TPHCM: Thành lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng

Thứ Năm, 01/08/2024 20:11

|

(CAO) Chiều 01/8, UBND TPHCM tổ chức họp báo kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 7/2024. Chánh văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn và Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đại diện các sở, ban, ngành và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Quản lý thị trường vàng: Bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp

Việc thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng nhằm mục tiêu của công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, các giải pháp cụ thể được thực hiện đồng bộ nhằm ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ, qua đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội. Đó là nội dung được Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh thông tin tại họp báo.

Tại TPHCM, các giải pháp của các cơ quan quản lý đều nhằm mục tiêu mang lại lợi ích chung nhất cho nền kinh tế, cho người dân. Trong đó, liên quan đến thị trường vàng và lĩnh vực mua bán vàng miếng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật.

PGĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh thông tin tại họp báo về hoạt động quản lý thị trường vàng. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, hoạt động này liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ việc chấp hành nghiêm quy định về chế độ hóa đơn chứng từ; mẫu mã chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, quản lý giá, thuế, điều kiện về kinh doanh... Do đó, biện pháp quản lý cần phải có công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để trao đổi cung cấp thông tin; để phối hợp nắm bắt tình hình, thanh tra kiểm tra; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như làm tốt công tác thông tin, truyền thông.

Qua đó, đảm bảo kỷ cương kỷ luật trong chấp hành pháp luật, đảm bảo thị trường hoạt động công khai minh bạch đúng pháp luật, ổn định và phát triển, hạn chế rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.

Về vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp chế tác, Công an TP cùng Ngân hàng Nhà nước và các ngành chức năng thành lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng. Theo đó, các đơn vị có sự phối hợp, trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp đảm bảo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, đảm bảo an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế.

Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM - Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại họp báo. Ảnh: HƯƠNG THẢO

“Các thông tin trao đổi của các cơ quan Nhà nước luôn đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin và được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp” - Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

TPHCM kêu gọi đầu tư PPP vào lĩnh vực văn hóa, thể thao

Liên quan đến tiến độ triển khai thí điểm áp dụng đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa thể thao, ông Võ Nguyễn Hoàng Vũ - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 98 quy định: “…Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…” đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố trong thời gian tới.

Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện đề xuất mức tối thiểu cho dự án và trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trên cơ sở đó, ngày 19/9/2023, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND về Quy định quy mô đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa.

Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Võ Nguyễn Hoàng Vũ thông tin liên quan đến tiến độ triển khai thí điểm áp dụng đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa thể thao. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Trong đó có quy định, đối với các thiết chế văn hóa, thể thao do Thành phố quản lý phải có quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế văn hóa, thể thao do quận, huyện và thành phố Thủ Đức quản lý phải có quy mô từ 10 tỷ đồng trở lên.

Tiếp đó, ngày 8/12/2023, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-HĐND về danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao có 23 dự án. Sở đã triển khai đăng tải thông tin và cung cấp danh mục 23 dự án này cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) để giới thiệu, mời gọi đầu tư.

Theo đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao, các dự án trong danh mục này không những phục vụ các lễ hội, các chương trình nghệ thuật, các giải đấu cấp thành phố, quốc gia, nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập mà còn là những dự án tiêu biểu có kiến trúc hiện đại của Thành phố, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa trong khu vực cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, ông Võ Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ thêm, việc thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư mất nhiều thời gian, nhiều quy trình, thủ tục. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành liên quan.

Nhiều giải pháp nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn

Thông tin liên quan công tác đảm bảo an ninh xử lý chất thải trên địa bàn, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên môi trường TPHCM Nguyễn Huy Phương cho biết, hiện nay, Thành phố đang tập trung vào hai giải pháp để nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên môi trường TPHCM Nguyễn Huy Phương cho biết, hiện nay, Thành phố đang tập trung các giải pháp để nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Giải pháp thứ nhất, chuyển đổi công nghệ các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu sang công nghệ tiên tiến có thu hồi năng lượng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Giải pháp thứ hai, kêu gọi đầu tư một dự án xử lý CTRSH mới với công suất 2.000 tấn/ngày theo phương thức Đối tác công tư (PPP).

Dự án kêu gọi đầu tư mới theo phương thức PPP hiện đang được Hội đồng thẩm định cấp cơ sở (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) tiến hành thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Sau khi hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, UBND TP sẽ xem xét, trình Hội đồng nhân dân Thành phố ra Quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Tiến độ triển khai các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác hiện nay:
- Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã tiến hành khởi công nhà máy đốt phát điện vào ngày 20/7/2024. Công ty Cổ phần Vietstar hiện đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng để tiến hành khởi công nhà máy trong tháng 08/2024.
- Công ty Cổ phần Tasco và Công ty TNHH Môi trường đô thị Thành phố hiện đang thực hiện thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (Công ty VWS chưa thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư).

Thiếu thuốc phóng xạ, chẩn đoán ung thư tại TPHCM gặp khó

Phản hồi thông tin thiếu thuốc phóng xạ trong chẩn đoán, điều trị ung thư, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hải Nam cho biết, hoạt chất phóng xạ 18F-FDG được sử dụng cho các trường hợp chụp PET/CT để chẩn đoán, theo dõi điều trị ung thư, phát hiện bệnh tồn lưu hoặc tái phát, để đưa ra phác đồ điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

Tại TPHCM, các bệnh viện có sử dụng hoạt chất này trong điều trị ung thư là như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quận y 175 và Bệnh viện ung bướu. Cả nước có 03 cơ sở sản xuất thuốc phóng xạ được cấp phép, 02 cơ sở tại Hà Nội và 01 cơ sở tại TPHCM là Công ty cổ phần Y học Rạng Đông (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).

Đại diện Sở Y tế nhận định, đây là loại thuốc có thời gian bán hủy ngắn nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về TP.HCM là không khả thi. Do đó, để đáp ứng nhu cầu cho người bệnh, chỉ có thể tự sản xuất ngay trên địa bàn TP mới kịp thời.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hải Nam phản hồi thông tin thiếu thuốc phóng xạ trong chẩn đoán, điều trị ung thư. Ảnh: HƯƠNG THẢO.

Tại Bệnh viện Ung bướu, được trang bị hai máy chụp PET/CT, công suất 30 ca/máy/ngày. Nếu cả hai máy vận hành và được cung cấp đủ thuốc 18F-FDG, công suất đáp ứng tối đa lên 50 - 60 ca/ngày.

Nguồn cung cấp thuốc phóng xạ được chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy trung bình chỉ chụp được 7 - 9 ca/ngày, mỗi tuần 3 ngày. Lượng đáp ứng chưa đến 1/3 nhu cầu hiện tại. Do vậy, bệnh nhân phải chờ đợi nhiều ngày mới được chụp PET/CT.

Về giải pháp, ông Nguyễn Hải Nam cho biết, trước mắt các bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng thuốc phóng xạ 18F-FDG từ Bệnh viện Chợ Rẫy để phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh.

Cùng với đó, để giải quyết nhu cầu chẩn đoán cho người bệnh, các bác sĩ điều trị có một số chỉ định thay thế khác như CT Scan, MRI..., để giảm nhu cầu dùng thuốc phóng xạ 18F-FDG nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu điều trị cho người bệnh.

Sở Y tế đã có kiến nghị Bộ khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa cơ sở sản xuất tại TP.Thủ Đức đi vào hoạt động, đảm bảo cung ứng thuốc 18F-FDG đáp ứng nhu cầu các cơ sở khám chữa bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang