Rơ-moóc "ma" gây kinh hãi cho người đi đường

Thứ Hai, 25/07/2022 11:15  | Nam Anh

|

(CATP) Thời gian gần đây giới tài xế xe đầu kéo kháo nhau về các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải chuyên đi thu gom rơ-moóc quá đát rồi về phục chế tái sử dụng. Nổi tiếng nhất trong giới kinh doanh vận tải phải kể đến doanh nghiệp L.C.B, có trụ sở trên đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM. Điều lạ lùng là DN này có hơn 30 chiếc xe đầu kéo nhưng đang sở hữu hơn 80 chiếc rơ-moóc đủ loại.

Dùng rơ-moóc "ma" để hạ giá thành

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có rất nhiều DN kinh doanh vận tải đang sử dụng nhiều rơ-moóc "ma" nhưng vẫn được sử dụng lưu thông trên đường. Các DN sử dụng nhiều rơ-moóc "ma" phải kể đến như L.C.H, L.T.T, M.P, QH, T.T... đang sở hữu hàng trăm chiếc đầu kéo nhưng điều kỳ lạ là những chiếc rơ-moóc lại được tính theo cấp số nhân. Anh Nguyễn Văn Bình, có hơn 30 năm lái container tiết lộ, hầu hết những chiếc rơ-moóc trước khi hết niên hạn sử dụng đều có giá siêu rẻ chỉ từ 60 - 80 triệu đồng/chiếc.

Trong khi đó, một chiếc rơ-moóc mới, đúng an toàn kỹ thuật trên thị trường đều có giá từ 500 - 600 triệu đồng/chiếc. Để tái sử dụng những chiếc rơ-moóc cũ khi hết niên hạn sử dụng, nhiều chủ DN trên địa bàn TPHCM đã bỏ qua khâu đăng kiểm nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Ma mãnh hơn, nhiều chủ DN còn đi khắp nơi sưu tầm những chiếc rơ-moóc hết đát đưa về sử dụng.

Đặc điểm dễ nhận biết của những chiếc rơ-moóc hết đát được tái sử dụng đó là những chiếc rơ-moóc này đậu ở các bến bãi, hải cảng và các kho hàng, trên các tuyến đường... nhưng được tháo rời biển số. Đến khi đưa chúng vào hoạt động chủ nhân của nó lại gắn lên mình nó một chiếc biển số "lạ hoắc" để chúng được phép lưu thông trên đường.

Để sử dụng biển số linh hoạt, các doanh nghiệp thường sử dụng băng keo hai mặt để tháo lắp những chiếc biển số "giả” cho tiện sử dụng. Một vấn đề khác là chiếc rơ-moóc hết đát thường rất cũ kỹ, thậm chí còn bị méo mó. Lý giải cho điều này, anh Nguyễn Văn Bình cho rằng, do DN ít vốn nhưng lại muốn có lợi nhuận cao nên họ thường sử dụng rơ-moóc cũ để đưa chúng vào hoạt động.

Rơ-moóc "ma" không có biển số

Trong những lần đi thực tế tại các bãi xe nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức; Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua địa bàn quận 12, Bình Tân; đường số 13 (dẫn vào kho bãi của Cảng Sài Gòn), nằm trên phường Tân Thuận Tây hay các kho bãi nằm ở khu vực Sóng Thần chúng tôi ghi nhận, có rất nhiều rơ-moóc được chủ xe cho chúng tấp ngay ở lề đường. Có những chiếc còn đầu kéo, có chiếc chỉ còn những chiếc rơ-moóc trơ trọi không có biển số đậu ngổn ngang ngay dưới lề đường. Giải thích cho điều kỳ lạ này anh Nguyễn Văn Ngọc, ngụ quận 7 cho rằng, việc tài xế xe kéo đến đậu trên đường 13, phường Tân Thuận Tây rồi tháo biển số đã xưa như diễm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tăng lợi nhuận các DN kinh doanh vận tải đều sử dụng những chiếc đầu kéo hoạt động hết công suất. Để kéo được một container hàng hóa từ các khu công nghiệp ra cảng hoặc ngược lại, trong lúc chờ đợi DN xếp dỡ hàng hóa các DN muốn tăng chuyến không còn cách nào khác là họ điều động những chiếc đầu kéo này quay đầu liên tục đến một địa điểm khác để kéo một công hàng khác. Do biển số chỉ có một nên các DN kinh doanh vận tải phải tháo bỏ biển số để tái sử dụng cho những chiếc rơ-moóc khác.

Tại bãi xe của Cty TNHH vận tải L.C.H, nổi tiếng sử dụng rơ-moóc quá đát nằm trên địa bàn phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, anh Trần Văn Nam, một lái xe đã nghỉ việc cho biết, Cty TNHH L.C.H có hơn 30 chiếc đầu kéo nhưng có đến gần 80 chiếc rơ-moóc, trong đó có nhiều chiếc đã rơi vào tình trạng quá đát. Mỗi lần nhận xe, người điều phối thường giao cho chúng tôi 2 - 3 chiếc biển số khác nhau để sử dụng. Tại DN vận tải L.C.H cũng có luật bất thành văn đối với những chiếc rơ-moóc quá đát thường được sử dụng vào những tuyến đường ngắn để chuyên chở những chiếc container từ các khu công nghiệp ra cảng hoặc ngược lại.

Phù phép xe siêu trường siêu trọng

Không những rơ-moóc quá đát hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn được lưu thông trên đường, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn tự chế để "phù phép" cho những chiếc rơ-moóc chở hàng siêu trường, siêu trọng trên đường. Theo chỉ dẫn của cánh tài xế, chúng tôi tìm đến các cơ sở kinh doanh vận tải nằm trên đường Quốc lộ 1, phường Long Bình, TP.Thủ Đức, TPHCM cũng như tổng kho Sóng Thần, nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tại đây cũng có cả chục chiếc rơ-moóc tự thiết kế nhằm phục vụ cho những chuyến hàng siêu trường, siêu trọng.

Để chở những lô hàng quá khổ, quá tải nặng hàng trăm tấn ở những bãi xe dọc trên đường Quốc lộ 1A cũng có hàng chục chiếc. Những chiếc này được phân ra làm ba loại siêu trường, siêu trọng như: Loại 1 có rơ-moóc rời, được thiết kế có độ dài thêm từ 3 - 7 mét và có thể tự tháo dời linh loạt. Theo cánh lái xe, loại này được sử dụng rất nhiều trong các DN kinh doanh vận tải. Một loại khác là được đóng theo hình hộp bao diêm, moóc có thể rút ra và kéo vào thêm được 2 - 3 mét. Khi có hàng "khủng" thì cánh tài xế tự kéo ra, khi không cần thiết thì họ lại đẩy vào.

Một loại khác nữa là rơ-moóc dài được hoán cải vượt khung thiết kế nhưng được đóng gắn liền và có thể kéo dài thêm 7 - 8 mét. Theo cánh lái xe, những chiếc rơ-moóc này có thể trở được trọng tải lô hàng đến 100 - 200 tấn. Trong khi đó, một chiếc moóc thông thường chỉ có độ dài 12,4 m, ngang 2,5 mét, có sức chở cho phép chỉ tối đa 30 tấn.

Trong khi đó, những chiếc rơ-moóc siêu trường, siêu trọng tự thiết kế được thiết kế lớn hơn, dài hơn và có thể chở được khối lượng hàng hóa vượt từ 3 đến 5 lần cho phép. Tuy nhiên, trên giấy tờ thì những chiếc rơ-moóc này thực chất chỉ dài khoảng 14 m. Khi chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc về những chiếc moóc siêu trường, siêu trọng thì những người tài xế cho rằng, đây là moóc "lụi" thì làm gì có giấy kiểm định an toàn kỹ thuật.

Một chiếc rơ-moóc cũ nát không gắn biển số

Nói về những chiếc xe đầu kéo, rơ-moóc quá đát, ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Quân cho rằng, những chiếc rơ-moóc "ma" đang được sử dụng có giá thành rẻ lại không phải đi kiểm định, không mất phí bảo trì đường bộ... nên họ làm mưa làm gió trong làng vận tải. Do được giảm được giá thành đầu tư cũng như không mất phí kiểm định nên giá cước vận tải cũng giảm như bèo. Trong khi đó, nhiều DN làm ăn chân chính, đầu tư cao không thể cạnh tranh nổi. Cũng theo ông Quân, những DN "mồ côi" có 2 - 3 chiếc thì khó có thể tồn tại.

Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt ở cảng Long Bình, nơi đây cũng có hàng chục chiếc rơ-moóc 20 feet, 40 feet, thậm chí có những chiếc rơ-moóc siêu trường, siêu trọng không biển kiểm soát đang neo đậu trong cảng. Theo quan sát của chúng tôi, trong cảng có cả chục chiếc rơ-moóc tương tự đang chờ đợi DN tới nhận. Trong khi đó tại khu vực cầu cảng cũng có rất nhiều rơ-moóc không biển số đậu la liệt chờ đợi việc lên xuống hàng.

Để tiện việc quan sát về quy trinh hoạt động của những chiếc rơ-moóc không gắn biển số đang chờ đợi bốc hàng trong cảng, chúng tôi đến khu vực làm thủ tục Hải quan, thì có một người đàn ông tên Nhật dò hỏi, anh có xe chưa, nếu chưa có để bọn em chở rẻ cho. Chúng tôi nói, đang có lô hàng sắt thép muốn vận chuyển về quận 12. Nghe vậy, Nhật cho biết, đoàn xe của anh chuyên chở hàng ở các cảng trên địa bàn TP.Thủ Đức, quận 7, Nhà Bè đi các khu công nghiệp ở TPHCM và các tỉnh lân cận.

Theo Nhật, anh là người chuyên điều phối xe và trong đoàn xe anh cũng có rất nhiều rơ-moóc "ma" nên giá thành vận chuyển cũng rất linh động. Trong quá trình điều tra, chúng tôi được biết, đoàn xe của Nhật có rất nhiều xe hạng nặng và hoạt động rất rầm rộ ở khu vực TP.Thủ Đức, quận 7, Nhà Bè nên cánh kinh doanh vận tải ở khu vực này rất kiêng nể.

Sống gần 40 năm trên đường Đồng Văn Cống, TP.Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Năm cho biết, trên địa bàn có nhiều cảng như: Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình... mỗi ngày bà chứng kiến hàng ngàn chiếc container ra vào cảng lấy hàng. Những chiếc rơ-moóc siêu trường, siêu trọng nườm nượp suốt ngày đêm nối đuôi nhau ra vào cảng bà chứng kiến như cơm bữa.

Theo bà Năm, những chiếc rơ-moóc quá đát hay những loại siêu trường, siêu trọng khi có cơ quan chức năng đi kiểm tra thì cũng chẳng ai chui xuống gầm xe để kiểm tra số khung, số sườn có đúng với số đã đăng ký hay không nên họ vẫn ngang nhiên hoạt động. Thậm chí có những chiếc xe không gắn logo cũng không có cơ quan chức năng nào tới kiểm tra, xử lý.

Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ ngày 01-01-2017 quy định: người điều khiển xe ôtô (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo theo) đã quá niên hạn sử dụng sẽ bị phạt từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng và bị tịch thu phương tiện, thu hồi biển số. Đối với xe vượt quá tải trọng cho phép trên 50% đến 100%, phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng. Đối với hành vi điều khiển xe có tổng trọng lượng vượt quá tải trọng cho phép từ trên 100% đến 150%, phạt tiền từ 14 - 16 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng quá khổ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang