Kỹ năng quản lý tài chính rất cần thiết nhưng chưa được chú trọng ở Việt Nam. Không dừng lại ở mối quan hệ về sự chu cấp tiền bạc giữa phụ huynh - con cái, mà hơn thế, đó là sự am hiểu và tận dụng các kiến thức tài chính, giúp mỗi người độc lập và chủ động hơn.
Theo khảo sát “Am hiểu tài chính” do Master Card tổ chức thường niên tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, người trẻ Việt dù hoạch định khá tốt ở mức 73 điểm, nhưng hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản (52 điểm) và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính (51 điểm). Kết quả, Việt Nam đứng thứ 14 – gần như là cuối cùng trong bảng xếp hạng.
Quản lý tài chính kém - bắt nguồn từ đâu?
Phụ thuộc vào chu cấp tài chính của bố mẹ là một nguyên nhân. Kể cả khi đi làm, nhiều bạn trẻ cũng không có ý định thoát ra khỏi “vùng tài chính an toàn” của mình mà còn dựa dẫm vào hậu phương vững chắc là gia đình. “Nhiều nhu cầu nên mình hay dùng lố lương tháng lắm, nhưng cần thêm thì có thể nhờ bố mẹ hỗ trợ nên mình thấy quản lý chi tiêu cũng chưa cần vào lúc này.” – P.N. (24 tuổi, làm việc tại Q.1) thẳng thắn chia sẻ.
Quản lý tài chính kém còn có thể bắt nguồn từ việc chi tiêu thiếu kiểm soát. Trong khi các bạn trẻ quốc tế đã quen với việc tổng kết chi tiêu thì thói quen này phần nào xa lạ với các bạn trẻ Việt. Điều này khiến chúng ta dễ lâm vào cảnh “tiền vào thì ít, tiền ra thì nhiều”. Khi không ghi chép và tính toán chi tiêu mỗi tháng, dẫu có vượt túi tiền cũng khó lòng phát hiện đâu là “thủ phạm” cần triệt tiêu!
Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính – không phải là chuyện quá khó!
Một nguyên nhân khác nữa là chúng ta ít khi đề ra mục tiêu tiết kiệm cho tương lai. Chính vì thế, đôi khi rất dễ để bạn “rót” tiền vào những cuộc vui mà “lãng quên” ngân sách cho những việc thực sự cần thiết hơn như học tập, trau dồi kiến thức,… Nếu có mục tiêu rõ ràng, hẳn bạn sẽ quyết tâm cân nhắc và xem xét chi tiêu kỹ càng hơn!
Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính – không phải là chuyện quá khó!
Không sớm thì muộn, ai rồi cũng sẽ phải độc lập tài chính. Bỏ quên kỹ năng quản lý tài chính ở hiện tại dễ dàng khiến bản thân rơi vào khủng hoảng trong tương lai. Khi đó, những thói quen chi tiêu không kiểm soát trước đây sẽ vô hình chung khiến người trẻ phải vật lộn với các khoản chi, khoản trích nợ,…
Vậy để không mắc phải những sai lầm này, bạn trẻ cần làm gì để trở nên “thông thái tài chính”?
Ngoài việc các bậc phụ huynh cần nới lỏng sự bảo bọc tài chính cho con, các bạn trẻ trước hết cũng nên tự chủ hơn, ít dựa dẫm vào bố mẹ. Không còn gì tuyệt vời hơn khi có thể tạo niềm tin cho bố mẹ thông qua việc độc lập tài chính.
Kim Ngân (25 tuổi, Q.8) tự hào khoe “thành tích” đáng nể của mình “Không muốn bố mẹ lo lắng nên mình quyết tâm tự lập được chút nào hay chút đó. Lúc còn đi học mình tiết kiệm hết mức có thể, chịu khó đi làm thêm chỗ này chỗ kia cho quen. Sau này đi làm thì gửi một phần lương cho mẹ và tiết kiệm một phần khác, nên giờ thì bố mẹ hầu như không lo lắng gì về tài chính của mình hết!”
Ghi chép lại chi tiêu cũng là một thói quen đơn giản nhưng vô cùng hữu ích. Chỉ cần thử nghiệm trong 2 tháng, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra các khoản “vung tay quá trán” của mình hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ngoài việc “cặm cụi” ghi chép, có rất nhiều cách để bạn lưu trữ “lịch sử” chi tiêu: qua ứng dụng điện thoại, thậm chí dùng thẻ tín dụng để theo dõi chi tiêu nhanh chóng. Sở hữu những công cụ này không còn là chuyện khó khăn, bạn hoàn toàn có thể đăng ký một chiếc thẻ tín dụng Visa không tốn phí thường niên, không phí duy trì chỉ với mức thu nhập 5 triệu tại những ngân hàng nội địa như Viet Capital Bank.
Một cách thức “hay ho” khác mà bạn có thể thực hiện ngay là đặt mục tiêu tiết kiệm trong vài tháng tới. Thoạt nghe có vẻ to tát nhưng mục tiêu đó có thể là “dắt túi” được khoản tiền nhỏ để tự đi du lịch mà không cần gia đình hỗ trợ hay để dành tiền học một ngôn ngữ mới. Khi đã có mục tiêu cụ thể, những mẹo phân chia thu nhập sẽ phát huy tác dụng tối đa. Ví dụ, quy tắc 10-10-10-10-5-55, dùng 10% thu nhập cho tiết kiệm hoặc đầu tư sinh lời, 10% cho giáo dục, cũng tỉ lệ đó cho việc trả nợ/ mua đồ xa xỉ và 10% tiếp theo cho hưởng thụ, 5% sẻ chia và 55% chi trả chi phí sinh hoạt.
Một chút lưu ý và quyết tâm thực hiện, ai cũng có thể nâng cao kỹ năng quản lý tài chính của mình. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng trở thành “nhà thông thái tài chính” chưa?