Xuất hiện tình trạng lừa bán bảo hiểm ôtô giả mạo

Thứ Hai, 26/08/2024 08:32

|

(CATP) Thời gian gần đây, nhiều người nhận được các email với nội dung thông báo bảo hiểm ôtô đã hết hạn, yêu cầu đóng các khoản phí nhằm gia hạn hoặc mua các gói bảo hiểm mới...

Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, thủ đoạn này đã gây thiệt hại về tài chính cho nhiều nạn nhân tại nhiều quốc gia trên thế giới, ước tính lên tới 30 triệu USD (tương đương 748 tỷ VND).

Trước hình thức lừa đảo này, ngày 24/8, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi cảnh báo để người dân nắm được thông tin, không mắc phải bẫy lừa.

Anh V.X.Tú (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, anh liên tục nhận được email chào mời các gói bảo hiểm xe ôtô. Anh Tú cũng nhận được những cuộc gọi hỏi về tình trạng bảo hiểm của xe ôtô, mời chào, thậm chí thúc giục mua bảo hiểm cho xe gia đình.

Nhận thấy bất thường, vì gói bảo hiểm ôtô anh đã mua đến cuối năm 2024 mới hết hạn, anh Tú biết chắc thông tin về xe ôtô, chủ xe đã bị lộ nên kẻ xấu đã gọi điện, hòng lừa gạt kiếm lợi. Anh Tú không mở email mà lập tức xóa các thư điện tử này.

Theo thông tin tổng hợp từ Cục An toàn Thông tin, trong các tình huống lừa đảo nhắm đến những người có ôtô, các đối tượng tạo lập email giả mạo, đính kèm logo của các nhà phân phối hoặc công ty bảo hiểm xe ôtô nổi tiếng. Với cách giả mạo hình ảnh để tăng độ uy tín cho email, khi nhìn qua, người nhận sẽ tưởng là email từ đơn vị bảo hiểm gửi.

Thông thường, đầu tiên, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng tại các đơn vị phân phối ôtô, chủ động gọi điện cho chủ xe với giọng điệu quan tâm và khẩn trương thông báo việc bảo hiểm ôtô sắp hết hạn. Đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp email để xác nhận thêm các thông tin chi tiết.

Trong nhiều trường hợp, để thúc giục chủ xe, đối tượng còn bịa chuyện để đe dọa nạn nhân bằng cách thông báo hiện tại chủ xe đang nợ công ty một khoản tiền nhất định, nếu không thanh toán ngay, hồ sơ sẽ rơi vào trường hợp "nợ xấu", gây ảnh hưởng đến công việc, làm ăn, nhất là những người đang có nhu cầu vay ngân hàng, kẻ lừa đảo yêu cầu chủ xe cung cấp email cá nhân.

Bước tiếp theo, kẻ lừa đảo sẽ gửi email cho chủ xe với nội dung gói bảo hiểm hiện tại mà nạn nhân sử dụng được kích hoạt, đồng thời đính kèm số tài khoản giả mạo và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhằm gia hạn gói bảo hiểm đang dùng hoặc kích hoạt gói bảo hiểm mới.

Đáng nói, nhiều trường hợp, thông tin kẻ lừa đảo đưa ra chính xác nên nhiều người đã tin tưởng và chuyển tiền để thanh toán bảo hiểm. Khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền và cắt đứt liên hệ.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi, email với nội dung liên quan đến bảo hiểm cho ôtô. Người dân cần thực hiện xác thực lại địa chỉ email đã gửi thư cho mình là địa chỉ đã gửi thư nhiều lần, đã thực hiện giao dịch hay hoàn toàn mới; kiểm tra kỹ thông tin, danh tính của đối tượng liên hệ email hoặc gọi điện cho mình.

Cách phổ thông nhất là trực tiếp gọi điện đến đơn vị đang cung cấp bảo hiểm xe ôtô để xác thực thông tin về hợp đồng, người tư vấn bảo hiểm cũng như hình thức chi trả bảo hiểm trong trường hợp cần mua bảo hiểm.

Mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay thực hiện chuyển tiền đến tài khoản cá nhân do các đối tượng lạ cung cấp. Đồng thời, để chắc chắn an toàn, người dân nên đóng bảo hiểm trực tiếp tại các trụ sở công ty, đại lý phân phối bảo hiểm uy tín. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các cơ quan, lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn và truy vết đối tượng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang