(CAO) Những ngày đầu năm Ất Tỵ 2025, thế giới công nghệ toàn cầu “choáng váng” khi công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc DeepSeek ra mắt các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất, được cho là ngang bằng hoặc tốt hơn các mô hình AI hàng đầu trong ngành tại Mỹ với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các sản phẩm từ các công ty Mỹ.
DeepSeek được giới chuyên gia nhận định là đang đe dọa và làm đảo lộn trật tự thế giới công nghệ. Reuters đưa tin công ty DeepSeek đã thu hút sự chú ý trong giới AI toàn cầu sau khi cho biết việc đào tạo DeepSeek-V3 chỉ cần chưa đến 6 triệu USD cho sức mạnh tính toán từ chip Nvidia H800.
Trợ lý AI của DeepSeek, được hỗ trợ bởi DeepSeek-V3, đã vượt qua đối thủ ChatGPT để trở thành ứng dụng miễn phí được đánh giá cao nhất có sẵn trên cửa hàng App Store của Apple tại Mỹ.
Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về lý do đằng sau quyết định cam kết đầu tư hàng tỷ đô la vào AI của một số công ty công nghệ Mỹ và khiến cổ phiếu của một số công ty công nghệ lớn, bao gồm cả Nvidia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hãng tin Reuters đã điểm qua những diễn biến chính trong bức tranh “làm mưa làm gió” của DeepSeek những ngày qua.
Tại sao DeepSeek lại gây 'choáng' cho giới công nghệ?
Việc phát hành ứng dụng ChatGPT của OpenAI vào cuối năm 2022 đã gây ra một cuộc chạy đua giữa các công ty công nghệ Trung Quốc, khi họ vội vã tạo ra các chatbot riêng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhưng sau khi phát hành phiên bản ChatGPT đầu tiên của Trung Quốc, do gã khổng lồ công cụ tìm kiếm trực tuyến Baidu tạo ra, đã có sự thất vọng rộng rãi ở Trung Quốc về khoảng cách về khả năng AI giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Chất lượng và hiệu quả về chi phí của các mô hình của DeepSeek đã đảo ngược câu chuyện này. Hai mô hình đã được các giám đốc điều hành của Thung lũng Silicon và các kỹ sư công ty công nghệ Mỹ khen ngợi là DeepSeek-V3 và DeepSeek-R1 được đánh giá có sức mạnh ngang bằng với các mô hình tiên tiến nhất của OpenAI và Meta của Mỹ.
Chatbot AI Deepseek trở thành ứng dụng "làm mưa làm gió" trên kho ứng dụng của Apple toàn cầu thời gian qua, cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT của Mỹ - Ảnh: Reuters
Chúng cũng rẻ hơn khi sử dụng. Theo một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của DeepSeek, DeepSeek-R1, được phát hành có chi phí rẻ hơn từ 20 đến 50 lần khi sử dụng so với mô hình OpenAI o1, tùy thuộc vào nhiệm vụ.
Nhưng một số người đã công khai bày tỏ sự hoài nghi về câu chuyện thành công của DeepSeek.
Tổng giám đốc điều hành của Scale AI - Alexandr Wang cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng DeepSeek có 50.000 chip từ công ty Nvidia H100 trong bối cảnh Washington cấm bán các chip AI tiên tiến như vậy cho các công ty Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Bernstein đã nhấn mạnh trong một lưu ý nghiên cứu rằng tổng chi phí đào tạo của DeepSeek cho mô hình AI V3 của họ là không rõ nhưng có khả năng cao hơn nhiều so với 5,58 triệu USD chi phí bỏ ra mà công ty khởi nghiệp này cho biết đã được sử dụng cho sức mạnh tính toán.
Ai đứng sau DeepSeek?
DeepSeek là một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc có cổ đông kiểm soát là Liang Wenfeng, đồng sáng lập quỹ đầu cơ định lượng High-Flyer, theo hồ sơ của công ty Trung Quốc.
Vào tháng 3/2023, quỹ của Liang đã thông báo trên tài khoản WeChat chính thức của mình rằng họ đang "bắt đầu lại", không chỉ dừng lại ở giao dịch mà còn tập trung nguồn lực vào việc tạo ra một "nhóm nghiên cứu mới và độc lập, để khám phá bản chất của AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát)". DeepSeek được thành lập vào cuối năm đó.
Những người tạo ra ChatGPT là OpenAI định nghĩa AGI là các hệ thống tự động vượt qua con người trong hầu hết các nhiệm vụ có giá trị kinh tế.
Trợ lý AI DeepSeek có chi phí
phát triển rẻ hơn nhiều so với ChatGPT của Mỹ
Không rõ High-Flyer đã đầu tư bao nhiêu vào DeepSeek. Theo hồ sơ công ty Trung Quốc, High-Flyer có một văn phòng đặt tại cùng tòa nhà với DeepSeek và công ty này cũng sở hữu các bằng sáng chế liên quan đến cụm chip được sử dụng để đào tạo các mô hình AI.
Vào tháng 7/2022, đơn vị AI của High-Flyer cho biết trên tài khoản WeChat chính thức của mình rằng họ sở hữu và vận hành một cụm gồm 10.000 chip A100.
Chính quyền Trung Quốc ủng hộ DeepSeek
Thành công của DeepSeek đã được các giới chính trị cấp cao của Trung Quốc ghi nhận. Vào ngày 20/1, ngày DeepSeek-R1 được công bố rộng rãi, nhà sáng lập Liang đã tham dự một hội nghị chuyên đề dành cho các doanh nhân và chuyên gia do thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tổ chức, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.
Sự hiện diện của Liang tại cuộc họp có khả năng là một dấu hiệu cho thấy thành công của DeepSeek có thể quan trọng đối với mục tiêu chính sách của Bắc Kinh là vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington và đạt được sự tự cung tự cấp trong các ngành công nghiệp chiến lược như AI.
Một hội nghị chuyên đề tương tự vào năm ngoái đã có sự tham dự của Tổng giám đốc điều hành Baidu Robin Li.
(CATP) Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT khiến nhiều người sốt sắng dùng thử nhưng cũng làm không ít người lo ngại, trong đó liên quan đến hành lang pháp lý cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro và càng nguy hại hơn khi nhiều người mù quáng hành động theo thông tin đưa ra từ ChatGPT.