Chở hàng cồng kềnh vì… nghèo quá

Thứ Ba, 18/10/2016 16:00  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Bị CSGT lập biên bản về lỗi chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm, hầu hết người chạy xe cơ giới ba, bốn bánh thừa nhận vi phạm nhưng đổ lỗi vì cuộc sống khó khăn, vì nghèo nên mới vậy…

Sau sự cố xe ba gác chở tôn làm chết 2 người ở Hà Nội, Phòng CSGT đường sắt, đường bộ (PC67) Công an TP.HCM tiếp tục ra quân xử phạt các trường hợp xe cơ giới ba, bốn bánh vi phạm luật giao thông để lặp lại trật tự ATGT trên địa bàn.

Vào TP.HCM lập nghiệp đã lâu nhưng mức lương công nhân không đủ nuôi vợ, hai con nhỏ và người mẹ vợ nên anh L. V. Dương (34 tuổi, quê Quảng Ngãi) quyết định mua xe ba gác máy cũ để hành nghề chở thuê.

Phần tôn anh Dương chở dài vượt mức quy định, không đảm bảo an toàn

“Người chạy xe ba gác nhiều quá nên ngày được chạy 1, 2 chuyến lời được khoảng 200 ngàn đồng. Cũng có ngày không có ai thuê chở hàng. Tất cả tiền trang trải cuộc sống đều nhờ vào tiền chở thuê của tôi”, anh Dương cho hay.

Sáng 18-10, anh Dương chở nhôm, kính từ đường Lữ Gia về một chung cư trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10) với giá 50 ngàn đồng. Đến giao lộ Lý Thường Kiệt – Lữ Gia, anh Dương bị CSGT lập biên bản về hành vi chở hàng cồng kềnh, không đảm bảo an toàn.

“Tôi biết chở hàng cồng kềnh là vi phạm luật giao thông nên tôi chạy chậm để tránh nguy hiểm cho người khác. Chủ thuê mà mình không chở thì họ sẽ thuê người khác ngay”, người này phân trần.

CSGT giúp đưa hàng hóa từ xe ba bánh của anh Dương sang xe tải

Ngoài bị lập biên bản về hành vi chở hàng cồng kềnh, anh Dương còn bị phạt các lỗi: không có giấy phép lái xe, đi vào đường cấm.

Năm 2008, TP.HCM cấm xe ba, bốn bánh tự chế hoạt động nên ông Huỳnh Đức (55 tuổi, ngụ Q.12) chuyển sang mua xe có đăng kí để chở hàng thuê.

“Nhiều khi chở lố hơn một xíu nhưng mình có gắn vật cảnh báo để các phương tiện cùng lưu thông tránh. Chứ hàng hóa nhiều hơn một ít mà chở hai chuyến thì người thuê không đồng ý”, ông Đức cho hay.

Ông Đức than thở: “Biết chở cồng kềnh là sai, là nguy hiểm nhưng cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi. Nghề này cực lắm chú ơi”.

Chở thuê với giá 70 ngàn đồng nhưng chú Xuân bị phạt gấp nhiều lần vì lỗi chở hàng cồng kềnh

Chú Xuân chở hàng thuê bằng xe máy cho biết: “Họ thuê chở một lô hàng mà mình chở một chuyến thì lỗ, còn không chở thì sẽ có người khác. Nếu không chở thì không có tiền nuôi vợ, nuôi con”.

Cuối tháng 9-2016, anh Nguyễn Văn Sanh (26 tuổi, quê Bến Tre) bị CSGT lập biên bản vì điều khiển xe ba gác tự chế chở hàng cồng kềnh. Nhận quyết định xử phạt từ CSGT, anh Sanh bật khóc vì tiền bán dừa không đủ nộp phạt.

Anh Sanh cho biết do gia cảnh dưới quê nghèo khó nên mới lên TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán dừa nước dạo. Thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Anh Sang bật khóc giữa đường vì bị CSGT lập biên bản xử phạt

“Biết là vi phạm nhưng thấy nhiều người chạy xe như mình nên tôi chạy theo. Bản thân tôi giờ xin làm công nhân rất khó nên mới làm nghề này để có tiền nuôi vợ, con”, anh Sanh tâm sự.

Từ năm 2010 đến 2013, Chính phủ và UBND TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản có nội dung cấm xe ba gác, ba bánh thô sơ - tự chế lưu thông. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP có hơn 24.000 xe 3, 4 bánh tự chế bị đình chỉ lưu thông, trong đó hơn 3.000 xe của những người thuộc diện hộ nghèo.

TP.HCM cũng chi hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ chủ phương tiện chuyển nghề nhưng hơn 50% trường hợp chỉ được hỗ trợ một ít hoặc không được hỗ trợ nên việc chuyển nghề còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Phòng PC67, hiện nay nhiều tuyến đường, khu vực trên địa bàn TP tồn tại tình trạng các phương tiện xe thô sơ, xe cơ giới ba, bốn bánh hoạt động phức tạp dẫn đến nguy cơ tăng tai nạn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông.

Các trường hợp mưu sinh bằng xe ba, bốn bánh đều thuộc diện nghèo, khó

Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn thấp, nhiều loại phương tiện xe thô sơ, cơ giới hai, ba, bốn bánh đang được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng là xe tự lắp ráp, bị thay đổi kết cấu phục vụ cho mục tiêu chuyên chở hàng hóa.

Bên cạnh đó, người điều khiển các loại phương tiện trên chủ yếu là thanh, thiếu niên chưa có bằng lái hoặc chưa đủ tuổi để điều khiển xe cơ giới theo Luật giao thông đường bộ quy định…

Được biết, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Phòng PC67 đã phối hợp cùng nhiều lực lượng và cơ quan chức năng ra quân tiến hành xử phạt 1.382 trường hợp xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ vi phạm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông.

Trong đó có 302 trường hợp vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh, 582 trường hợp vi phạm đi vào đường cấm, khu vực cấm.

Tình trạng xe thô sơ, xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh vẫn diễn ra phức tạp trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM

Thiếu tá Đoàn Hồng Tín, Đội phó Đội CSGT Chợ Lớn cho biết: “Tình hình vi phạm đối với xe thô sơ, xe ba, bốn bánh trên địa bàn đơn vị đảm trách vẫn còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, nhiều trường hợp dùng xe mù không đảm bảo an toàn để chở nước đá, chở hàng hóa vượt mức quy định. Đặc biệt là tình trạng sử dụng xe ba, bốn bánh tự lắp ráp không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định”.

Theo thiếu tá Tín, đây là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn của đơn vị.

Từ ngày 16-10 đến ngày 16-11-2016, Phòng PC67 tập trung lực lượng phối hợp nhiều đơn vị, cơ quan chức năng tiến hành cao điểm xử phạt vi phạt hành chính trên tất cả các địa bàn đơn vị đảm trách.

Trong đó, đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý gồm:

- Xe cơ giới 2, 3 bánh thay đổi kết cấu, tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

- Xe thô sơ ba bánh, bốn bánh tự chế, không có đăng ký.

- Xe thô sơ ba bánh, bốn bánh và xe cơ giới ba bánh có đăng ký bị cấm lưu thông và hạn chế lưu thông theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 19/02/2013 của UBND TP về cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường thuộc địa bàn thành phố.

- Các hành vi vi phạm của các loại phương tiện trên: Đi không đúng phần đường, làn đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, chở hàng trên xe vượt quá giới hạn quy định (quá khổ, quá tải), điều khiển xe kéo, đẩy xe khác, vật khác…

Bình luận (0)

Lên đầu trang