TPHCM: Đầu tư 39.000 tỷ đồng mở rộng giao thông tại 4 cửa ngõ

Thứ Tư, 28/08/2024 14:33  | Nam Anh

|

(CATP) Ngày 27/8, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ ưu tiên triển khai đầu tư các cửa ngõ TPHCM qua Quốc lộ 1, 13, 22, 50B. Cụ thể, các tuyến đường này đã quá tải và "thắt nút cổ chai". Trong đó, Quốc lộ 1 khoảng 12.876 tỷ đồng, Quốc lộ 13 khoảng 13.510 tỷ đồng, Quốc lộ 22 với hơn 7.170 tỷ đồng và Quốc lộ 50B khoảng 5.238 tỷ đồng.

Trong đó, có 3 quốc lộ được TPHCM xác định đầu tư theo hình thức BOT từ cơ chế của Nghị quyết 98 và đang chuẩn bị dự án gồm: Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu; Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An; Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TPHCM. Còn Quốc lộ 50B, đoạn từ đường Phạm Hùng đến ranh tỉnh Long An được bổ sung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, đề án phát triển giao thông giai đoạn 2020-2030. Đây cũng là trục giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh TPHCM - Long An - Tiền Giang, có vai trò "chia lửa" với Quốc lộ 50 hiện hữu.

Theo Sở Giao thông vận tải, các quốc lộ này đều được lựa chọn, đề xuất theo tiêu chí ưu tiên và phù hợp quy hoạch như: giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực, kết nối đồng bộ giữa các khu đô thị và liên vùng, kích thích phát triển kinh tế và xã hội. Xây dựng 4 quốc lộ cửa ngõ với số vốn đầu tư hơn 39.000 tỷ đồng.

Quốc lộ 13 thường xuyên ùn tắc giao thông

Cụ thể, Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) là tuyến huyết mạch kết nối TPHCM và các tỉnh miền Tây chỉ có 4 - 6 làn xe, trong đó nhiều đoạn bị "thắt cổ chai" dẫn đến kẹt xe thường xuyên vào giờ cao điểm. Từ vòng xoay An Lạc, điểm kết thúc của đường Kinh Dương Vương và mở đầu của tuyến Quốc lộ 1 về miền Tây thường xuyên ùn ứ, xe máy đi cùng làn với xe tải, container... tiềm ẩn nhiều nguy cơ va quẹt, tai nạn.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An dài 9,6km, rộng 52 - 60m, quy mô 8 làn xe. Dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2028, vốn đầu tư 12.876 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến vành đai 3 (Quận 12, huyện Hóc Môn) dài 9,1km, mặt cắt ngang rộng 60m. Tổng vốn đầu tư dự kiến 7.173 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2027. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.409 tỷ đồng.

Còn Quốc lộ 13, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyến. Hiện đoạn thuộc TPHCM có 4 - 6 làn xe, có đoạn 4 làn dẫn tới "thắt cổ chai". Hàng chục năm qua, Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước) tắc nghẽn nghiêm trọng; đồng thời cản trở sự thông thương kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang