Hiểm họa từ pháo nổ tự chế

Thứ Hai, 16/12/2024 11:32

|

(CATP) Cứ đến thời điểm giáp Tết, tình trạng buôn bán, tàng trữ, chế tạo, sử dụng trái phép các loại pháo nổ lại diễn ra phức tạp. Thời gian gần đây, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tự chế pháo nổ, trong đó nhiều trường hợp học sinh (HS) học cách chế tạo pháo từ mạng xã hội (MXH). Việc chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái trép là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình ANTT tại các địa phương.

Hàng loạt vụ việc thương tâm

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời điểm này, không ít thanh, thiếu niên, đặc biệt là các em HS, sinh viên đang ở độ tuổi cắp sách tới trường lén lút mua các vật liệu tiền chất pháo nổ trôi nổi, sau đó tự chế, quấn pháo tại nhà, gây ra những vụ tai nạn thương tâm.

Chiều 14/12, tại Đắk Lắk vừa xảy ra một vụ 3 HS chế tạo pháo khiến pháo phát nổ phải nhập viện cấp cứu, đó là L.B.H, P.C.H và L.H.A.N (cùng học lớp 6 trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang, H.Krông Năng). Theo đó, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên MXH, 3 HS này mua diêm về chế tạo pháo nhưng không may pháo phát nổ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân đã đưa các em đến đến bệnh viện cấp cứu. Cả ba nhập viện trong tình trạng bị đa chấn thương, nhiều mảnh thủy tinh găm vào người. Trong đó, 1 em phải phẫu thuật bàn tay, 1 em bị thương ở mắt và phần mềm, em còn lại bị thương ở tay, chân, bụng.

Trước đó, sáng 07/12, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết đã tiếp nhận 4 HS (13 - 14 tuổi, cùng trú xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt và tay chân, đa chấn thương cơ thể do các em tự tìm hiểu và chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên MXH. Một ngày sau, sáng 08/12, tại làng Pan (xã Dun, H.Chư Sê, Gia Lai) cũng xảy ra vụ nổ pháo khiến cháu T.T.N (SN 2011) thiệt mạng. Theo nhân chứng, khi cháu N. đi vào phòng ngủ gần bếp để tự chế thuốc nổ thì, mọi người nghe tiếng nổ phát ra liền chạy vào kiểm tra, phát hiện N. đã bất tỉnh.

Bốn học sinh ở Quảng Bình nhập viện cấp cứu vì tự chế pháo theo hướng dẫn trên YouTube

Mới đây, CAH Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) thông tin, khoảng 18 giờ 25 ngày 02/12, nhà anh Trần Văn Thương (SN 1986, trú thôn Chính Ngoài, xã Quang Tiến, H.Tân Yên, Bắc Giang) có tiếng nổ lớn. Vụ nổ khiến anh Thương tử vong; ngôi nhà vỡ 2 tường bao, cửa sổ tầng 2 và hư hỏng một số đồ vật. Tiếp nhận tin báo, CAH Tân Yên đã khám nghiệm hiện trường, triển khai các biện pháp xác minh sơ bộ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Thương quấn pháo tự chế gây nổ.

Trước đó, ngày 15/11, người dân thôn 1 (xã Du Lễ, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) nghe tiếng nổ lớn tại nhà anh Đào Văn C. (SN 1991). Khi mọi người chạy đến thì căn nhà của anh C. đã biến dạng, cửa cuốn tầng 1 cong dập và bung ra phía ngoài, các cửa tầng 2 bị vỡ, kính rơi tung tóe và một số vật dụng đang cháy. Bên trong nhà, anh C. toàn thân sém đen, lê lết ra phía ngoài đường thì gục ngã. Nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng đã tử vong vì bỏng nặng. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng nhận định đây là một vụ tự chế pháo.

Cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Mặc dù thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm từ pháo nổ tự chế, nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh giới trẻ. Nhiều bạn nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi HS vẫn tò mò lên MXH tìm kiếm những clip dạy chế pháo và mua vật liệu trôi nổi về để chế pháo nổ. Lợi dụng điều này, nhiều hội nhóm kín trên MXH cũng rầm rộ tổ chức các hoạt động mua bán, dạy cách chế tạo pháo tại nhà. Trên YouTube, Tiktok chỉ cần gõ cụm từ chế pháo nổ đã xuất hiện nhiều clip hướng dẫn tỉ mỉ công thức, trộn hóa chất để tạo hiệu ứng nổ cho các loại pháo.

Vụ nổ do tự chế pháo khiến anh C. ở Bắc Giang tử vong, ngôi nhà hư hỏng nặng

Dạo quanh trên MXH, xuất hiện hàng loạt hội nhóm trao đổi, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Những nhóm này thu hút đông đảo thành viên tham gia bằng cách chia sẻ video hướng dẫn hoặc chào mời sản phẩm với lời cam kết "an toàn và hiệu quả”. Cụ thể, truy cập vào các hội nhóm có nhiều bài viết rao bán pháo tự chế từ pháo cỡ nhỏ, cỡ lớn, pháo hoa, hay pháo dàn... cùng công thức làm pháo "đơn giản bất ngờ" thu hút số lượt người theo dõi rất đông. Theo đó, người xem không khó để thực hiện với từng loại pháo, từ cách chuẩn bị nguyên liệu, nén pháo, dồn pháo cho đến đốt pháo... Tùy từng kích cỡ, loại pháo sẽ có các mức giá nguyên liệu khác nhau dao động từ 80.000 đồng đến 500.000 đồng... Để minh chứng cho chất lượng pháo, tay nghề làm pháo, nhiều kênh còn quay video thực hiện nổ pháo ngoài trời để thu hút người xem.

Trong khi trên MXH, tình trạng mua bán tiền chất chế tạo pháo cũng như những clip dạy chế tạo pháo vẫn diễn ra công khai và ý thức của người dân chưa được nâng cao thì tai nạn do tự chế pháo gây ra vẫn còn tiềm ẩn. Không ít trường hợp bị bỏng nặng, mù mắt, dập nát bàn tay; thậm chí nhiều trường hợp tử vong thương tâm vì trò "nghịch dại" này. Để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tai nạn thương tâm từ pháo nổ tự chế, thời gian qua, chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng như Công an, BĐBP đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân tuân thủ chấp hành quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ.

Nhóm học sinh ở Hà Tĩnh lên mạng mua các nguyên liệu về chế tạo 800 quả pháo nổ tự chế

Đồng thời, tập trung đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về pháo nổ, kiên quyết không để xảy ra các vụ nổ do tự chế pháo ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân. Nhà trường cũng tăng cường tuyên truyền quản lý học sinh, nắm tình hình trường hợp tự chế tạo pháo hoặc đang tàng trữ các loại hóa chất chế tạo pháo. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm giáo dục, quản lý để con em mình không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ trái phép để tránh những hậu quả đáng tiếc do pháo nổ gây ra.

Tại điểm i khoản 4 điều 11 Nghị định 144/2021 quy định về hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm... hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mặt khác, căn cứ tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép. Theo đó, người từ 14 tuổi trở lên tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất,

tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang