Cao tốc Cam Lộ - La Sơn: 5 lần phải gia hạn tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm

Thứ Hai, 04/09/2023 16:34  | Thanh Hòa

|

(CAO) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.

5 lần phải gia hạn tiến độ

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cung cấp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020), để đáp ứng tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để triển khai, trong đó có vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua chỉ đạo các ban, ngành chức năng của địa phương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án, tư vấn để thống nhất vị trí mỏ vật liệu đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng; ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án.

Trong quá trình triển khai dự án, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị để chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp vật liệu (nhất là vật liệu đất đắp nền đường) nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp đầy đủ vật liệu theo tiến độ thi công độ dự án.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, UBND các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương và phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai, thực hiện việc tháo gỡ các khó khăn về nguồn vật liệu sử dụng cho dự án, dự án đã được thông xe vào ngày 31/12/2022.

Tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn dài 98,3 km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (37,7 km), Thừa Thiên Huế (61 km), có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các gói thầu xây lắp đều bị chậm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã 5 lần gia hạn tiến độ thực hiện, trong đó các gói thầu XL02, XL05, XL06, XL11 bị chậm tiến độ có liên quan đến việc thiếu vật liệu đất đắp nền đường và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật phải bổ sung nguồn vật liệu đất đắp nền đường; các gói còn lại phần lớn được sử dụng đất đắp điều phối nội bộ từ nền đào.

Xử lý nghiêm vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót

Ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế trong các năm mưa nhiều, kéo dài ảnh hưởng đến công tác thi công các gói thầu; đặc biệt năm 2020 có bão lũ lịch sử gây ngập lụt bất thường kéo dài 4 tháng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Theo đó, dù đã quy hoạch số lượng mỏ cung cấp cho dự án nhưng đến khi khởi công dự án, các địa phương mới tiến hành cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác nên mất nhiều thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, trong khi thủ tục cấp giấy phép phải qua 15 bước, thời gian thực hiện lên đến 405 ngày.

Ngoài ra, còn có bất cập, vướng mắc giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất; giá nhiên vật liệu tăng (thép xây dựng tăng khoảng 18-22%, xăng dầu tăng khoảng 55% so với năm 2019 - năm phê duyệt dự toán); giá vật liệu (đất đắp) thực tế cao hơn so với giá công bố của tỉnh; nhà thầu thi công cầm chừng...

Đối với Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn), Thanh tra Chính phủ cho rằng, công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác.

Một số mỏ có trong thiết kế, nhưng khi thi công không lấy được phải đi tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới. Một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp, hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế, làm tăng chi phí vận chuyển do điểm mỏ cung cấp vật liệu xa hơn, ảnh hưởng thời gian thi công của một số gói thầu, chậm tiến độ của dự án, dẫn đến thiếu nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền đường khi thực hiện dự án.

Tuyến cao tốc này đã 5 lần phải gia hạn tiến độ

Đối với Quảng Trị, các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thực hiện triệt để các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng, của Chính phủ về ưu tiên trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn khi chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ ngành theo quy định; ban hành nhiều quyết định liên quan không đúng tiêu chí, quy định pháp luật.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp cũng không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; khai thác vượt công suất; một số mỏ đã hết thời hạn theo giấy phép, nhưng chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường...

Tỉnh Quảng Trị cũng chưa thực hiện triệt để việc ưu tiên cung cấp vật liệu cho dự án và việc nâng công suất khai thác theo quy định, dẫn đến một số gói thầu của dự án không mua được đá làm bê tông nhựa và phải mua tại các tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Nam làm tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian thi công...

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm thuộc Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thị xã có liên quan; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phụ trách; các chủ mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản.

Đối với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh tra Chính phủ đánh giá, việc triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng còn hạn chế, dẫn đến chậm cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ theo nhu cầu, tiến độ của dự án; phê duyệt bổ sung quy hoạch thời gian kéo dài; việc ưu tiên trong cấp phép khai thác vật liệu cho nhà thầu thi công dự án chưa được chú trọng, ảnh hưởng tiến độ cung cấp cho dự án; việc cấp phép khai thác và nâng công suất một số mỏ đất chưa được kịp thời, dẫn đến một số mỏ khi được cấp phép thì thời điểm thi công đắp nền đường đã kết thúc…

Với những vi phạm, tồn tại trên, ngày 18/8/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang