Sai phạm tại doanh nghiệp trực thuộc Samco

Thứ Tư, 15/11/2023 09:09  | An Hòa

|

(CATP) Công ty CP vận tải biển Sài Gòn (SSC) là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tài Sài Gòn (Samco), trụ sở tại Q1, TPHCM, từng là thương hiệu vận tải biển hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời gian kinh doanh thua lỗ phải bán tàu, Công ty này không còn hoạt động như đúng tên gọi là "vận tải biển".

Từ kinh doanh khai thác kho nhiều vi phạm

Sở hữu gần 5ha đất tại TP.Thủ Đức, SSC hiện nay chủ yếu hoạt động kinh doanh kho, bãi. Có thâm niên hơn 40 năm, nhưng trái ngược với sự phát triển mạnh mẽ của ngành logitics, SSC lại hoạt động trì trệ, lãng phí, có nhiều sai phạm, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhưng đến nay vẫn ngang nhiên tiếp tục kinh doanh sai phạm? Cổ đông và dư luận đặt ra câu hỏi có phải Samco đang quản lý yếu kém hoặc đang cố tình bao che cho các sai phạm tại SSC?

SSC sở hữu 2 kho, gồm kho CFS1 diện tích 6.000m2 xây dựng năm 2003 và kho CFS2 diện tích 6.000m2 xây dựng năm 2004. Cả 2 kho này sau khi xây dựng xong đều không có giấy chứng nhận tài sản trên đất theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, kho CFS2 vi phạm quy định về mật độ xây dựng, không phù hợp với quy hoạch tại QĐ số 5407/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 của UBND Thành phố.

Không những vi phạm về mật độ xây dựng, cả 2 kho hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, không đủ điều kiện về PCCC theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng vẫn được cấp phép. Câu hỏi được cổ đông và dư luận đặt ra là tại sao với các Hồ sơ pháp lý có nhiều vi phạm như vậy, nhưng 2 kho này vẫn được các cơ quan chức năng cho tồn tại trái phép nhiều năm qua. Trường hợp xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Bất chấp kho không đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh cho thuê bất động sản, Ban lãnh đạo SSC vẫn mang 2 kho này cho đối tác thuê. Theo quy định tại khoản a, điểm 1 của Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản qui định về "Điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh": "Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có đủ các điều kiện: Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai".

Hai kho SSC cho thuê tại TP.Thủ Đức đang xuống cấp

Hợp đồng cho thuê kho được ký kết với tiêu đề "Hợp đồng hợp tác kinh doanh và khai thác kho bãi", căn cứ vào Điều 504 Bộ luật Dân sự quy định "hợp đồng hợp tác" là "sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm". Tuy nhiên, tại khoản 3.1 điều 3 của Hợp đồng cho thuê quy định "khoản tiền được chia không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh hàng tháng...". Thực tế kho được cho thuê trần, mọi việc kinh doanh khai thác kho bên thuê tự làm, giá cho thuê được cố định, không thay đổi trong nhiều năm qua gây thiệt hại nghiêm trọng.

Hơn thế nữa, thẩm quyền của Tổng Giám đốc được ghi trong điều lệ về tổ chức và hoạt động giá trị tài sản công ty tại kỳ báo cáo gần nhất. Quy định là vậy, nhưng Tổng Giám đốc công ty này vẫn ký kết hợp đồng với thời hạn >2 năm và giá trị >10% bất chấp phản đối của cổ đông.

Với các sai phạm nêu trên, Thanh tra thành phố đã thanh tra và có kết luận. Các bên sai phạm đến nay không thực thi bất cứ hành động khắc phục nào, tiếp tục để sai phạm kéo dài thêm, gây thiệt hại cho Nhà nước và cổ đông.

Đến bị cổ đông kiện ra tòa tuyên hủy nghị quyết

Vì phản ánh, kiến nghị của cổ đông không được xử lý, 2 năm qua, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm không được thông qua tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên. Ngày 28/7/2022, SSC đã tổ chức ĐHCĐ bất thường với sự tham dự của 28 cổ đông, đại diện cho 89,35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Mặc dù nghị quyết (NQ) chỉ được 51,93% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty, 58,12% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại ĐH đã bỏ phiếu nhất trí thông qua, bất chấp tỷ lệ này không đạt mức 65% theo điều lệ SSC, nhưng đại diện vốn của Samco tại Công ty SSC giữ vai trò Chủ tọa đã bất chấp sự phản đối của cổ đông, ban hành NQ trái quy định pháp luật.

Trụ sở SSC

Quá bức xúc, cổ đông đã kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) Q1. Tại quyết định sơ thẩm dân sự số 218/2022 (ngày 07/02/2023), TAND Q1 đã chấp nhận yêu cầu của cổ đông, hủy bỏ NQ số 01/2022 của SSC. Vào các ngày 28 và 29/9/2023, TAND TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành mở phiên họp phúc thẩm, tiếp tục chấp nhận yêu cầu của cổ đông, hủy bỏ NQ số 01/NQ-ĐHĐCĐ-SCC của Đại hội cổ đông SSC được thông qua ngày 28/7/2022.

Dư luận cho rằng tại sao các đại diện vốn của Samco tại SSC liên tục có các sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và cổ đông như trên nhưng không được xử lý? Kết luận thanh tra để làm gì? Tại sao không công khai kết luận sai phạm để SSC cũng như Samco có hành động khắc phục kịp thời?

Từ ngày 07/11, PV đã nhiều lần gọi và để lại tin nhắn đề nghị làm việc với ông Phạm Văn Hưởng - TGĐ SSC để thông tin khách quan. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm. Tương tự, PV đã nhiều lần gọi và để lại tin nhắn đề nghị làm việc với ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch HĐTV Samco nhưng không nhận được trả lời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang