Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:

Trung tướng Phạm Kiệt - Nhà quân sự tài ba, đức độ

Thứ Sáu, 01/09/2023 17:31

|

(CATP) Trung tướng Phạm Kiệt (Phạm Quang Khanh, SN 1912) là Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) từ năm 1960 đến đầu năm 1975. Ông từng phất cờ làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945, trước đó đã ngồi tù gần 13 năm, suýt bị thực dân Pháp đưa ra xử bắn, rồi lại trở thành một trong những thủ lĩnh của một cuộc nổi dậy.

Những dòng hồi ký

Đầu năm 1945, tại Căng An trí huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (một hình thức giam lỏng tù nhân chính trị của thực dân Pháp), Phạm Kiệt ngồi với 2 đồng chí của mình và làm công việc bổ cau, nhưng thực chất là một buổi sinh hoạt. Sau khi nói về Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", nhóm 3 người quyết định thay đổi tên họ. Phạm Kiệt được anh em thống nhất đổi tên theo kiểu chơi chữ là Tê Đơ. Tê là nói trại từ "tù”, còn Đơ là thứ 3, theo vần tiếng Pháp là "on, đơ, tờ roa...". Đó là lý do Trung tướng Phạm Kiệt có một bí danh hơi giống tiếng nước ngoài.

Trở thành tù nhân chính trị, người thanh niên Phạm Kiệt có khá nhiều "vết tích" trong hồ sơ của mật thám Pháp. Đó là vào đêm 30/10/1930, những lá cờ đỏ búa liềm đột ngột xuất hiện trên ngọn cây trâm cạnh núi Tròn, rồi trên các bụi tre, truyền đơn bay lả tả, cùng với tin tức lan truyền "hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân Tổng Châu, Đức Phổ và Xô Viết Nghệ Tĩnh".

Mật thám Pháp dò la và bắt 3 anh em ruột là Phạm Ngọc Trân, Phạm Kiệt, Phạm Thị Trinh. Ngoài bị nghi là thủ phạm treo cờ đỏ búa liềm, có 1 vụ việc khác khiến cả 3 anh em bị mật thám theo sát, đó là trong làng có người tên Sơ, giữ chức hương kiểm, luôn có những hành động áp bức nông dân khiến mọi người đều oán thán. Phạm Kiệt đã bàn với một số cán bộ đảng viên trong chi bộ ra đòn cảnh cáo tên Sơ bằng cách phi dao nhọn vào giữa cửa. Nhưng rồi tên quan lại này không thay đổi mà còn điên cuồng áp bức, đánh đập người dân, vậy là hắn đã phải "biến mất" giữa lời đồn thổi bị Việt minh tử hình. Sau này mật thám Pháp điều tra, bắt giam người mang tên Phạm Quang Khanh (chính là Phạm Kiệt).

Trung tướng Phạm Kiệt đứng phía sau Bác Hồ (ảnh tư liệu)

Trong lý lịch cá nhân Trung tướng Phạm Kiệt được lưu tại nhà lưu niệm có ghi: "Bị bắt giam từ tháng 6 năm 1931, ban đầu ở nhà tù Quảng Ngãi, tháng 5 năm 1932 bị đày đi nhà tù Ban Mê Thuột và cuối năm 1943 bị đưa về an trí tại huyện miền núi Ba Tơ” (gần 13 năm ngồi tù).

Khắc thơ vào cột xà lim

Ông Phạm Hoàng - cháu ruột của Trung tướng Phạm Kiệt - cho biết, nghe cha mình kể lại rằng thực dân Pháp bắt Phạm Kiệt và tuyên bố giam giữ một thời gian rồi sẽ mang ra xử bắn. Nhưng đến năm 1936, Mặt trận Bình dân ở Pháp - liên minh chính trị các lực lượng cánh tả của nước này - lên nắm quyền, các bộ trưởng thuộc phe xã hội chủ nghĩa cấp tiến do ông Léon Blum làm Thủ tướng, vì vậy các tù nhân chính trị ở Đông Dương đều được giảm án, từ tử hình xuống chung thân, sau đó giảm dần.

Trong những ngày tù lao khổ ở Buôn Mê Thuột, người thanh niên Phạm Kiệt đã dùng thanh sắt để viết bài thơ có tựa đề "Nhắn lũ giặc Tây". Bài thơ này được các nhân chứng kể lại là khắc trên cột gỗ xà lim. Người em gái của ông là Phạm Thị Trinh cũng bị lãnh án 9 năm tù. Trong cuốn nhật ký "Những chặng đường của người Mẹ”, bà đã nhắc lại chuyện những ngày trong tù gian khổ, nhưng người phụ nữ ấy vẫn tiếp tục đấu tranh và có cơ hội là tấn công bọn lính vì áp bức tù nhân. "Riêng anh Kiệt đổ cả hũ mắm thối lên đầu tên lính mà không hề sợ hãi", bà viết.

Ông Phạm Hoàng kể lại những hồi ức về Trung tướng Phạm Kiệt

Khi cả ba anh em ngồi tù, bọn lính đã kéo tới nhà bà Võ Thị Vàng thông báo tịch thu toàn bộ trâu, bò, heo, gà, nhà, đất... vì có 3 người con theo Việt minh. Cái tủ thờ gắn liền với cột nhà nên bọn lính không thể khiêng đi được, bà Vàng giành giật, giữ lại được cái bếp nhỏ để làm nơi tá túc hàng ngày.

Thời gian 3 anh em ngồi tù, người nổi tiếng nhất lại là em gái của Phạm Kiệt. Tháng 7/1932, rất nhiều tờ báo trong và ngoài nước thuật lại chuyện đoàn đại biểu của Bộ Thuộc địa Pháp sang kiểm tra tình hình ở Đông Dương, được gặp Toàn quyền Pháp là Pasquier, bà Phạm Thị Trinh đã trả lời đanh thép những câu hỏi của vị này, khiến nhiều người khâm phục.

Quán cơm nhà Phạm Kiệt

Ngày 11/3/1945, sau gần 13 năm sống cảnh giam cầm, đồng chí Phạm Kiệt với vai trò Đội trưởng Du kích Ba Tơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phất cờ nổi dậy từ chính nơi bị giam cầm, đoạt đồn địch, kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Khởi nghĩa Ba Tơ thời đó đã gây tiếng vang lớn, vì là nơi nổ ra đầu tiên trong cả nước lại bắt nguồn từ một tỉnh miền Trung. Văn kiện của Đảng đã khẳng định cuộc khởi nghĩa này là một cuộc tập dượt giải phóng dân tộc, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Thời điểm Luật 10/59 do tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành đã lê máy chém đi khắp miền Nam để tiêu diệt những người theo Cộng sản. Thời điểm đó, 3 anh em Phạm Kiệt đã tập kết ra miền Bắc, nhưng những người thân ở lại gặp nhiều khó khăn vì bị chính quyền ghi vào "sổ đen". Ông Phạm Hàm Anh - người anh của Phạm Kiệt, sống trong tình trạng bị bao vây nhiều phía. Ông Địch, một cán bộ Việt minh - đã đến động viên gia đình chuyển xuống đầu cầu Trà Khúc sinh sống bằng nghề mở quán cơm đồng thời khéo léo rỉ tai với người dân, giới chạy xe khách rằng "đây là quán cơm của gia đình Phạm Kiệt".

Khu vực này lúc đó có hơn 10 quán cơm, tuy nhiên khi tin tức về quán cơm gia đình Phạm Kiệt được chia sẻ, nhiều người đã đến ăn để ủng hộ Cách mạng. Trong lúc dùng bữa, nhiều người nhắc đến Phạm Kiệt, tự hào vì đã vào quán cơm gia đình của một người anh hùng.

Năm 2012, Trung tướng Phạm Kiệt được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Pháp. Năm 1950, lần đầu tiên ra Việt Bắc gặp Bác Hồ, đồng chí Phạm Kiệt đã được Bác gọi đúng bí danh "Tê Đơ”, sau đó tặng cho khẩu súng carbin số hiệu 585440. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Kiệt đã thẳng thắn đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp đổi chiến thuật "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", góp phần vào đại thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét "chỉ có Phạm Kiệt mới thẳng thắn như vậy".

Bình luận (0)

Lên đầu trang