Công an TPHCM phạt nhiều bến thủy nội địa vi phạm hơn 676 triệu đồng

Thứ Tư, 27/07/2022 09:55

|

(CAO) Nhiều bến thủy nội địa hoạt động không phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy tại TPHCM, đã bị cơ quan công an xử phạt với tổng số tiền hơn 676 triệu đồng.

Theo Công an TPHCM, trên địa bàn TP hiện có 111 tuyến sông có chức năng giao thông thủy với tổng chiều dài khoảng 936,8 km, nằm trên khắp các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trong đó có 100 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 716,7 km, 11 tuyến hàng hải với tổng chiều dài 220,1 km.

Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn có các vùng nước cảng biển trải dài trên các tuyến sông như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Ngã Bảy, sông Dừa, Tắc Dinh Cậu, Soài Rạp, Đồng Tranh, Gò Gia và một phần vịnh Gành Rái.

Nhiều bến thủy nội địa dùng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng không phép

Để đáp ứng yêu cầu xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhu cầu vui chơi giải trí trên sông, TP có 14 cảng sông, 222 bến thủy nội địa, 27 bến khách ngang sông và hàng ngàn bến bãi, kho tàng khác.

Qua rà soát, Công an TPHCM phát hiện có 34 bến thủy nội địa không phép. Trong đó có 5 bến vận chuyển hành khách; 26 bến vật liệu xây dựng, hàng hóa và 3 bến neo đậu, sửa chữa phương tiện.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát 245 lượt tại các bến thủy nội địa không phép. Các đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM đã phát hiện và lập biên bản hành chính đối với 28 trường hợp bến thủy nội địa hoạt động không phép và 19 phương tiện đưa vào xếp, dỡ hàng hóa tại bến thủy nội địa không phép, ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 676,5 triệu đồng.

Đáng chú ý, Công an TPHCM cho biết một số cơ sở kinh doanh có sử dụng bến thủy nội địa tuy đã có quyết định đình chỉ, xóa tên của Sở GTVT và Công an TP đã kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng các cơ sở này vẫn còn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do các cơ quan có thẩm quyền cấp, có đóng thuế theo quy định nên vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Do đó, việc xử lý dứt điểm còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng. Đồng thời, một số bến thủy nội địa mặc dù đã có quyết định đình chỉ và xóa tên trong danh sách bến thủy nội địa của Sở GTVT nhưng các chủ bến vẫn đưa bến vào hoạt động, không thực hiện việc tháo dỡ các hệ thống báo hiệu theo quy định. Vì vậy các thuyền trưởng vẫn tiếp tục đưa phương tiện vào để xếp, dỡ hàng hóa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang