Bình Dương:

Kịp thời phong tỏa tài khoản của kẻ lừa đảo qua mạng, thu hồi trả cho nạn nhân

Thứ Năm, 07/11/2024 12:51  | Nam Anh

|

(CAO) Ngày 07/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi tiếp nhận nguồn tin báo của người dân, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các ngân hàng, tra soát giao dịch, kịp thời ngăn chặn việc các đối tượng lừa đảo tẩu tán tài sản.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 05/4/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà K.T.O ( trú phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo.

Sau khi cài đặt ứng dụng giả mạo theo yêu cầu của các đối tượng, bà K.T.O phát hiện số tiền 264 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng bị mất.

Tin nhắn lừa đảo khắp nơi và ai cũng có thể nhận được

Ngay sau khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các ngân hàng, tra soát giao dịch chuyển tiền liên quan đến số tiền của bà K.T.O trình báo và phát hiện số tiền trên đã bị các đối tượng lừa đảo chuyển đến tài khoản số 102873872912 Ngân hàng Vietinbank.

Sau khi xác minh được giao dịch, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp ngân hàng tiến hành phong tỏa tài khoản số 102873872912, qua đó, kịp thời ngăn chặn việc các đối tượng tẩu tán tài sản, thu hồi được số tiền 230 triệu đồng cho bị hại.

Tương tự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương cũng tiếp nhận tin báo từ em Nguyễn T.B.N (sinh viên một trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương) về việc bị các đối tượng giả danh lừa đảo chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng.

Theo trình báo, ngày 05/09/2024, em Nguyễn T.B.N nhận được cuộc điện thoại từ thuê bao 0247776031802477767692 tự xưng là Công an tỉnh Cà Mau thông báo em liên quan vụ án mua bán ma túy, rửa tiền. Các đối tượng bị bắt khai báo với cơ quan Công an là em Nguyễn T.B.N bán thông tin cá nhân của mình với giá 120 triệu đồng để các đối tượng mở tài khoản ngân hàng; đồng thời yêu cầu em đến cơ quan Công an để giải quyết.
 

Máy phát tán tin nhắn trái phép được cơ quan công an bắt giữ trong một vụ việc

Tuy nhiên, do đang ở xa nên đối tượng tự xưng Công an thông báo có thể giải quyết trực tuyến, đồng thời yêu cầu em N.T.B.N tìm nơi yên tĩnh để nói chuyện và tuyệt đối giữ bí mật không được nói cho bất kỳ ai biết kể cả gia đình rồi yêu cầu em phải chuyển đủ số tiền 120 triệu đồng vào tài khoản số 0792586793 ngân hàng Eximbank, tên Le Viet Hoang để chứng minh mình có đủ khả năng tài chính không phải bán thông tin; sau khi chứng minh xong cơ quan Công an sẽ trả lại.

Do bản thân hiện là sinh viên không đủ tiền, đối tượng nói sẽ giúp bằng cách yêu cầu em N.T.B.N nói dối với gia đình đang cần tiền đóng tiền học phí, tiền làm hồ sơ du học và được đối tượng tạo các văn bản thể hiện thông tin trúng tuyển làm hồ sơ du học gửi cho gia đình em N.T.B.N để làm tin cho việc chuyển tiền.

Sau khi có tiền từ gia đình, em N.T.B.N đã chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản đối tượng lừa đảo.

Để phòng ngừa, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, Phòng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân cảnh giác với các số điện thoại có đầu số lạ. Không cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mã OTP cho người khác.

Mặt khác, cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập.

Cơ quan Công an cũng không yêu cầu cá nhân chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Nếu người dân phát hiện nghi vấn liên quan đến trục lợi, lừa đảo tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại; tắt máy ngay và trình báo cho cơ quan Công an để được hướng dẫn kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang