(CATP) Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất giải pháp nâng cao an toàn giao thông (ATGT), năng lực khai thác Dự án (DA) thành phần đầu tư đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Theo báo cáo của Cục ĐBVN, phần đường các đoạn tuyến thông thường (giai đoạn phân kỳ) DA thành phần đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn được bố trí 2 làn xe với mặt cắt ngang có bề rộng nền đường 12m. Trong đó, mặt đường xe chạy 7m (mỗi chiều đường 1 làn xe, giữa 2 chiều sơn tim); bề rộng lề gia cố 2 bên là 4m (kết cấu mặt đường như của làn xe cơ giới), lề đất mỗi bên rộng 1m.
Riêng các đoạn vượt xe (thiết kế quy mô theo giai đoạn hoàn chỉnh) bố trí 4 làn xe với mặt cắt ngang có nền đường rộng 23,25m, trong đó mặt đường xe chạy 14m, dải phân cách giữa 0,75m, dải an toàn giữa 1,5m (2x0,75m), dải dừng xe khẩn cấp 5m (2x2,5m), lề đất rộng 2m (2x1m).
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, chiều 20/02 Cục trưởng Cục ĐBVN đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp bảo đảm ATGT tuyến Cam Lộ - La Sơn và tuyến cao tốc 2 làn xe khác. Trên cơ sở các ý kiến tham gia tại cuộc họp, Cục ĐBVN đề xuất một số giải pháp xử lý nhằm nâng cao ATGT của tuyến Cam Lộ - La Sơn. Theo đó, do phân kỳ đầu tư, trên đoạn thông thường của cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mỗi chiều chỉ có 1 làn xe chạy, rộng 3,5m và lề gia cố rộng 2m, phân cách giữa làn xe chạy với lề gia cố bằng vạch sơn nét liền (3.1a), nên ảnh hưởng đến lưu thông của dòng phương tiện.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Vì vậy, để nâng cao ATGT, tăng khả năng lưu thông của dòng phương tiện tham gia giao thông, Cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh vạch sơn phân làn giữa dải lề gia cố với làn đường xe chạy từ vạch sơn nét liền (3.1a) thành vạch sơn nét đứt (3.1b). Để sớm triển khai, Cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận và chỉ đạo Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh triển khai thực hiện xong trước ngày 15/3.
Sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 18/02 làm 3 người tử vong, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tuyến cao tốc này bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và nâng cao an toàn trên tuyến.
Tại cuộc họp triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục hậu quả vụ TNGT trên vào ngày 20/02, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh việc đưa các tuyến cao tốc vào vận hành, khai thác thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt giúp kéo giảm sâu TNGT. Theo số liệu của Bộ Công an, tai nạn xảy ra trên các tuyến cao tốc trong năm 2023 chiếm 1,16% số vụ và đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chỉ chiếm khoảng 0,35% tổng số vụ. "Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2020, do nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông có hạn nên một số DA phải phân kỳ đầu tư, trong đó có một số đoạn 2 làn xe. Chính vì vậy, phương án tổ chức giao thông hiện nay cũng đã được xây dựng triển khai để phù hợp với quy mô giai đoạn phân kỳ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận và yêu cầu trước mắt, các đơn vị cần bảo đảm vừa khai thác tốt vừa hạn chế tai nạn cho đến lúc tuyến đường được mở rộng theo quy hoạch; trong đó tổ chức giao thông tuyến đường khoa học, bảo đảm an toàn là vấn đề quan trọng nhất.
Người đứng đầu ngành GTVT giao Cục ĐBVN chủ trì cùng Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đường; khắc phục ngay những bất cập để bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các đơn vị triển khai nhanh nhất có thể công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn triển khai thực hiện.