Nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó doanh nghiệp nhựa xây dựng

Thứ Tư, 02/11/2016 20:26

|

(CAO) Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Ngành nhựa xây dựng Việt Nam – Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà. Gặp gỡ Công ty CP Tập đoàn nhựa Đông Á (DAG)” do Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbanksc) tổ chức chiều 2-11 tại TP.HCM.

Cụ thể, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – VietinBankSc cho hay, do nhược điểm là cồng kềnh, khó vận chuyển nên doanh nghiệp sản xuất ống nhựa trong nước không vấp phải sự cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ngoại nhập. Thay vào đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách tham gia vào thị trường Việt Nam qua kênh M&A.

Hiện nay, trên thị trường ống nhựa, các doanh nghiệp nội cùng phát triển trong đó Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) chiếm 60% thị phần miền Bắc và Nhựa Bình Minh (BMP) chiếm 50% thị phần miền Nam. Do đó, việc các doanh nghiệp ngoại tham gia mua bán và sáp nhập những doanh nghiệp lớn này là điều dễ hiểu. Trong khi đó, room khối ngoại đối với doanh nghiệp nhựa có thể lên đến 100% khiến cho việc chen chân của doanh nghiệp ngoại vào các doanh nghiệp nhựa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Đăng đưa ra ví dụ về nhà đầu tư nước ngoài là Nawaplastic Industries (công ty con của SCG, Thái Lan) đang nối dài cánh tay của mình ở thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ M&A. SCG đang nắm trong tay hơn 20% cổ phần BMP và 23,84% cổ phần của NTP. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu và chuẩn bị những bước đi xâm nhập vào thị trường. Trước sức ép cạnh tranh quá lớn, doanh nghiệp nhựa xây dựng Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư đưa để vượt qua những đối thủ lớn trong khu vực.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhựa xây dựng lại vấp phải cạnh tranh trên sân nhà, trong đó nổi bật là sự cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Hàng nhập khẩu Trung Quốc với mẫu mã phong phú, đa dạng nên đang chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường thanh profile (hàng nhập khẩu chiếm đến 60%).

Tuy nhiên, ông Đăng khẳng định, sản phẩm nhựa Việt Nam tuy xuất hiện sau nhưng chất lượng được đánh giá tốt, giá thành tầm trung, thời hạn bảo hành cao và chiếm được tình cảm của người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, nếu doanh nghiệp nhựa Việt Nam đầu tư sản xuất, sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao và thị phần tăng lên. Thực tế, các sản phẩm nhôm composite, tấm trần, nẹp trang trí, hàng nội địa đang chiếm đến gần 100% thị phần.

Ông Đăng cho rằng hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển của ngành nhựa xây dựng. Cụ thể, theo quy hoạch phát triển ngành nhựa, cơ cấu ngành nhựa sẽ có sự chuyển dịch, giảm nhựa gia dụng và bao bì, gia tăng thị phần nhựa xây dựng từ 18% trong năm 2015 lên 25% vào năm 2020 và đến năm 2025 tăng lên mức 27%.

Ngoài ra, thị trường bất động sản tăng trưởng, nhu cầu xây dựng nhà ở và hạ tầng tăng lên là điều kiện thuận lợi cho ngành nhựa xây dựng phát triển. Từ 2016-2020, nhu cầu cửa/cửa sổ ước sẽ tăng trung bình mỗi năm 42,8 triệu m2. Với thị phần hiện tại của hệ thống cửa nhựa đạt 35%, dự kiến nhu cầu cửa nhựa mỗi năm sẽ tăng trung bình 14,9 triệu m2.

Bình luận (0)

Lên đầu trang