Cảm giác căng thẳng là điều hoàn toàn bình thường, không cần phải đợi đến lúc đi làm mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác căng thẳng.
Khi đi học, chúng ta phải đối mặt với một bài kiểm tra vào hôm sau, một kì thi vào đầu tuần tới; khi đi làm thì chúng ta phải đối mặt với các kế hoạch, bản báo cáo, …. những điều đó tạo ra cảm giác căng thẳng cho chúng ta.
Áp lực công việc, học tập hằng ngày khiến chúng ta dễ căng thẳng.
Đôi khi cảm giác căng thẳng khuyến khích chúng ta tập trung vào công việc, nhưng cũng có một số trường hợp căng thẳng lại khiến chúng ta lo sợ và không thể tập trung vào bất cứ điều gì.
Căng thẳng ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau, căng thẳng có 2 loại đó là tốt và xấu. Dưới đây là những lợi ích, tác dụng phụ của căng thẳng và cách làm thế nào để biết chúng ta đang trải qua quá nhiều căng thẳng.
Lợi ích của căng thẳng
Theo các chuyên gia, căng thẳng là một sự bùng nổ của năng lượng và làm động lực thúc đẩy chúng ta thực hiện nhanh chóng những việc cần làm. Ở mức độ nhỏ và vừa phải, căng thẳng có nhiều ưu điểm như giúp chúng ta có động lực vượt qua những thách thức hàng ngày và thúc đẩy bản thân để đạt được mục tiêu của mình. Trong thực tế, căng thẳng có thể giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả hơn, nó thậm chí có thể làm tăng trí nhớ.
Căng thẳng vừa phải giúp chúng ta tập trung giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất.
Căng thẳng cũng là một hệ thống cảnh báo quan trọng, tạo ra phản ứng chiến đấu và cảnh giác. Khi nhận thức được một số căng thẳng, não bộ chúng ta sẽ bắt đầu tiết ra các hóa chất như epinephrine, norepinephrine và cortisol. Điều này tạo ra nhiều phản ứng khác nhau như tăng huyết áp và nhịp tim, thêm vào đó các giác quan cũng đột nhiên trở nên tập trung, nhạy bén hơn.
Ngoài ra, căng thẳng còn có một số lợi ích khác đối với sức khỏe. Các nhà nghiên cứu tin rằng một số căng thẳng có thể giúp củng cố hệ miễn dịch. Ví dụ, căng thẳng có thể cải thiện hoạt động của tim và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng.
Trong một nghiên cứu, những người có mức độ căng thẳng vừa phải trước khi phẫu thuật có thể phục hồi nhanh hơn những người có mức độ căng thẳng thấp hoặc cao.
Tác dụng phụ của căng thẳng
Căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng cái gì quá nhiều thì cũng có thể gây bất lợi. Căng thẳng kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và gây ra một số bệnh như huyết áp cao, mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng, thậm chí là bệnh tim. Đặc biệt, chất epinephrine quá nhiều có thể gây hại cho tim chúng ta, khiến các động mạch bị thay đổi.
Căng thẳng kéo dài khiến các hoạt động thường ngày bị rối loạn.
Các nghiên cứu gần đây của tổ chức The Jed Foundation và kênh truyền hình mtvU cho biết sức khoẻ, thành tích học tập và đời sống xã hội của chúng ta có thể bị ảnh hưởng khi căng thẳng vượt ngưỡng cho phép. Đó là vì căng thẳng quá độ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và khả năng suy nghĩ của chúng ta.
Các biểu hiện của căng thẳng quá mức
Rất khó để có thể đánh giá một người đang trải qua căng thẳng tốt hay xấu, tuy nhiên vẫn có những biểu hiện nhất định của cơ thể giúp chúng ta nhận biết được mình đang trải qua giai đoạn căng thẳng nào.
Một số biểu hiện cụ thể giúp chúng ta nhận biết khi mình đang lâm vào tình trạng căng thẳng quá mức:
Không có khả năng tập trung và hoàn thành công việc.
Thường xuyên bị cảm lạnh.
Hay nhức đầu, đau cơ.
Thường xuyên cảm thấy khó chịu.
Khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
Dễ nổi giận và lo lắng nhiều thứ hơn bình thường.
Cần làm gì để quản lý, khắc phục căng thẳng
Như đã nói, căng thẳng là một phần tất yếu và không thể tránh được của cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm chủ căng thẳng, quản lý và cải thiện các tác dụng phụ không mong muốn của căng thẳng.
Chúng ta có thể tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp, người thân, thầy cô mỗi khi cảm thấy mình đang phải chịu căng thẳng quá mức. Trò chuyện với một ai đó để giải tỏa tâm trạng có thể giúp tình trạng căng thẳng “hạ nhiệt”.
Gặp gỡ bạn bè, tham gia một lớp học là cách rất tốt để giảm tải căng thẳng.
Tham gia một số lớp học kĩ năng, lớp học năng khiếu hoặc gia nhập một câu lạc bộ thể thao cũng là một cách để giải tỏa căng thẳng. Khi tham gia các lớp học và câu lạc bộ, chúng ta sẽ được thư giãn, tạm thời quên đi những căng thẳng thường trực và có thể tìm ra cách để giải quyết vấn đề.
Trong công việc hoặc học tập, nếu cảm thấy đang căng thẳng quá độ thì chúng ta hãy tạm dừng lại và lắng nghe một bản nhạc nhẹ hoặc cũng có thể đi uống một ly nước trái cây để não bộ, tinh thần được thư giãn.
Không tìm đến rượu, bia và các chất kích thích khác để giải tỏa căng thẳng.
Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng những đồ uống có cồn như rượu, bia hoặc các chất kích thích khác để giải tỏa căng thẳng. Việc sử dụng những chất này không giúp giải tỏa căng thẳng mà còn có thể gây hại cho sức khỏe, gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải, thậm chí gây nguy hiểm và khiến chúng ta không tỉnh táo làm việc vào hôm sau.