TPHCM: Phát hiện, xử lý nhiều vụ bán hàng giả trên Tik Tok, Facebook

Thứ Hai, 07/10/2024 15:19

|

(CAO) Ngày 7/10, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM thông tin, thời gian gần đây, đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu hoạt động thông qua các kênh mạng xã hội như Tik Tok, Facebook…

Điển hình, vào cuối tháng 9 vừa qua, Đội QLTT số 18 phát hiện hộ kinh doanh thời trang H.T.H. tại đường Nguyễn Ảnh Thủ, ấp Hưng Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn tổ chức giới thiệu, chào bán hàng hóa qua TikTok nên đã phối hợp với UBND xã Bà Điểm tiến hành kiểm tra. Tại đây, lực lượng chức năng đã tạm giữ 41 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam với tổng trị giá hàng hóa hơn 23,2 triệu đồng.

Trước đó, Đội này cũng đã phát hiện hộ kinh doanh cửa hàng thời trang N-H trên đường Phan Văn Hớn, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn do ông N.N.P làm chủ rao bán hàng hóa thời trang có dấu hiệu vi phạm trên kênh Tik Tok nên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra; qua đó phát hiện cơ sở kinh doanh 32 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa hơn 20 triệu đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Đội QLTT số 18 phối hợp cùng với Công an xã Nhị Bình, H.Hóc Môn phát hiện hộ kinh doanh loa G.H. do ông Đ.B.N.C làm chủ. Tại cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện 82 vỏ thùng loa bằng gỗ đã sơn, phủ (tổng giá trị hơn 50,6 triệu đồng), thành phẩm không có nhãn hiệu, không ghi xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ, đang được quảng cáo và bán trên trang mạng xã hội Facebook.

Lực lượng QLTT TP kiểm tra vỏ thùng loa không có hóa đơn chứng từ được rao bán trên Facebook

Đại diện Đội QLTT số 18 cho biết, toàn bộ sản phẩm quần áo thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và vỏ thùng loa được phát hiện trong các vụ trên đã bị thu giữ để xử lý theo quy định.

Song song đó, Đội QLTT số 12 cũng thông tin thêm, đơn vị đã phối hợp với Công an Q.12 tổ chức tiêu hủy hơn 14 ngàn đơn vị sản phẩm hàng hóa là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu (như: bóp, ví, nón, mắt kính, đồng hồ, đồ chơi trẻ em, bộ cáp sạc điện thoại, ốp lưng điện thoại, tai nghe điện thoại; mỹ phẩm…vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam) có tổng trị giá hơn 650 triệu đồng. Trong số đó có nhiều mặt hàng cũng được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội.

Cục QLTT TPHCM cho hay, trong thời gian tới, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển theo xu thế chung của thế giới, hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại từ các nguồn không rõ xuất xứ, hàng giả được giới thiệu và rao bán nhiều, đặc biệt thông qua các kênh mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi, đặc biệt là sưc khỏe của người tiêu dùng. Do đó, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, trao đổi thông tin, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh về thương mại điện tử trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn các thủ đoạn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bình luận (0)

Lên đầu trang