Xử lý nghiêm nhiều trường hợp gây phát tán dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai, 21/07/2025 10:32

|

(CATP) Thời gian qua, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi thu ngẫu nhiên 22 mẫu máu, hạch, lách lợn để xét nghiệm. Kết quả, Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm thú y Trung ương II - Trạm chẩn đoán và xét nghiệm I tại Đà Nẵng xác định có 21/22 mẫu dương tính với vi-rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASFV).

Ngày 20/7, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý cơ sở thu mua heo dịch bán ra thị trường. Qua công tác phối hợp, đơn vị phát hiện cơ sở thu mua lợn trên địa bàn xã Nghĩa Hành do bà Trần Thị Thùy D. (56 tuổi, ngụ xã Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) làm chủ đang hoạt động thu gom, vận chuyển lợn lên một ôtô. Tại thời điểm kiểm tra, có 72 con lợn (trên xe có 69 con, trong đó 5 con đã chết) và 3 con đang nhốt trong chuồng.

Quá trình làm việc, bà D. không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và giấy kiểm dịch số lợn trên. Bà D. khai toàn bộ số lợn dịch bệnh này thu gom của các thương lái và của người dân trên địa bàn xã Nghĩa Hành. Đây là địa phương đang có dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh. Bà D. thừa nhận số lợn dịch sẽ được vận chuyển vào tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Nai để giết, mổ rồi bán lại cho các cơ sở chế biến thực phẩm (chuyên làm lạp xưởng) để kiếm lời.

Ông Võ Năng Chuyên (Trưởng phòng nghiệp vụ, Tổng hợp, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: "Qua kết quả lấy mẫu thì đàn lợn này đã bị dịch tả lợn Châu Phi, cần phải tiêu hủy theo quy định. Đây cũng là một trong những vấn đề góp phần phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Trước nguy cơ lợn nhiễm bệnh bị tuồn ra thị trường tiêu thụ, Đoàn kiểm tra phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh dịch ngay trong đêm.

Thượng tá Đoàn Dương (Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi) khuyến cáo người dân khi sử dụng thịt heo, thực phẩm thường ngày phải đến các cơ sở giết mỗ có uy tín và được các cơ quan chức năng cấp phép nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Khi phát hiện động vật, heo không rõ xuất xứ cần báo ngay cơ quan chức năng để tiến hành ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật.

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Nghĩa Hành diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 7/2025 đến nay, số lợn mắc bệnh chết xảy ra tại trên 50 hộ dân thuộc 13/15 thôn trên địa bàn, buộc phải tiêu hủy trên 300 con lợn với tổng trọng lượng là 9.973kg. Điển hình, tại hộ chăn nuôi của các hộ gia đình ở thôn Hiệp Phổ Nam và thôn Hiệp Phổ Trung, phát hiện 39 con lợn có các triệu chứng xuất hiện hoại tử dưới dạ bẹn, chảy máu các lỗ tự nhiên...

Dịch tả lợn Châu Phi tại Quảng Ngãi

Các đơn vị chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra dịch tễ đối với số lợn trên, kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Các trường hợp trên, Công an xã phối hợp với các lực lượng chức năng tiêu hủy toàn bộ số heo bệnh heo quy định. Tuy nhiên, qua nắm tình hình tại địa bàn, vẫn có một số người dân lén lút vứt xác heo chết bừa bãi ra kênh mương, rừng keo... gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan mầm bệnh.

Mới đây, ngày 10/7, bà T.T.T (SN 1983) điều khiển xe máy chở một con heo chết (trong tình trạng phân hủy) từ nhà ở thôn Phúc Minh (xã Nghĩa Hành) đến khu vực rẫy keo thuộc TDP Phú Bình Tây để vứt bỏ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe dân cư và vật nuôi. Xác động vật chết nếu không xử lý đúng cách sẽ phát tán mầm bệnh ra không khí, thẩm thấu vào đất, nguồn nước, lây sang vật nuôi và thậm chí là con người. Những ổ vi khuẩn này có thể gây bùng phát dịch bệnh bất cứ lúc nào.

Tại Đà Nẵng, ngày 10/7, P.Quảng Phú nhận tin báo có lợn chết do dịch bệnh tại KP.Ngọc Mỹ. Qua kiểm tra lâm sàng, cán bộ phường nghi lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm; tiêu hủy con lợn nái nặng 195kg đã chết. Hôm sau, P.Quảng Phú tiếp tục nhận tin báo dịch của 3 hộ dân ở KP.Phú Quý và KP.Ngọc Mỹ. Kết quả cho thấy, các mẫu gửi xét nghiệm đều dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

Ngay sau đó, P.Quảng Phú hướng dẫn các hộ xử lý vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi khu vực chuồng trại và xung quanh vườn, tuyệt đối không tái đàn trong thời gian tới. Đồng thời, tổ chức công tác dập dịch khẩn cấp, tiêu hủy đàn lợn bệnh còn lại của 2 hộ KP.Ngọc Mỹ với số lượng 28 con, tổng trọng lượng 643kg.

Ông Nguyễn Minh Nam (Chủ tịch UBND P.Quảng Phú) cho hay, đã chỉ đạo rà soát, nắm lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn và rà soát tổng đàn lợn tại các khối phố; hướng dẫn chủ hộ vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng hóa chất, vôi bột. Tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại ổ dịch, hố chôn, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, chết bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. "Ngoài ra, phường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về việc nuôi và phòng, chống dịch bệnh; cử cán bộ thú y thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời...", ông Nam cho biết thêm.

Điều đáng nói, giữa lúc dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở một số xã, phường tại TP.Đà Nẵng thì có tình trạng xác heo chết bị vứt xuống kênh Phú Ninh. Tại một khu vực cống ngăn ở kênh có vài xác heo chết bị vứt trôi, có con bị phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc. Lãnh đạo UBND xã Thăng Bình (TP.Đà Nẵng) cho biết, đã cho lực lượng vớt xác heo ở kênh xử lý, tiêu hủy. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh đến từng thôn, khuyến cáo người dân tuyệt đối không giết mổ, buôn bán heo bệnh; không giấu dịch; báo ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường.

Theo thống kê, từ ngày 01 đến 16/7, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên đàn heo ở 4 xã, phường của TP.Đà Nẵng gồm: Sông Kôn, Xuân Phú, Thăng Trường, Quảng Phú. Trong đó, có 19 thôn với 44 hộ có dịch, tổng số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 125 con, trọng lượng hơn 7.000kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, nguyên nhân chủ yếu do heo chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, người chăn nuôi chưa thật sự quan tâm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và trên địa bàn có nhiều ổ dịch cũ. Ngoài ra, do thời tiết thay đổi thất thường, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang