Người dân gửi tiết kiệm tăng mạnh

Thứ Sáu, 15/11/2024 09:18

|

(CATP) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, 10 tháng đầu năm tiền gửi (TG) của tổ chức kinh tế và cá nhân (gồm tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn) tăng 8,3% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, trong những tháng gần đây, trên địa bàn TPHCM nguồn vốn huy động luôn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, với tốc độ bình quân đạt trên 1,5%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM - cho biết: "Những tháng gần đây, trên địa bàn TPHCM, nguồn vốn huy động luôn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng bình quân đạt trên 1,5%. Tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân, gồm tiền gửi (TG) có kỳ hạn và không kỳ hạn tăng 8,3% so với cuối năm ngoái, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư (TGTKDC) đến nay đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 36,8%-38% trong tổng số TG. Đối với hoạt động ngân hàng (NH), tăng trưởng nguồn vốn huy động giữ vai trò đặc biệt quan trọng, giúp NH mở rộng cho vay phát triển sản xuất - kinh doanh (SX-KD), qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Theo phân tích của NHNN Chi nhánh TPHCM, vấn đề vốn huy động là TG của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân luôn là nguồn vốn quan trọng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), với bản chất của hoạt động NH là "đi vay để cho vay". Vì vậy, ở góc độ quản lý, việc tăng trưởng nguồn vốn huy động trong hệ thống NH, đặc biệt trong điều kiện ngành này luôn thực hiện nhiệm vụ kép "ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì tăng trưởng nguồn vốn huy động qua hệ thống NH có ý nghĩa quan trọng đồng thời phản ánh những tín hiệu tích cực".

Cuối năm, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh

Vấn đề đầu tiên về nguồn vốn huy động của các TCTD tăng trưởng, bảo đảm cho các TCTD khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế để phát triển SX-KD, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở góc độ nghiệp vụ, quy mô tăng trưởng tín dụng gắn liền với quy mô nguồn vốn huy động và được điều chỉnh để bảo đảm các yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn, an toàn hoạt động NH. Chính vì lẽ đó, tăng trưởng nguồn vốn huy động sẽ tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng và tăng trưởng tín dụng, góp phần để ngành NH thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả. Đơn cử, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM trong 3 tháng gần đây, nguồn vốn huy động đã và đang trong xu hướng tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng bình quân trên 1,5%, góp phần tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ và nhiệm vụ của địa phương trên địa bàn thành phố.

Cũng qua việc TG vào NH tăng cho thấy với vai trò trung gian thanh toán, người dân, doanh nghiệp mở tài khoản và gửi tiền tại NH để đáp ứng nhu cầu về thanh toán, chuyển tiền, phục vụ hoạt động SX-KD, thương mại dịch vụ. Hoạt động này gắn liền với lợi ích mang lại từ thanh toán không dùng tiền mặt và trong điều kiện dịch vụ NH điện tử phát triển như hiện nay, những lợi ích mang lại cho nền kinh tế là rất lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế nhờ quá trình tuần hoàn, chu chuyển vốn nhanh chóng, an toàn, tiện lợi. Vì vậy, việc tăng trưởng nguồn vốn huy động nói chung và nguồn vốn TG thanh toán nói riêng phản ánh tín hiệu tích cực về sử dụng, luân chuyển vốn trong nền kinh tế, phản ánh tăng trưởng hoạt động SX-KD, thương mại dịch vụ. Trên địa bàn TPHCM với con số thống kê qua 10 tháng đầu năm 2024, số TG của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 8,3% so với cuối năm 2023, tạo điều kiện cho các TCTD khai thác, sử dụng vốn hiệu quả, thúc đẩy và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần mang lại những hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Nguồn vốn huy động tăng cũng phản ánh chất lượng dịch vụ và hiệu quả nguồn vốn TG, nhất là TGTKDC. Đây là bộ phận TG gắn với bản chất tiết kiệm và tích lũy của người dân TPHCM. Nhìn ở góc độ khai thác, sử dụng vốn của các TCTD, nguồn vốn TG này được các TCTD sử dụng cho vay lại nền kinh tế. Vì vậy, ở góc độ vĩ mô, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của doanh nghiệp, cũng như TGTKDC được sử dụng hiệu quả, đưa vào hoạt động SX-KD sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo chu trình "tiết kiệm, tích lũy và đầu tư”, vòng quay vốn của nền kinh tế qua hoạt động tín dụng NH mang lại lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc tăng trưởng nguồn huy động qua hệ thống NH là tích cực, sẽ được các TCTD sử dụng hiệu quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng địa bàn TPHCM, bộ phận TGTKDC đến nay đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 36,8%-38% trong tổng số TG. Đây là bộ phận TG ổn định và do là TGTKDC nên việc khai thác, sử dụng nguồn vốn này để cho vay phát triển SX- KD thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với nhiệm vụ ngành và hiệu quả chính sách tiền tệ tín dụng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang