểm tra các chợ, shop, cửa hàng KD, qua đó phát hiện nhiều vụ mua bán các mặt hàng giả, nhái những thương hiệu nổi tiếng hoặc phát hiện nhiều CS sản xuất (SX) hàng nhái để bán trên mạng. Chẳng hạn như vụ phát hiện làm giả mũ bảo hiểm (MBH) thương hiệu Nón Sơn được phát hiện trên địa bàn cách đây không lâu.

Kho hàng rộng chừng 100m2 bị đột kích bất ngờ khi đang SX hàng ngàn MBH giả để cung cấp ra thị trường cũng như cho các cá nhân KD online. Chủ CS đầu tư quy trình SX một cách quy mô, khép kín để cho ra SP nhái hoàn hảo nhất có thể. Trung bình 1 ngày, CS này "xuất" ra thị trường 4 - 5.000 MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn để cung ứng cho việc bán online...

Theo thống kê của Cục QLTT TPHCM, năm 2020 đơn vị đã tăng cường kiểm tra tại các TTTM, chợ và cửa hàng KD trên các tuyến đường, phát hiện 1.013 vụ KD hàng giả, xử phạt hơn 10,7 tỷ đồng; trong đó có 649 vụ KD hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, SX hàng giả, tạm giữ 1.322.129 SP gồm: khẩu trang, phụ tùng xe máy, phụ kiện điện thoại di động, MBH, quần áo, giày dép, dây nịt, mắt kính... giả các nhãn hiệu Chanel, Burberry, Louis Vuitton, Hermes, Gucci, Dior... Ngoài ra, tổng số tiền xử phạt của hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là hơn 31 tỷ đồng.

Sàn giao dịch điện tử cũng không ngoại lệ

Lướt một lượt các trang thương mại, không chỉ thấy người người bán online và các mặt hàng như áo quần, túi xách, kính mát, giày dép được làm nhái thương hiệu nổi tiếng được vô tư rao bán, mà các trang bán hàng được hợp thức như Lazada, Shopee... vẫn "tỉnh queo" rao hàng hiệu với giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Việc các sàn TMĐT ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ SP đúng chuẩn thời công nghệ, nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái và thực tế cho thấy tình trạng này đang diễn biến một cách vô tội vạ.

Qua đó cho thấy, vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường đang ngày càng khó kiểm soát. Chưa kể, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa MP, dược phẩm... bị giả mạo, không đảm bảo chất lượng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng NTD khi sử dụng.

Trên thực tế, việc mua bán trên MXH thì thật - giả, vàng - thau lẫn lộn, có trường hợp dùng hàng nhái tinh vi để lừa khách hàng mua với đúng giá trị hàng thật và cũng có kiểu KD công khai là hàng fake, hàng siêu cấp giả thương hiệu nổi tiếng bán với giá vài trăm, vài triệu đồng. Lân la trên chợ mạng rất dễ dàng tìm mua các SP được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Gucci, Louis Vuitton... với giá quá rẻ.

Trong 1 lần lướt Facebook, chúng tôi thấy 1 cô gái còn khá trẻ, trắng nõn đang livestream ra rả bán hàng trên 1 trang tiếng Anh nghe rất kêu: Christian Le Squer. Thương hiệu mà cô gái nhắc đến là chiếc đồng hồ danh giá Hublot, vậy mà lúc chốt giá, nữ bán hàng buông nhẹ câu: Chỉ chưa đến 300 ngàn (không bằng 1/100 so với giá chính hãng). Chưa kể có nhiều trang còn mạnh dạn tuyên bố hàng chính hãng 100% nhưng nhờ được mua sale nên giá từ vài chục triệu đồng rớt xuống còn hơn một triệu.

Lạ nhất là, lần rao bán túi xách xịn xò như LV hay Chanel, chủ Facebook này cũng khẳng định chắc nịch có hẳn card của thương hiệu chính hãng, nhưng thực tế đó chỉ là tờ giấy chứng nhận rất... tào lao!

Ra chợ, vào shop, lên mạng đều thấy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán thì liệu rằng tình trạng này đến bao giờ mới được xử lý triệt để?

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang