Lên mạng "order" vàng
Theo nhiều người mua bán vàng, hiện nay việc đăng ký mua vàng theo đúng quy định tại các ngân hàng và SJC đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo anh H. (ngụ Q8, TPHCM), anh đã thử để đăng ký suất mua trực tuyến ở cả 4 ngân hàng lớn nhưng đều thất bại. "Quá chán nản, tôi tìm lên mạng nhờ người đăng ký. Hiện trên mạng có rất nhiều hội nhóm nhận đăng ký giùm suất mua vàng, giá chỉ khoảng 100.000 đồng/suất. Họ bảo đăng ký thành công 100%, nhận vàng rồi mới trả tiền nên tôi cũng thử nhờ và có suất thật". Tuy vậy, theo anh H., suất mua vàng của anh không nằm dưới tên anh mà sử dụng tên của một người khác. Sau khi đến ngân hàng, một người khác xuất hiện để lấy vàng và sau đó cầm tiền công ra về. "Mọi việc chỉ diễn ra trong vỏn vẹn khoảng 30 phút".
Tương tự trường hợp của anh H., nhiều người cũng than trời vì cố gắng đăng ký để mua hàng "chính hãng", tự tay mua vàng nhưng hiếm khi thành công. "Cũng không hiểu xét duyệt kiểu gì nhưng tôi đăng ký 10 lần thì chỉ được 1", chị A., cũng ngụ Q8 cho biết.
Đăng ký khó khăn, người có nhu cầu lại chỉ mua được 1 lượng/lần dẫn đến tình trạng "chợ vàng online" nở rộ
Ngoài việc phải nhờ dịch vụ đăng ký hộ suất mua vàng, một số người có nhu cầu cũng tìm đến các hội nhóm trên Facebook để mua vàng hoặc bán lại vàng đã mua. Chị T. (ngụ Q11, TPHCM) cho biết, chị có 2 lượng vàng SJC nhưng mất hóa đơn, bán bị cấn trừ rất nhiều. Bực vì có vàng để bán nhưng bị ép giá, chị T. lên mạng tìm các đầu nậu mua vàng để giao dịch với giá 79,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chiều 09/8, khi giá vàng có xu hướng giảm nhiệt một phần, nhiều đầu nậu thu gom vàng miếng trên các hội nhóm online vẫn tiếp tục tích cực quảng bá, thu gom vàng với giá khoảng 76,1 - 76,5 triệu đồng/lượng, mua bất kể số lượng.
Cũng theo anh H., việc người có nhu cầu mua vàng phải lên mạng để tìm nguồn hàng, tìm hỗ trợ đăng ký là do theo quy định, mỗi người có thể đăng ký mua mỗi tháng lần/1 lượng vàng. "Tuy vậy, hầu như không người dân nào có thể đăng ký thành công, nên phải nhờ đến dịch vụ đăng ký giúp, nhiều người thấy giá vàng giảm nhiệt còn bấm bụng mua luôn cho nhanh từ các đầu nậu buôn bán vàng miếng SJC không chính thức".
Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây một tuần, nhiều người thậm chí còn lên mạng để rao bán, nhượng lại các suất mua vàng đã đăng ký thành công với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, tuy nhiên hiện tại giá để có 1 suất mua vàng chỉ còn xấp xỉ 100.000 đồng. Một số nhóm chuyên đăng ký suất mua vàng cho biết, có khoảng 50 - 100 thành viên sẵn sàng nhận đăng ký giúp, bất kể khách muốn mua ở đâu, ngân hàng hay tỉnh, thành nào đều đăng ký được. Huy, một người nhận đăng ký suất mua vàng với giá 100.000 đồng/1 suất, cho biết: "Bên em đăng ký tay, tỷ lệ thành công 90 - 100%, nhận vàng mới trả công. Nhóm có gần 100 thành viên để đăng ký liên tục chứ không như nhiều bên chạy tool (phần mềm được tạo ra để nhập thông tin tự động) rất dễ bị phát hiện".
Nhiều dịch vụ đăng ký suất mua vàng nở rộ thời gian gần đây
Trong vai một người có nhu cầu bán 5 lượng vàng "SJC rồng vàng 9999", phóng viên đăng bài lên nhóm "Hội giao lưu vàng miếng..." và nhanh chóng được 4 người nhắn tin hỏi mua lại với giá cao hơn giá niêm yết mua vào của SJC vài trăm ngàn. Nhiều người giao dịch ngầm đưa ra mức giá hấp dẫn và hứa hẹn chốt kèo nhanh chóng, giao dịch tận nhà 30 phút sau khi chốt. Tương tự, trong vai người có nhu cầu mua vàng, chúng tôi nhanh chóng nhận được lời chào mời từ các chân rết, đầu nậu đang hoạt động trên mạng. Nhóm người này hứa hẹn mua bao nhiêu cũng có, không cần thông qua các cửa hàng chính thức và giá lại rẻ hơn giá đề xuất. Ở thời điểm chiều 09/8, giá giao dịch bán vàng từ các đầu nậu giao động ở mức gần 79 triệu đồng/lượng.
Quá nhiều rủi ro
Việc mua bán qua các kênh không chính thức tiềm ẩn nhiều rủi ro và rắc rối pháp lý khi giao dịch vàng không có giấy phép, đó là chưa kể những vấn đề gặp phải như mua phải vàng giả, vàng không bảo đảm chất lượng. Trước đó, để tránh tình trạng người dân xếp hàng mua vàng, nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai các ứng dụng bán vàng trực tuyến nhằm bảo đảm sự minh bạch và an toàn cho người mua.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, vào những ngày cao điểm, nhiều hệ thống ngân hàng ghi nhận cùng lúc hàng trăm ngàn lệnh đặt hàng, khiến cho số lượng vàng bán ra nhanh chóng hết sạch. Nhiều người đã phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để cố gắng đăng ký mua vàng, thử nhiều buổi trong ngày và thậm chí thu gom thông tin của người thân để đăng ký. Những khó khăn không đáng có khiến các hội nhóm liên quan đến đầu tư vàng trên Facebook với hàng chục nghìn thành viên đang trở thành nơi mua bán vàng miếng hoạt động rầm rộ.
Các "đầu nậu" mua đi bán lại vàng chợ đen hoạt động rầm rộ
Theo Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, việc mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Tuy nhiên đến nay, việc chặn đứng hoàn toàn thị trường tự do - nơi các giao dịch mua bán vàng miếng SJC không giấy phép - vẫn là việc bất khả thi.
Đó là chưa kể, không phải ai cũng có tài khoản tại các ngân hàng được phép kinh doanh vàng, hoặc kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ để có thể thao tác đăng ký suất mua vàng một cách hiệu quả.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn đến các cơ quan đề nghị phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân mua vàng đúng quy định. Theo đó, người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như: SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu...
Riêng doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng các loại buộc phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng và phương án kinh doanh an toàn, giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, hóa đơn chứng từ, tem mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá. Hoạt động này bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch, phòng ngừa, hạn chế rủi ro do sai phạm, liên quan tội phạm làm hàng nhái, hàng giả, buôn lậu và trốn thuế. Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định và sẽ bị xử phạt.
Theo nhiều chuyên gia cho biết, việc cá nhân tự thỏa thuận giá giao dịch, mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn với nhau có thể dẫn đến nhiều rủi ro, không có hóa đơn chứng từ có thể bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, việc tự thỏa thuận giá vàng miếng, vàng nhẫn để giao dịch thì có thể gây ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây mất ổn định thị trường vàng và thiệt hại do thất thu thuế.
Ông Nguyễn Văn Dung - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM, cho biết hiện các tiệm vàng dù mua hay bán chỉ một phân vàng cũng phải cung cấp căn cước công dân để kê khai với cơ quan thuế. Hiện tại, quy định hiện hành cho phép các tiệm vàng được phép mua vàng trôi nổi của cá nhân để phân kim làm nguyên liệu. Điều này có phần mâu thuẫn với quy định của Tổng cục Quản lý thị trường, khi sản phẩm vàng đang kinh doanh mà không có hóa đơn, chứng từ được xác định là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.