Một cửa hàng điện thoại trên đường Hoàng Văn Thụ được tuyên truyền, nhắc nhở.
Tối 20/6, UBND phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các hộ kinh doanh… về các quy định phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường.
Phường 4 chia làm 2 tổ công tác, in tờ rơi phát cho các hộ kinh doanh về các quy định mới nhất trong Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Các hộ kinh doanh không thiết yếu như: kinh doanh thời trang, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, mắt kính, kim khí, điện máy nội thất, kinh doanh xe… đã được tổ công tác tuyên truyền, vận động, đóng cửa theo quy định.
Sau khi nhận được các tờ rơi, hầu hết các hộ kinh doanh đều nghiêm chỉnh chấp hành. Một số hộ kinh doanh cho rằng, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh một thời gian để giúp TP.HCM sớm dẹp được dịch.
Một cửa hàng kinh doanh hàng không thiết yếu được yêu cầu đóng cửa.
Tuy nhiên, một số người than phiền, hoàn cảnh khó khăn, khi đóng cửa ai sẽ chi trả tiền mặt bằng, ăn uống của cả gia đình. Ông Nguyễn Như Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường 4 đã tiến hành giải thích và người này cũng đồng tình với việc tạm ngưng mở cửa buôn bán.
Tổ công tác tiếp tục đến đường Út Tịch – Nguyễn Thái Bình, tại cửa hàng mắt kính có 3 người (trong nhà có 2 người, một người ngồi ngoài vỉa hè) đều không đeo khẩu trang.
Lực lượng chức năng đã đến nhắc nhở, tuy nhiên, một cô gái trong 3 người cự cãi và cho rằng cả 3 người đều là người trong một gia đình nên không cần phải đeo khẩu trang.
Cô gái ký vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Lãnh đạo UBND phường 4 đã giải thích và yêu cầu lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Với lỗi vi phạm trên, cô gái sẽ bị phạt 2 triệu đồng.
“Trong ngày 20/6, lực lượng chức năng của phường chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành đúng theo Chỉ thị 10 mà UBND TP.HCM ban hành. Hôm sau, phường thường xuyên kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, lãnh đạo UBND phường 4 nhấn mạnh.
Những loại hình kinh doanh nào được mở?
Chiều 20/6, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn hướng dẫn chi tiết để thực hiện Chỉ thị 10 ngày 19/6 của UBND TP.HCM về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid- 19 trên địa bàn.
Theo đó, các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động và không được mở gồm:
Các cơ sở kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, thuốc; cơ sở khám, chữa bệnh (trừ các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ, các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa); kinh doanh dược và quốc phòng, an ninh; ngân hàng; các cơ sở kinh doanh trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, kho bạc; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm), chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; tang lễ; dịch vụ thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.
Các cửa hàng tiện ích, khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các siêu thị và các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế, điều tiết phân luồng 1 chiều, số lượng người đến mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người mua.
Cửa hàng kinh doanh đồ thờ cũng được yêu cầu tạm đóng cửa.
Đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng không được mở cửa hàng mà chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi. Bao gồm: kinh doanh vật liệu xây dụng phục vụ các công trình xây dựng; kinh doanh vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, đồ kim khí phục vụ cho các công trình xây dựng; kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; các loại hình dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu; dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m trong khi chờ lấy hàng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngoài các loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động (như cơ sở kinh doanh thời trang, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, mắt kính, kim khí, điện máy nội thất, kinh doanh xe...), các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ.