TPHCM:

Bức xúc vấn nạn "tình nguyện dẫn đường" cho xe cấp cứu để "đua tốc độ"

Thứ Năm, 29/02/2024 13:46

|

(CAO) Tại buổi tuyên truyền cho tài xế xe cấp cứu về việc sử dụng đèn, còi ưu tiên, do Đội CSGT - Trật tự Công an Q.10 phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu 115 tổ chức, vào ngày 28/2, phóng viên đã có dịp lắng nghe nhiều chia sẻ của các tài xế hành nghề lái xe cứu người.

Giải đáp nhiều thắc mắc cho tài xế xe cứu thương

Buổi tuyên truyền được tổ chức với sự tham gia của hơn 50 tài xế đến từ mạng lưới cấp cứu 115 cũng như các đầu mối nhận vận chuyển người bệnh trong nước được Sở Y tế TPHCM cấp phép. Theo Thượng úy Trương Huỳnh Tuấn Anh, báo cáo viên, cán bộ Đội CSGT - Trật tự, buổi tuyên truyền về việc sử dụng đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên đối với xe cấp cứu do CAQ.10 phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho các tài xế.

Thượng úy Trương Huỳnh Tuấn Anh, cán bộ Đội CSGT – Trật tự, CAQ.10 tại buổi tuyên truyền

Đây cũng là dịp để các bác tài hành nghề lái xe cứu người nhận được các giải đáp từ lực lượng chức năng xung quanh những vấn đề còn thắc mắc; chia sẻ những tâm sự, những nỗi niềm trong quá trình hoạt động.

Báo cáo viên CAQ.10 đã mở đầu buổi tuyên truyền bằng việc giới thiệu tới các tài xế 2 văn bản pháp luật quan trọng, có liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tài xế trong công tác vận chuyển bệnh.

Buổi tuyên truyền đã thu hút được sự quan tâm từ các tài xế lái xe cấp cứu

Các văn bản bao gồm: Nghị định 109/2009/NĐ-CP quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên và Thông tư 27/2017/TT-BYT về quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương. Đi sâu vào phân tích Nghị định 109 và Thông tư 27, báo cáo viên của CAQ.10 đã chỉ ra hàng loạt các sai sót mà các tài xế thường xuyên mắc phải, bị CSGT nhắc nhở và xử phạt trong quá trình tham gia giao thông.

Hàng loạt câu hỏi của tài xế liên quan tới công tác chuyên môn đã được đặt ra. Tài xế Hồ Nhật Quang, hiện đang làm việc tại Phòng cấp cứu đa khoa Sài Gòn (H.Bình Chánh, TPHCM) nêu thắc mắc: “Trường hợp tài xế đang điều khiển xe cấp cứu tham gia giao thông vào mục đích khác như: sửa chữa, đăng kiểm, bảo dưỡng mà bất ngờ nhận điều động đột xuất của bệnh viện làm nhiệm vụ thì khi bị CSGT kiểm tra, tài xế có bị xử phạt hay không?”.

Các tài xế thích thú, ghi lại phần tuyên truyền, giao lưu hấp dẫn của cán bộ CSGT

Cán bộ tuyên truyền khẳng định, quy trình để xe cấp cứu bắt đầu vận chuyển bệnh nhân từ nơi ở đến cơ sở y tế hoặc chuyển lên các bệnh viện tuyến trên đều cần có: giấy chuyển viện của bệnh viện, các hồ sơ về bệnh án của bệnh nhân, y lệnh… Với câu hỏi do tài xế Quang đặt ra, cán bộ tuyên truyền cho rằng, tài xế nếu bị điều động đột xuất, không khởi hành từ bệnh viện thì cần yêu cầu bộ phần điều xe chụp hình lại các giấy tờ nêu trên và gửi “nóng” cho tài xế thông qua các ứng dụng trò chuyện trực tuyến.

“Trong trường hợp bị CSGT ra hiệu lệnh kiểm tra, anh có thể trình bày thông tin một cách nhanh nhất để tổ công tác nắm bắt. Ngoài ra, tài xế cũng có thể đưa ra thêm các hình ảnh về ca bệnh mà mình sẽ đón hoặc cung cấp thông tin về lịch trình để tổ công tác nắm bắt” – cán bộ tuyên truyền giải đáp.

Anh Phạm Minh Hùng, tài xế công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 hỏi: Xe cấp cứu là phương tiện ưu tiên. Trong một số trường hợp, chúng tôi buộc phải vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều hoặc chạy với tốc độ cao để đáp ứng yêu cầu y tế. Vậy nếu có tai nạn xảy ra, tài xế có bị xử lý hay không? Và quy trình xử lý sẽ như thế nào?

Một bác tài lái xe cấp cứu đã có phần chia sẻ các kỷ niệm vui, buồn trong quãng thời gian hành nghề đến cán bộ CSGT và các đồng nghiệp

Cán bộ tuyên truyền giải đáp: Dù thuộc nhóm phương tiện được ưu tiên nhưng trong quá trình lưu thông, tài xế cần đảm bảo an toàn cho bản thân, ê kíp, bệnh nhân và các phương tiện cùng tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu không may xảy ra va chạm, tai nạn thì tùy vào mức độ sẽ có biện pháp xử lý khác nhau.

Bức xúc trình trạng “tình nguyện mở đường” cho xe cấp cứu

Trong khuôn khổ buổi tuyên truyền do Đội CSGT – Trật tự, CAQ.10 và Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM tổ chức, phóng viên đã ghi nhận được nhiều ý kiến của cánh tài xế về việc phát sinh nhiều hội, nhóm tự phát dưới danh nghĩa “tình nguyện viên mở đường xe cấp cứu” gây cản trở, khó khăn cho lực lượng cứu thương trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.

Tài xế Nguyễn Thanh Phú, công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 nói: “Trong quá trình di chuyển, chúng tôi gặp phải nhiều thanh thiếu niên sử dụng các xe mô tô được “độ”, “chế”, tập trung thành từng nhóm từ 5 đến 7 xe để “hộ tống”, mở đường cho chúng tôi di chuyển. Việc làm này hết sức nguy hiểm cho chính bản thân những thanh niên tình nguyện này, cho những người cùng tham gia giao thông và cản trở việc di chuyển của xe cấp cứu”.

Tài xế Phú cho biết, dù tài xế xe cứu thương có ra tín hiệu không cần sự trợ giúp của các hội, nhóm này hoặc thậm chí thay đổi lộ trình nhằm thoát “vòng vây” nhưng vẫn không thể… “cắt đuôi” các "tình nguyện viên" này.

Tài xế Nguyễn Thanh Phú kể lại những khó khăn gặp phải trong quá trình "chạm mặt" với các nhóm tình nguyện mở đường

Câu chuyện mà tài xế Phú chia sẻ hiện cũng là nỗi "sợ" chung của các tài xế xe cấp cứu. Theo các tài xế bộc bạch, việc hoạt động tự phát, không có tổ chức, không có đào tạo chuyên môn và làm việc theo kiểu ngẫu hứng nên từ hành động đẹp, cách làm của các hội, nhóm này dần biến tướng và trở thành nỗi ám ảnh của tài xế 115.

Thượng úy Trương Huỳnh Tuấn Anh, cán bộ Đội CSGT – Trật tự, CAQ.10 nhìn nhận, đây là vấn đề mới phát sinh gần đây và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao trên đường. Thời gian qua, địa bàn Q10 đã ghi nhận một số vụ tai nạn do một số thành viên của các hội, nhóm tình nguyện mở đường này gây ra. 

Phòng CSGT, CATP đã nhiều lần cảnh báo tới người dân cũng như xử lý hàng loạt các trường hợp vi phạm song các đối tượng này vẫn phớt lờ cơ quan chức năng, vô tư thành lập các hội nhóm rồi lôi kéo thành viên cùng tham gia. Trước đó, Phòng CSGT CATP đã nhiều lần phát thông báo cảnh báo những nguy hiểm, hệ lụy từ nhóm “Hỗ trợ cấp cứu” sử dụng xe mô tô 2 bánh phát tín hiệu ưu tiên dẫn xe cứu thương lưu thông trên đường.

Các thanh niên này đặt tên cho nhóm, mặc đồng phục, sử dụng xe mô tô 2 bánh phát tín hiệu ưu tiên, lưu thông thành đoàn, không đúng phần đường, làn đường, đi vào phần đường, làn đường dành cho xe ô tô, sử dụng loa phóng thanh gây huyên náo đường phố.

Cán bộ Đội CSGT - Trật tự CAQ.10 chụp ảnh lưu niệm cùng các bác tài 115

Phòng CSGT nhấn mạnh: Đây là hành động rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông. Xe cứu thương khi thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là loại xe được ưu tiên theo quy định pháp luật. Khi xe cứu thương sử dụng đèn và còi ưu tiên thực hiện nhiệm vụ cấp cứu thì mọi người tham gia giao thông đều phải nhường đường cho xe cứu thương.

Chỉ có 4 loại xe ưu tiên (trong đó có xe cứu thương) khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, sử dụng đèn và còi ưu tiên không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

* Cùng ngày, Đội CSGT – Trật tự còn tổ chức kiểm tra hàng loạt xe cứu thương đang dừng, đỗ trên địa bàn. Đến chiều cùng ngày, chưa ghi nhận vi phạm liên quan việc quản lý, sử dụng đèn tín hiệu, còi hụ.

CSGT kiểm tra một số xe cấp cứu trên địa bàn

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 đã khái quát sơ lược về mạng lưới cấp cứu đang hoạt động chính thức trên địa bàn TPHCM. Theo đó, đơn vị hiện được Sở Y tế TPHCM giao quản lý hệ thống cấp cứu ngoại viện, bao gồm Trung tâm Cấp cưu 115 và 39 trạm vệ tinh rải rác ở 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Cũng theo ông Long, hệ thống cấp cứu TPHCM không có giới hạn bởi mạng lưới (bao gồm Trung tâm Cấp cứu 115 và 39 trạm vệ tinh) mà còn những đơn vị khác tham gia.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115

Cụ thể, TP hiện có 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển người bệnh cấp cứu trong nước được Sở Y tế TP cấp phép. Trong đó, một số doanh nghiệp tư nhân thực hiện tốt công tác cấp cứu và vận chuyển. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, các đơn vị này phối hợp với trung tâm thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn lực của các đơn vị tư nhân còn hạn chế về mặt nhân lực, phương tiện nên Sở Y tế đánh giá, đa số các doanh nghiệp hoạt động vận chuyển cấp cứu người bệnh tư nhân chỉ đủ năng lực vận chuyển người bệnh thông thường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang