Hoành tráng công viên bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc

Thứ Hai, 23/11/2015 05:49  | Thiện Thảo

|

(CAO) Dẫn chúng tôi tham quan công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật Vinpearl Safari (tại Bãi Dài, Phú Quốc, Kiên Giang), chị Trương Ngọc Diễm Thuý -Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Vinpearl Safari Phú Quốc háo hức: “Chỉ còn một tháng nữa là khai trương công viên nên không khí hết sức khẩn trương. Từ khâu xây dựng đến phụ trách về động vật hoạt động hết công suất ".

Hôm 19-11, TS.Phan Việt Lâm, phụ trách dự án về động vật mới về tới văn phòng. TS.Lâm cho biết: “Mình cùng các chuyên gia động vật nước ngoài kiểm tra chuồng trại chuẩn bị ngày khai trương. Mấy tháng nay, ngày nào chúng tôi cũng tất bật trên công trường”.

Dự án công viên chăm sóc và bảo tồn động vật được triển khai hơn 1 năm đến nay vào thời điểm nước rút.Đây là vườn thú bán hoang dã có khu vực mở, theo hình thức safari đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Khu công viên có quy mô lớn, chia làm nhiều giai đoạn phát triển. Trong đó giai đoạn I có diện tích lên tới 380ha, bao gồm 140 loài động vật với hơn 2.000 cá thể và khoảng 400 loài thực vật bản địa và nhập ngoại.

Để thực hiện dự án, tháng 9-2015, tập đoàn Vingroup đã công bố thành lập chương trình bảo tồn động vật Vinpearl Safari. Chương trình sẽ thực hiện các dự án nghiên cứu và bảo tồn động vật; xây dựng chương trình giáo dục bảo tồn; xây dựng mối quan hệ đối tác bảo tồn; và thành lập Quỹ bảo tồn động vật Vinpearl Safari với định hướng trở thành chương trình nghiên cứu và bảo tồn động vật tiêu biểu của Việt Nam.

Hiện các nhân viên chương trình đang bắt tay vào công tác nghiên cứu và bảo tồn các loài động vật quý hiếm cùng môi trường sống tự nhiên của chúng. Nhóm đối tượng đầu tiên là một số loài động vật quý hiếm của Việt Nam. 

Cổng công viên đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: Thiện Thảo

TS.Lê Khắc Quyết - Giám đốc chương trình bảo tồn động vật Vinpearl Safari cho biết: " Với sứ mệnh thúc đẩy bảo tồn các loài động vật hoang dã và môi trường thông qua nghiên cứu khoa học, giáo dục và truyền cảm hứng cho cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên, chúng tôi định hướng xây dựng chương trình bảo tồn động vật Vinpearl Safari thành chương trình nghiên cứu và bảo tồn động vật tiêu biểu của Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình này sẽ thúc đẩy và thực hiện những cam kết đối với công tác bảo tồn động vật của công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari, góp phần tạo dựng công viên Vinpearl Safari trở thành công viên động vật tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu của Việt Nam và khu vực với những cam kết bảo tồn động vật thiết thực và hiệu quả".

Theo ban quản lý dự án, dự kiến ngày 24-12-2015, công viên khai trương nên dọc quanh khu vực dự án tất bật như một công trường. Nhân viên xây dựng thi công cổng rào, chuồng trại; nhân viên chuyên về động vật cùng với chuyên gia nước ngoài kiểm tra chuồng trại. 

Thi công tuyến đường phục vụ công viên.

Tính đến nay, Vinpearl Safari đã đón 3 chuyến chuyên cơ chuyển thú từ Mỹ, châu Âu và Nam Phi về Phú Quốc, trong đó có cả chuyên cơ cỡ lớn Boeing 747. Trong số gần 20 loài động vật hoang dã, gồm khoảng 200 cá thể được chuyển về trong nửa đầu tháng 11 có nhiều loài động vật quý hiếm, đại diện cho nhiều vùng địa sinh học trên thế giới như linh dương sừng xoắn, vượn cáo trắng đen, vượn cáo đuôi khoang…

Đặc biệt, trong đợt vận chuyển lần này có 12 cá thể đầu tiên của bộ hươu cao cổ lớn nhất Việt Nam (khi về hết theo hợp đồng, quy mô đàn hươu sẽ đạt gần 60 con). 

Ông Richard, chuyên gia về động vật trao đổi với PV Báo CATP.

TS.Lâm tâm sự: “Khi bắt tay vào thực hiện dự án càng lo lắng. Đến khi đón 200 loài động vật quý hiếm về công viên lại lo âu gấp bội. Có lúc mình không ngủ được. Từ tháng 3-2015, chúng tôi đã tuyển dụng nhiều chuyên gia nước ngoài cùng những cử nhân chuyên về thú y để chuẩn bị việc săn sóc, thuần dưỡng các loài thú quý hiếm thích nghi với điều kiện ở Phú Quốc.

Khi đưa được những “thú cưng” về chuồng, công việc chăm sóc vất vả bội phần. Anh Lê Hồng Nhật (SN 1982) cho biết, hầu hết những loài động vật từ nước ngoài về, thời gian đầu dễ bị “tress”. Các nhân viên thú y túc trực 24/24. Khi phát hiện biểu hiện “lạ” đều phải báo ngay chuyên gia động vật để theo dõi. 

Bệnh viện thú y tại công viên để chăm sóc và bảo tồn động vật.

Ông Richard- Phó tổng dự án phụ trách động vật đến từ nước Anh cho biết thêm, sau 8 tháng cùng cộng sự tìm hiểu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Phú Quốc, ông đã có kế hoạch khả thi để thực hiện tốt dự án. “Tôi hoàn toàn tin tưởng tính khả thi của dự án góp phần bảo tồn động vật hoang dã trên Thế giới” - ông Richard nói. 

Anh Lê Hồng Nhật chăm sóc hươu cao cổ.

 

Hiện 12 con hươu cao cổ đã thích nghi với điều kiện môi trường tại Phú Quốc.

 

Chị Trương Ngọc Diễm Thuý giới thiệu bản đồ của công viên. 

 

Linh dương vằn được chuyển từ châu Phi qua. 

 

Bò sừng dài được chuyển từ châu Phi qua. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang