Làm gì để đừng tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái?

Thứ Tư, 04/11/2015 14:17  | Xuân Hoài

|

(CAO) Trong cuộc họp về tình trạng tội phạm sở hữu trí tuệ, hàng giải, hàng nhái do Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, rất nhiều doanh nghiệp hết sức bức xúc về thực trạng trên.

Trong đó, một số doanh nghiệp kinh doanh về da giầy cũng lên tiếng rất thẳng thắn về những vướng mắc họ đang gặp phải. Hội Doanh nghiệp trẻ cũng thẳng thắn lên tiếng.

Từ vụ giả, nhái thương hiệu giày BQ

Sau khi nghe phản ánh tại cuộc họp về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH SX-TM BQ (thương hiệu giày dép BQ) để tìm hiểu thông tin.

Theo ông Phạm Hồng Chung, trưởng phòng Marketing - Thương mại điện tử Cty BQ thì Cty đã ra đời sản phẩm giày dép 10 năm qua nhưng đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu BQ đã nhiều năm nay.

Công an phát hiện lô hàng giả BQ

Qua khảo sát thì tại nhiều chợ ở Hòa Khánh (Đà Nẵng), Tam Kỳ (Quảng Nam), Đông Ba( Huế), Đông Hà, Khe Sanh (Quảng Trị)… bán giày giả, nhái thương hiệu BQ.

Theo đó, tập trung vào ba loại, như: làm giày dép bằng da giả rồi dán nhãn hiệu BQ vào để đánh lừa người tiêu dùng; loại thứ hai: chuyển đổi nhãn hiểu BQ thành giày dép QB hoặc BO, BC để gây nhầm lẫn; loại thứ ba: nhái cả mẫu mã lẫn kiểu dáng, nhãn hiệu,…

Cũng theo ông Chung, cách đây một tuần, Công an TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) đã phát hiện tại cơ sở bán giày dép Kim Tuyến (tại chợ Tam Kỳ) 41 đôi giày nhái thương hiệu BQ.

Trước đó 1 tháng, CATP. Tam Kỳ cũng phát hiện tại cửa hàng Ngọc Ánh (đường Trần Cao Vân, Tam Kỳ) phát hiện tịch thu 27 đôi giày giả thương hiệu BQ.

Ngoài ra, một số quầy tại Tam Kỳ cũng bán hàng nhái BQ và Cty BQ cũng đã làm văn bản đề nghị dừng ngay việc làm sai phạm trên và họ đồng ý, nhưng khi đi tìm hiểu thì vẫn thấy bán lại, kể cả một số cơ sở bị công an phát hiện, tịch thu.

Người tiêu dùng cần thông minh chọn lựa sản phẩm có thương thiệu tại cơ sở chính thống

Theo tìm hiểu của Cty BQ thì một số cơ sở nói rằng họ lấy hàng ở một cơ sở ở tại TP. Hồ Chí Minh chuyển về. Phía Cty BQ cũng đã tìm hiểu về cơ sở này và sẽ có biện pháp đối với một số đơn vị giả, nhái sản phẩm, thương hiệu BQ.

“Việc giả, nhái sản phẩm BQ trước hết người bị ảnh hưởng là người tiêu dùng (một số điểm bán hàng giả, nhái nhưng giá tương tự BQ) vì khách hàng muốn sử dụng hàng đúng hiệu, đúng chất lượng. Hơn nữa, tình trạng trên ảnh hưởng đến thị phần của Cty BQ và làm mất hình ảnh, thương hiệu của Cty BQ”, ông Chung nói.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng nói gì?

Là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, ông Phan Hải cũng rất ưu tư về thực trạng hàng giả, hàng nhái. Ông Hải cho rằng, hiện có nhiều hình thức làm giả, làm nhái đối với những sản phẩm thương hiệu, được Cục SHTT cấp phép.

Theo ông Hải, có nhiều đơn vị sản xuất hàng giả, hàng nhái không có cấp SHTT nhưng vẫn tồn tại gây thiệt thòi lớn cho những đơn vị làm ăn “danh chính ngôn thuận”.

Gian hàng bán sản phẩm thương hiệu BQ tại Đà Nẵng

Nhiều doanh nghiệp còn thắc mắc, trăn trở vì hiện nay một số cơ quan quản lý nhà nước còn xử lý chưa sâu sát, cương quyết khiến các đơn vị làm giả, làm nhái “có cơ hội trỗi dậy”.

“Để giảm đến mức thấp nhất tình trạng hàng giả, hàng nhái, theo ông Hải, cần kiểm tra, giám sát các khâu sản xuất, lưu thông, tiêu thụ chặt chẽ; các cơ quan quản lý nhà nước cần hiểu sâu, xử lý gắt gao hơn theo luật định.

“Còn đối với doanh nghiệp thì trước khi mở thị trường cần giữ trong sạch, ổn định, xây dựng thương hiệu, làm rõ nguồn gốc xuất xứ, cùng đồng tâm hiệp lực để không gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng và chính bản thân mình thì mới ngăn chặn được vấn nạn đang gây nhức nhối cho xã hội, người tiêu dùng hiện nay”, ông Hải nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang