(CAO) Thủ đoạn lừa đảo bằng hóa đơn chuyển tiền giả tuy không mới nhưng đến nay vẫn khiến nhiều người sập bẫy.
Cơ quan CSĐT Công an TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, vừa làm rõ vụ lừa đảo 8 cây vàng trị giá hơn nửa tỷ đồng xảy ra trên địa bàn. Trước đó, ngày 29/7/2024, Công an TP.Tam Kỳ liên tiếp nhận được 2 trình báo của bà H.T.B.H. (chủ tiệm vàng phường An Sơn) và ông H.V.L. (chủ tiệm vàng phường An Xuân) về việc bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tổng 8 cây vàng trị giá khoảng 591 triệu đồng.
Nhận định sự việc có tính chất rất nghiêm trọng, đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, Công an TP.Tam Kỳ đã khẩn trương vào cuộc xác minh. Quá trình điều tra, Công an thành phố đã làm rõ Nguyễn Thị Thuỳ Trang (SN 2002, ngụ phường An Xuân) chính là kẻ gây án, đồng thời thu hồi được 2 cây vàng cho các bị hại.
Đối tượng Trang lừa 2 chủ tiệm vàng hơn nửa tỷ đồng bằng hóa đơn giả
Trang khai nhận, đã tải và cài đặt ứng dụng làm giả các hóa đơn chuyển tiền vào ĐTDĐ của mình. Sau đó, cô ta lần lượt đến 2 tiệm vàng nói trên, đóng giả là “khách sộp” mua vàng với số lượng lớn rồi xin số tài khoản ngân hàng của chủ tiệm để “chuyển tiền”.
Trang tạo hóa đơn chuyển tiền giả rồi chụp màn hình chuyển qua Zalo cho chủ hiệu vàng xem. Mặc dù điện thoại của chủ tiệm vàng chưa có thông báo nhận tiền, song thấy “số dư” bên Trang đã trừ nên tin tưởng và giao vàng cho “nữ quái” này.
Chỉ chờ có thế, Trang nhanh chân tẩu thoát. Tổng 8 cây vàng lừa đảo được của bà H. và ông L., Trang đã bán 6 cây lấy tiền đem “nướng” vào đánh bạc trên internet.
Buôn bán trái cây tại chợ thương mại Tam Kỳ, chị N.T.G. (ngụ TP.Tam Kỳ) đã từng sập bẫy hóa đơn chuyển tiền giả nên bây giờ rất cảnh giác. Chị G. nhớ lại, ngày 19/7 (14/6 âm lịch), cửa hàng của chị đông khách hơn ngày thường vì nhiều người đến mua trái cây cúng rằm. Lúc này, có một người phụ nữ khá trẻ, bịt khẩu trang đến mua nhiều loại trái cây với số lượng lớn.
“Lúc đến nơi, người phụ nữ đeo khẩu trang nhưng nói chuyện rôm rả, vừa lựa trái cây vừa hỏi thăm em gái của tôi nên tôi nghĩ là khách quen. Phong cách của chị này giống như khách sộp khi toàn mua các loại trái cây đắt tiền với tổng hóa đơn 1.530.000 đồng. Chị ta nói thanh toán bằng cách chuyển khoản và hỏi mượn tôi thêm 2 triệu đồng rồi chuyển khoản trả luôn”, chị G. nhớ lại.
Chị G. sau đó đưa số tài khoản cho “vị khách” cùng 2 triệu đồng, còn cô gái đưa cho chị xem biên lai đã chuyển khoản thành công số tiền 3.530.000 đồng, đồng thời để lại số điện thoại cho chị G. làm tin.
“Trước khi đi, người phụ nữ nói nếu chút nữa tiền chưa qua thì gọi điện thoại cho em. Do hôm đó khách đông, tôi loay hoay bận bán nên chụp lại hóa đơn rồi để cô gái đi. Tuy nhiên, chờ lâu không thấy tiền qua nên tôi gọi vào số điện thoại cô gái đã đưa thì thuê bao không liên lạc được”, chị G. thuật lại. Sau đó, chị đến Công an P.An Mỹ (TP.Tam Kỳ) trình báo.
“Vị khách sộp” mua trái cây và mượn tiền của chị G. bằng hóa đơn giả
Sau sự việc trên, chị G. bắt đầu cảnh giác hơn, nhất là đối với khách mua hàng chuyển khoản. “Bây giờ tôi rút kinh nghiệm rồi, khi nào có tin nhắn báo nhận tiền tôi mới đưa hàng cho khách”, chị G. chia sẻ.
Điều đáng nói, hiện có những website tạo các biên lai, hóa đơn chuyển tiền giả giống thật gần như 100%. Thậm chí trên các trang mạng xã hội, “dịch vụ” làm giả biên lai chuyển khoản được quảng cáo công khai, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia trong các hội nhóm. Các bài đăng được quảng cáo làm giả biên lai của tất cả các ngân hàng với phí từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng mỗi lần.
Qua những vụ việc trên, để tránh bị lừa đảo, người dân sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
Với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, việc chuyển khoản 24/7, khách hàng sẽ nhận được ngay thông báo có tiền trong tài khoản. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công…