(CATP) Mặc dù đã có nhiều tai nạn thương tâm từ những bến đò ngang trên địa bàn TPHCM, thế nhưng nhiều người vẫn phớt lờ với an toàn. Mùa mưa bão đang đến gần, việc nâng cao ý thức cảnh báo về tai nạn đường thủy là điều cấp thiết.
Hành khách phớt lờ
Bến phà An Phú Đông qua sông Bến Cát nối mạch giao thông giữa phường 4 (quận Gò Vấp) và phường An Phú Đông (quận 12) là một trong những bến đò “lão làng” của TPHCM còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhu cầu người qua lại rất đông nên đò hoạt động liên tục.
Trưa 7-7-2015, dù nắng nóng nhưng bến đò An Phú Đông vẫn rất đông người qua lại. Đứng trên bến phía phường 4, chúng tôi không tìm thấy biển hướng dẫn an toàn cho hành khách. Đò có sức chứa 90 khách/36 tấn. Trên đò có rất nhiều áo phao, dụng cụ nổi treo lủng lẳng nhưng cáu bẩn và cũ kỹ.
Khách đi đò An Phú Đông
Khi hành khách đã yên vị trên phà, có ba người phụ nữ phát áo phao “kiêm” bán vé số cho khách. Tuy nhiên, thay vì phát đều cho mọi người thì họ chỉ treo vài chiếc áo phao lên xe của khách rồi bận... đi bán vé số. Có lẽ quá am tường về hành động trên nên chẳng khách nào tỏ ra lo lắng an toàn tính mạng khi qua sông hay có dấu hiệu thắc mắc về cách phát áo phao “nửa vời” kia.
Một trong những bến đò thâm niên nhất tại TPHCM là bến đò Bình Mỹ (nối liền huyện Củ Chi, TPHCM với TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Chúng tôi đi trên chuyến số hiệu 20 BD-0286, trên đò treo nhiều áo phao, dụng cụ nổi dọc hai bên thành đò.
Dù có biển cảnh báo: “Khi qua đò phải mặc áo phao”, thế nhưng không có hành khách nào mảy may quan tâm và thực hiện. Một số khách ngồi trên xe, một số khách dựng xe trên đò rồi bỏ đi, bước đến gần thành đò để hóng gió. Khi đò cập bến thì rồ máy xe chạy lên, áo phao vẫn nằm yên như vô hình trong mắt mọi người.
Nhân viên đò Bình Quới phát dụng cụ nổi tiện dụng cho hành khách
“Những ngày lễ, rằm người ta đi đò đông lắm, đi viếng bà mà. Còn ngày thường thì khách qua lại không đông nhưng đò chạy thường xuyên, dăm ba phút là có một chuyến cập bến. Đò này chạy lâu rồi, có tai nạn gì đâu mà cần mặc áo phao”, bà Hoa (60 tuổi, bán bánh dạo) gần bến đò phía TP.Thủ Dầu Một cho biết.
Không riêng gì hai bến đò trên, khi chạy dọc các bến đò khác trên địa bàn TP, chúng tôi cũng chứng kiến tình cảnh chung: Hầu hết hành khách phớt lờ với việc mặc áo phao khi đi trên các chuyến đò ngang sông vì... bất tiện.
Nguy cơ mùa mưa bão
“Thực ra, mỗi chuyến đò đi ngang chỉ mất chừng vài ba phút. Mặc áo phao rất mất công, vì chưa mặc xong, đò đã cập bến lại phải cởi ra. Thêm vào đó, xe xuống đò phải đậu san sát vào nhau thì việc mặc áo phao cũng khó khăn. Nên việc không ai chịu mặc áo phao cũng là điều dễ hiểu”, ông Lý (50 tuổi, xe ôm khu vực bến phà An Phú Đông) phân trần.
Ba người phụ nữ phát áo phao “nửa vời” kiêm bán vé số trên đò An Phú Đông
Thực tế, việc hành khách e ngại việc mặc áo phao là có cơ sở. Vì thời gian lưu thông trên đò thường rất ngắn đã gây nhiều bất tiện nếu phải mặc áo phao. Tuy nhiên, không vì thế mà hành khách có thể ngó lơ an toàn tính mạng trên các chuyến đò ngang mà chúng tôi đã phản ánh.
Theo tìm hiểu, ngoài áo phao, nhà đò có thể phát dụng cụ nổi cho hành khách khi tham gia giao thông đường thủy. Điển hình, khi hành khách xuống bến đò Bình Quới (nối Bình Thạnh với Thủ Đức) đều được nhân viên bến phát cho dụng cụ nổi cầm trên tay. Dụng cụ này nhỏ gọn, dễ phát, dễ thu hồi nên rất tiện dụng khi đi trên những chuyến đò ít tốn thời gian.
Anh Nguyễn Lâm (36 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi thấy việc phát dụng vụ nổi rất hợp lý. Khi xuống đò, chỉ cần chạy vòng ra phía sau được nhận dụng cụ nổi rồi chạy lên trước sắp hàng ngay ngắn. Khi lên thì mình trả lại dụng cụ nổi cho nhân viên, vừa gọn vừa tiện lợi và mình cũng an tâm hơn”.
Đò An Phú Đông đang chạy nhưng nhiều hành khách không có áo phao hoặc dụng cụ nổi
Hiện tại, cả nước bắt đầu bước vào mùa mưa bão, nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng giông lốc gây thiệt hại không nhỏ tài sản có giá trị của người dân. Khi thời tiết bất thường thì việc lưu thông trên các chuyến đò là rất nguy hiểm, mọi tình huống xấu nhất đều có thể xảy ra. Việc bảo vệ tính mạng, tài sản không chỉ của riêng các nhà đò mà rất cần ý thức hành khách tuân thủ quy định khi tham gia giao thông đường thủy.
Nhằm tăng cường các giải pháp kiểm tra an toàn giao thông đường thủy, Phó chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín vừa ký Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND, có hiệu lực từ ngày 18-6-2015 quy định: Tất cả các bến đò, bến khách ngang sông trên địa bàn TPHCM phải thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động và cấp lại giấy phép hoạt động theo hướng dẫn của Sở Giao thông - Vận tải.
Theo đó, UBNDTP cũng giao cho UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của các bến đò đưa khách ngang sông trên địa bàn. Những bến đò vi phạm: không đảm bảo điều kiện an toàn, phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, không niêm yết giá vé qua đò... sẽ bị xử lý nghiêm.
Tàu bè đang lưu thông trên sông phải tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn giao thông đường thủy, khi phát hiện mây giông cần tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.