Đà Lạt có cần đèn xanh đèn đỏ?

Thứ Hai, 29/04/2019 15:05

|

(CATP) Dịp lễ 30-4 và 1-5 này, các khách sạn, nhà nghỉ tại thành phố du lịch Đà Lạt đã báo full phòng (đầy phòng), khách đặt trễ muốn kiếm phòng ở rất khó khăn. Những ngày qua khách du lịch đổ về thành phố này rất đông dẫn đến kẹt xe kéo dài ở các tuyến đường trung tâm. Mỗi lần như thế, câu chuyện về chiếc “đèn xanh đèn đỏ” ở thành phố ngàn hoa lại được dấy lên.

Đà Lạt có lẽ là thành phố duy nhất của cả nước chưa lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh đèn đỏ) trên đường phố. Đây là một nét đặc trưng của thành phố du lịch nổi tiếng này.

Tuy nhiên, khoảng 2-3 năm trở lại đây rộ lên những ý kiến, cho rằng đã đến lúc TP. Đà Lạt cần lắp đặt đèn xanh đèn đỏ bởi liên tục tắc đường tại các ngã ba, ngã tư – vào mùa du lịch cao điểm. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm: Không muốn Đà Lạt lắp đặt đèn giao thông!

Đem điều này làm cuộc khảo sát, chúng tôi nhận được nhiều thông tin, ý kiến phản hồi khá thú vị! Báo Công an TP.HCM đăng tải để rộng đường dư luận.

 Đà Lạt  - thành phố nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, trong lành thu hút khách du lịch

Đà Lạt kẹt xe, tắc đường không còn là chuyện lạ

Theo thống kê của các ngành chức năng, đến năm 2019, TP. Đà Lạt có gần 300.000 dân. Vào các ngày, mùa cao điểm du lịch, thành phố nổi tiếng này đón cả trăm ngàn lượt khách, đạt từ 4,5 triệu đến 6 triệu lượt khách/năm. Khoảng 3 năm trở lại đây, Đà Lạt không chỉ “hút” du khách vào các mùa hè, dịp lễ lớn như Noel, Tết Nguyên đán mà hầu hết những ngày nghỉ cuối tuần, các dịp lễ khác trong năm lượng khách đổ về Đà Lạt rất đông.

Người dân Đà Lạt và du khách không còn lạ gì với cảnh cứ đến những dịp này, hàng ngàn xe ô tô lớn, nhỏ nối đuôi đổ về thành phố khiến mật độ giao thông cao, đường sá trở nên chật chội, liên tục tắc đường. Mặc lời khen, chê, TP. Đà Lạt vẫn có sức hút đến lạ kỳ!.

Nhiều người dân Đà Lạt, du khách tâm sự: Họ thấy bức bối, mệt mỏi khi mùa du lịch phải “sống chung” với cảnh tắc đường, đi lại khó khăn tại các ngã ba, tư, trên các tuyến phố trung tâm, chợ Đà Lạt, các điểm du lịch (vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng Tình Yêu... ).

Sợ nhất là những đoàn xe khách lớn loại 50 chỗ chạy dọc, ngang nối đuôi nhau, choáng hết những cung đường. Trong khi đó, đường Đà Lạt thiết kế nhỏ, chỉ vừa đủ cho 2 làn xe ô tô cỡ nhỏ đi lại, không kể phần đường dành cho người đi bộ, xe máy.

Ngã tư Phan Chu Trinh giờ cao điểm tan tầm xe cộ đặc như nêm, CSGT vất vả điều hòa
Bùng binh chợ Đà Lạt khách du lịch đổ về xe cộ đông đúc dẫn đến kẹt cứng, giao thông lộn xộn
Khi vắng khách, tại các vòng xoay này tuần tự, phương tiện qua lại
Mùa du lịch, khách đổ về Đà Lạt rất đông, gây tắc nghẽn giao thông, lực lượng Công an tỉnh Lâm Đồng, CSGT Công an TP.Đà Lạt vất vả trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội. 

Những năm gần đây xuất hiện 2 luồng ý kiến: Đã đến lúc thành phố Đà Lạt cần lắp đặt hệ thống đèn xanh đèn đỏ để giao thông đi lại thuận tiện, đỡ vất vả cho người tham gia giao thông và lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Ý kiến khác cho rằng: Lắp đèn xanh đèn đỏ thì còn gì Đà Lạt!

Toàn thành phố có 1 ngã năm, 8 ngã tư và khoảng chục ngã ba. Trong đó, đặc biệt tại 3 nút giao thông: ngã tư Phan Chu Trinh, ngã ba Việt Anh, ngã tư dốc Bà Triệu - Trần Phú liên tục bị kẹt xe vào các ngày, giờ cao điểm, không chỉ vào “mùa” du lịch mà kể cả các ngày trong tuần, từ 11h15 (sau khoảng 20-40 phút) và 16h30 (sau khoảng 15-30 phút), do đây là giờ học sinh các trường học tan học và công chức tan sở làm.

Tại các ngã ba, ngã tư này có các vòng xoay (bùng binh), Đội CSGT Công an TP.Đà Lạt luôn bố trí từ 3 đến 5 cán bộ chiến sĩ cắm chốt vào những lúc cao điểm để điều tiết giao thông, hạn chế tối đa việc ùn tắc xe cộ. Bốn CSGT đứng ở 4 hướng đường, làm nhiệm vụ hướng dẫn người đi lại.

Ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa gió, các anh mặc áo mưa, vất vả làm nhiệm vụ giữa những làn xe xuôi - ngược. Nhiều khi, tại những ngã ba, tư, năm còn lại cũng tắc đường kéo dài hàng giờ, do đó, lãnh đạo, chỉ huy Phòng CSGT Công an tỉnh, Công an TP.Đà Lạt, chỉ đạo lực lượng các phường cũng ra đường làm trật tự giao thông những ngày, giờ cao điểm.

Nhiều tài xế xe khách than phiền: Chúng tôi chở đoàn đi du lịch, gặp những chỗ tắc đường, CSGT ra hiệu lệnh đi thẳng hoặc rẽ hướng với từng dòng xe, với người dân bản địa thuộc đường thì dễ, chứ chúng tôi sau đó phải mò mẫm, hỏi đường rất mất thời gian, vất vả. Có khi trước mặt là khách sạn mình ở hay điểm tập kết ăn, uống với đoàn, chỉ qua ngã tư là đến nơi rồi, nhưng bị kẹt xe tắc đường, CSGT yêu cầu rẽ hướng khác theo phân làn, chúng tôi buộc phải chấp hành, sau đó lòng vòng cả tiếng, “lội” ngược trở lại để đến điểm cần đến. Thật bất tiện!"

“Một thành phố không có đèn xanh đèn đỏ liệu có là một thành phố văn minh? Trên thực tế nhiều thành phố du lịch lớn trên thế giới vẫn sử dụng đèn xanh đèn đỏ. Thiết nghĩ, Đà Lạt hiện nay nên sử dụng hệ thống đèn xanh đèn đỏ để hạn chế sức người (lực lượng CSGT làm nhiệm vụ), tránh tình trạng kẹt xe, gây ức chế, mệt mỏi với du khách. Nên có đèn xanh đèn đỏ ở một số nút giao thông mật độ lưu thông cao. Có thể bật đèn tín hiệu cả ngày hoặc chỉ sáng đèn vào những ngày, giờ cao điểm”, một du khách nêu ý kiến.

Giám đốc một công ty tư vấn xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông đã bỏ nhiều thời gian quan sát, tính gia tốc khoảng thời gian “chết” vì kẹt xe ở Vườn hoa Đà Lạt, ngã tư Phan Chu Trinh (báo chí nhiều lần phản ánh về tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở đây) và nhận thấy, thiệt hại về thời gian, khí thải môi trường, hiệu suất kinh tế là rất lớn.

“Tương lai Đà Lạt còn phải nghĩ đến việc làm hầm chui, xây cầu vượt, chứ đừng nói đến đèn xanh đèn đỏ giờ vẫn chưa làm”– vị này tỏ ra bức xúc vì nhu cầu mong muốn lắp đặt đèn xanh đèn đỏ ở một số nút giao thông Đà Lạt!

Trái với những ý kiến trên, vừa hỏi đến việc Đà Lạt có cần đèn xanh đèn đỏ, lập tức tôi bị nhiều người nặng lời: “Điên à? Đèn xanh đèn đỏ thì còn gì Đà Lạt! Phải có gì khác biệt chứ. Người Đà Lạt chúng tôi vẫn nhường đường mà. Tắc là do thiết kế đường Đà Lạt có dành cho xe ô tô lớn đâu, các “ông” cứ đổ vào bảo sao không tắc?

Hết mùa du lịch, đường phố Đà Lạt lại trở nên vắng vẻ, yên bình

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Được biết, nhiều năm qua, một số ngành chức năng địa phương đã có kiến nghị với cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về việc đã đến lúc Đà Lạt cần lắp đặt đèn xanh đèn đỏ. Tỉnh không chấp thuận, vậy nhưng do chưa có một buổi họp, hội thảo nào nêu sâu về vấn đề này nên nhiều người vẫn chưa thấy quan điểm này thuyết phục, vẫn âm ỉ những thắc mắc, mong muốn lắp đặt đèn tín hiệu giao thông cùng những kiến nghị chính quyền cần khẩn trương triển khai các phương án để tránh tình trạng kẹt xe, tắc đường vẫn diễn ra.

Trả lời phóng viên Báo Công an TP.HCM về câu hỏi Đà Lạt có cần thiết lắp đặt đèn tín hiệu giao thông? Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Cần, nhưng chưa đến lúc. Quan điểm của lãnh đạo địa phương là vẫn muốn giữ cho TP. Đà Lạt không đèn xanh đèn đỏ, đó là nét đặc trưng riêng, “thương hiệu” của Đà Lạt”.

Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, lãnh đạo địa phương đã nhiều lần đến các nút giao thông bị tắc đường vào giờ học sinh, cán bộ tan tầm hoặc những ngày đông khách du lịch để nghiên cứu các giải pháp. CSGT vẫn kiểm soát tốt trật tự giao thông, người Đà Lạt vẫn giữ được nét văn hóa, văn minh nhường đường cho khách, giảm thiểu tình trạng kẹt xe, tắc đường.

Không chủ trương lắp đèn tín hiệu giao thông, tỉnh có các phương án để hạn chế tình trạng kẹt xe, tắc đường, bằng cách mở rộng các bùng binh (vòng xoay), yêu cầu lực lượng CSGT tăng cường công tác điều tiết giao thông tại đây.

Đối với nút giao thông Phan Chu Trinh gây bức xúc hiện nay vì khu vực này có chợ (Phan Chu Trinh), trường khiếm thính Hoa Phong Lan, hai trường THCS gần đó, bến xe Thành Bưởi, trung tâm hội nghị tiệc cưới 198, tỉnh vừa ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông này theo hướng mở rộng các tuyến đường dẫn đến vòng xoay Phan Chu Trinh, như đường Lữ Gia, Trần Quý Cáp quy mô 14m đến 16m, mở rộng bán kính vỉa hè qua bãi xe Thành Bưởi và trung tâm tiệc cưới, bố trí dải phân cách, chia đoạn đường này thành 2 làn.

Phương án sau đó là di dời chợ Phan Chu Trinh đến vị trí trường Hoa Phong Lan và trường này sẽ dời đến địa điểm khác. Thời gian thực hiện dự án dự kiến đến năm 2021 hoàn thành.

Cảnh kẹt xe cả ngày và đêm ở Đà Lạt trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay

Ông Tôn Thiện San – Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt nêu ý kiến: Ở một số thành phố trong nước và một số nước văn minh, phát triển có khí hậu, mật độ giao thông, dân cư giống như Đà Lạt có lắp đặt đèn xanh đèn đỏ nhưng vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe, tắc đường cục bộ. Đèn tín hiệu giao thông không phải là vấn đề, mà vấn đề ở chỗ ý thức người tham gia giao thông. Lắp đèn xanh đèn đỏ thì không còn là Đà Lạt. “Ta phải có điều gì khác biệt chứ?”.

Phản ánh của phóng viên về việc nhiều du khách than phiền do nhiều khi họ phải chấp hành theo hiệu lệnh của CSGT điều tiết giao thông, sau đó vòng tìm đường vất vả, ông San nói: “Tôi nghĩ họ có thể dùng google maps hoặc trợ giúp bạn bè, người thân. Trong tình huống có đèn tín hiệu giao thông đi nữa, với ý thức giao thông không đảm bảo, lượng xe đổ về ùn ứ, tắc vẫn tắc, có khi tài xế phải đứng chờ lâu hơn nữa mới đến lượt di chuyển. Chúng tôi đang xây dựng đề án đề xuất lập thêm 3 bãi đỗ xe để hạn chế xe lớn 50 chỗ vào thành phố, du khách di chuyển trong thành phố bằng xe điện (đang chạy thí điểm – PV) chẳng hạn, rất thân thiện...”.

Ông Đỗ Đức Minh (60 tuổi), người dân sinh sống tại TP. Đà Lạt (đường Phan Đình Phùng, P.2), cho rằng: “Lắp đèn xanh đèn đỏ là Đà Lạt thất bại, ai còn đến”! và phân tích thêm: Khi lượng xe đông, đổ về gây ùn ứ, dù có đèn tín hiệu giao thông điều tiết vẫn tạo khoảng “chết” do sự chuyển động cơ học và tắc đường vẫn hoàn tắc. Đà Lạt chỉ tắc đường cục bộ, trong khoảng thời gian ngắn, chỉ những lúc cao điểm du lịch, không phải tắc thường xuyên. Nếu lắp đèn xanh đèn đỏ phải phá bỏ bùng binh.

Khi khách du lịch về hết, đường thông thoáng, vắng vẻ, có khi chỉ vài chiếc xe máy chạy, vẫn phải dừng đèn đỏ thì lãng phí quá, mất “chất” Đà Lạt. Sống ở thành phố có tính đặc thù thì phải chấp nhận những điều mang tính đặc thù. Phải giữ nét độc đáo, “đặc sản” có một không hai của phố núi Đà Lạt.

Những chiếc xe điện xinh xắn, sạch sẽ đang được nhiều du khách ưa thích đi lại

Không đèn xanh, đèn đỏ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa giao thông ở thành phố hoa Đà Lạt. Vào mỗi buổi trưa, chiều tan tầm, tại các vòng xoay giữa các ngã ba, tư, năm Đà Lạt, từng dòng xe từ mọi ngả đường vẫn nhịp nhàng qua lại, nhường đường nhau, tuần tự xe trước, xe sau, bất kể có hay không có lực lượng CSGT; hãn hữu mới có vụ va chạm, mà dẫu có va chạm, chỉ một nụ cười xin lỗi nhau là thôi, không đến mức phải gọi công an đến xử lý. Nếu không phải ngày nghỉ, lễ, đường phố Đà Lạt khá vắng vẻ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng – Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Đà Lạt, cho biết, hiếm lắm và hầu như không xảy ra tai nạn giao thông ở các vòng xoay. Chỉ thỉnh thoảng có va chạm nhẹ giữa người đi lại. Nhiều năm qua, những nút bùng binh đông người qua lại đều có lực lượng CSGT cắm chốt để điều tiết giao thông.

Ý thức tham gia giao thông, ý thức nhường nhịn dường như trở thành phản xạ, một bản năng tự có, sự thân thiện, mến khách của người Đà Lạt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang