Công an Quận 12:

Cảnh báo mạo danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ Tư, 21/08/2024 13:01

|

(CATP) Chiều 19/8/2024, Công an Quận 12 (CAQ.12), TP.HCM đã có cảnh báo về việc xuất hiện đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho người dân, mạo danh cán bộ Bộ công an, Công an TP.HCM, CAQ.12 yêu cầu người dân làm định danh điện tử mức 2 và 3. Theo đó, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, gồm: căn cước công dân, mã OTP... Khi người dân cung cấp thì đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản của họ.

Trước đó, người dân ngụ Quận 12 cũng từng bị một đối tượng tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAQ.12 thông báo rằng, do "vân tay bị mờ" nên yêu cầu phải lấy lại vân tay để chuẩn bị cài đặt định danh điện tử mức 3. Tiếp đến, đối tượng hướng dẫn người dân đợi điện thoại, sẽ có cán bộ khác từ Phòng QLHC về TTXH Công an TP.HCM liên hệ hướng dẫn. Tuy nhiên, nghi ngờ gặp phải đối tượng xấu, người dân đã gọi điện trình báo cơ quan Công an.

Liên quan sự việc này, CAQ.12 khẳng định tuyệt đối không có thông báo các lỗi liên quan đến định danh điện tử, căn cước công dân, cũng như không làm việc với công dân qua điện thoại, mà chỉ làm việc trực tiếp tại trụ sở đơn vị. Đề nghị người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lạ mặt; không truy cập vào các đường link lạ, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản. Đồng thời, người dân nên ghi âm cuộc gọi và trình báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.

Từ các vụ lừa đảo xảy ra qua điện thoại với thủ đoạn, phương thức tương tự cho thấy, đa số các đối tượng rất chuyên nghiệp, có những mánh khóe thao túng tâm lý điêu luyện khiến bị hại tưởng thật. Đặc biệt, bọn chúng luôn dọa dẫm, yêu cầu bị hại phải giữ bí mật với người thân, gia đình, ra chỗ ít người để nói chuyện. Mấu chốt là những bị hại đã để cho đối tượng lừa đảo có thời gian và cơ hội để thao túng tâm lý, đe dọa, dồn bị hại vào bẫy. Về phía người bị hại, nhiều trường hợp vào thời điểm đó quên hết những thông tin cảnh báo hằng ngày vẫn xem qua tivi, báo, đài. Chỉ đến khi tài khoản không còn một đồng để chuyển cho các đối tượng, họ mới nhận ra mình đã "sập bẫy" kẻ lừa đảo.

Cảnh báo chiêu trò giả danh Công an để lừa chiếm đoạt tài sản

Để giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng tránh lừa đảo, Bộ Công an khuyến cáo: Thời gian gần đây, xuất hiện một số thủ đoạn lừa đảo giả danh cơ quan Công an, gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID (ứng dụng giả mạo), kích hoạt tài khoản định danh điện tử; khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, đối tượng sẽ yêu cầu cấp quyền truy cập điện thoại, thực hiện lệnh chuyển tiền, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, gọi điện thoại sau đó gửi đường link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến (như Zalo, Facebook...), hướng dẫn họ truy cập đường link để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống ứng dụng VNeID thật.

Khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, ứng dụng giả được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP...), các đối tượng kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ.

Ngoài ra, không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác qua điện thoại. Thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng thông tin điện tử hoặc Fanpage chính thức của Bộ Công an, Công an các địa phương. Trường hợp nghi vấn phải liên hệ Cảnh sát khu vực hoặc Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang