Quyết lập lại trật tự vỉa hè
Theo Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về mức phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM và Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của UBND TPHCM quy định mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 50.000 - 350.000/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực. Mục tiêu của việc thu phí quản lý sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn nhằm góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố (TP) văn minh, hiện đại và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố nhưng vẫn bảo đảm trật tự an toàn giao thông (GT). Đồng thời khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với đặc thù đô thị TPHCM.
Thống kê của Sở GTVT TPHCM cho thấy, toàn TP có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,3km có thể khai thác thu phí quản lý sử dụng lòng đường, hè phố. Dự kiến, số tiền thu được khoảng 1.522 tỷ đồng/năm. Trong đó, số tiền thu từ vỉa hè chiếm 63,8%.
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng GT đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết: Để chuẩn bị cho công tác triển khai thu phí quản lý sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn, Sở GTVT đã có công văn số 15858/HD-SGTVT hướng dẫn UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ; tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích GT để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
Đường Nguyễn Trãi, Q5 được kẻ vạch sơn để chuẩn bị thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè
Ngày 05/01/2024, Sở GTVT TPHCM tiếp tục có công văn số 199/SGTVT-KT đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn quản lý theo các quy định đã ban hành, để thiết lập trật tự an toàn GT, văn minh, mỹ quan đô thị và tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng duy trì thường xuyên, liên tục việc tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Ngoài ra, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương trong công tác giám sát đối với các cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện quản lý sử dụng tạm thời một phần lòng dường, hè phố theo kế hoạch, giấy phép và phương án sử dụng đã được chấp thuận.
Tại cuộc họp báo chiều 11/01, ông Ngô Hải Đường cho biết, đến nay một số quận, huyện đã rà soát xong danh mục các tuyến đường đủ điều kiện để sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ngoài mục đích GT (đỗ xe 2 bánh không thu tiền, kinh doanh buôn bán hàng hóa, đỗ xe có thu phí...) và đang tổ chức lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi công bố công khai và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục để thuê dịch vụ phục vụ hệ thống quản lý cấp phép, thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để triển khai trên toàn TP, dự kiến tháng 7/2024 đưa vào sử dụng.
Người dân đồng tình ủng hộ
Nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TPHCM rất lớn nên việc triển khai thí điểm thu phí quản lý sử dụng lòng đường, hè phố đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Trước đây, một số hè phố trên địa bàn cũng đã tiến hành kẻ vạch khu vực đậu xe gắn máy tự quản để bảo đảm phần lề đường dành cho người đi bộ.
Người dân mong sớm được hướng dẫn hồ sơ thủ tục để đăng ký sử dụng vỉa hè
Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn, nhếch nhác vẫn xảy ra khiến nhiều người rất bức xúc. Vì vậy, nếu như việc triển khai thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường với các quy định pháp lý rõ ràng thì công tác tuyên truyền vận động người dân thuận lợi hơn, người dân cũng hiểu rõ và chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện sử dụng vỉa hè một cách có trật tự hơn. Đồng thời, TP có thêm kinh phí cho ngân sách góp phần bảo trì lòng đường, hè phố; bảo đảm an toàn GT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Được biết, tại đường Nguyễn Trãi (P3, Q5), các nhân viên phường vừa tiến hành đo đạc và kẻ vạch sơn để chuẩn bị triển khai việc thu phí. Chị T.T.H (chủ một của hàng bán thời trang trên tuyến đường này) chỉ vào vạch kẻ sơn màu vàng tươi vừa được kẻ trên vỉa hè, vừa nói: "Tại đây, nhiều người đã từng bày hàng buôn bán ra sát tận mặt đường, lấn chiếm hết vỉa hè, không chỉ khiến người đi bộ không còn lối đi mà còn tạo nên cảnh quan rất nhếch nhác. Hiện tại cơ quan chức năng chỉ mới kẻ vạch sơn, chưa tổ chức thu phí nhưng người dân đã nghiêm túc chấp hành không để hàng hóa lấn ra ngoài vạch kẻ sơn. Rõ ràng ý thức người dân đã được nâng lên rõ rệt, mang đến một bộ mặt mới văn minh hơn cho tuyến đường này".
Bảng giá thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè
Tương tự, chị N. bán xôi và bánh mì trên một góc vỉa hè ở đường Tản Đà (P11, Q5) cũng đồng tình với chính sách cho thuê vỉa hè. Theo chị N., khi chưa có việc cho thuê vỉa hè, mỗi lần có trật tự đô thị đi kiểm tra là chị lại nơm nớp lo sợ bị xử phạt và tịch thu đồ. Với việc cho thuê vỉa hè, chị sẵn sàng đăng ký để yên tâm buôn bán. Chị N. kể, cách đây mấy ngày UBND phường đã đi kẻ vạch sơn trên tuyến đường Tản Đà; do vậy chị mong sớm được cơ quan chức năng hướng dẫn rõ ràng để người dân biết thủ tục hồ sơ và cách thức đăng ký thuê vỉa hè.
Theo UBND Q5, địa phương này đã giao cho Phòng Quản lý đô thị quận và các phường tổ chức rà soát các tuyến đường áp dụng thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để triển khai thực hiện. Dự kiến đến ngày 01/3/2024, Q5 sẽ bắt đầu triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.
Trong khi đó, ông Trần Hải Nguyên - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Q3 cũng cho biết: Việc thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Hiện Q3 đã xây dựng danh mục danh mục 36 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Đồng thời, UBND Q3 cũng đã giao 12 phường tổ chức họp dân góp ý, phản biện để ban hành và niêm yết công khai. Qua lấy ý kiến, hơn 80% đồng ý các phương án sử dụng lòng đường, vỉa hè do TP triển khai áp dụng. Theo đó, địa phương này đã ban hành, niêm yết bộ thủ tục hành chính về cấp giấy phép sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố để cá nhân, tổ chức áp dụng nộp hồ sơ để được cấp phép và nộp phí.
TPHCM xin hướng dẫn gỡ vướng thu phí vỉa hè, lòng đường
Mới nhất, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa có công văn gửi Bộ GTVT và Bộ Tài Chính đề nghị hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc về phương thức và lập đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Theo đó, khi triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND của HDND TPHCM đã gặp một số vướng mắc về quy định pháp luật. Cụ thể, lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng GT đường bộ. Tuy nhiên, phương thức khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chưa được quy định tại Luật Quản lý tài sản công và Nghị định số 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, đối tượng đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Như vậy, vấn đề được đặt ra là đơn vị được giao quản lý lòng đường và hè phố có phải lập đề án khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố hay không? Hiện UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính sớm hướng dẫn để kịp thời thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.