(CAO) Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ gia tăng tai nạn lao động trong mùa mưa bão, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động mùa mưa bão.
Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do mưa, lũ, sạt lở đất đá làm chết và bị thương nhiều người.
Đặc biệt vụ tai nạn lao động do sạt, lở đất đá xảy ra ngày 16/5/2025 tại công trường thi công đập bê tông A1 dự án công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A, bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, hậu quả làm 05 người chết và 04 người bị thương là công nhân của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng Dũng Phúc Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là nhà thầu thi công.

HIện trường vụ tai nạn tai lao động nghiêm trọng ở Lai Châu
Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia đã ban hành Công điện yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó, điều tra nguyên nhân và chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn lao động.
Nhằm tăng cường tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng do sạt, lở đất đá trong mùa mưa bão, Cục Việc làm đề nghị Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quán triệt, triển khai Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động và Công văn số 907/BNV-CVL ngày 02/4/2025 của Bộ Nội vụ về việc tăng cường đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt trong mùa mưa bão theo tinh thần Công điện của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo Bộ ngành và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các thành phần doanh nghiệp chủ động tự kiểm tra, lập kế hoạch quản trị rủi ro, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc của đơn vị theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ).
Rà soát, kiểm tra việc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng ngừa, ứng phó rủi ro thiên tai và tai nạn lao động tại các cơ sở lao động thuộc phạm vi quản lý.
Trong đó, cần chú trọng lập phương án quản trị rủi ro, phương án đảm bảo an toàn thi công trong lĩnh vực xây dựng, điện lực, giao thông, thủy lợi,... khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra mưa lớn, gió mạnh, sạt lở đất, đá, ta ly từ trên cao, ngập úng, lốc xoáy...
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn, vệ sinh lao động, yêu cầu khắc phục ngay các hành vi vi phạm hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, không đảm bảo an toàn.
Thường xuyên cập nhật và báo cáo tình hình tai nạn lao động (nếu có), đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng, về Bộ Nội vụ (qua Cục Việc làm) để kịp thời chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền.
Tổ chức đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong mùa mưa bão năm 2025, gửi báo cáo về Cục Việc làm trước ngày 15/11/2025 để phục vụ công tác tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Bộ Nội vụ đề nghị Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai, phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.