Tái diễn thủ đoạn lừa đảo "lấy lại tiền bị lừa"

Thứ Năm, 15/08/2024 13:05

|

(CATP) Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, các hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn bao giờ hết. Một trong những thủ đoạn lừa đảo mới nổi gần đây là "dịch vụ” giúp các nạn nhân lấy lại tiền đã bị lừa. Thủ đoạn này không chỉ khiến nhiều nạn nhân tiếp tục mất tiền mà còn tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người bị hại.

Thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý nạn nhân

Thủ đoạn lừa đảo "lấy lại tiền bị lừa" là một chiêu trò tinh vi đánh vào tâm lý của những người đã từng là nạn nhân, bị lừa bằng nhiều hình thức như bị dụ dỗ, gạ gẫm tham gia vào các nhóm làm nhiệm vụ kiếm thêm thu nhập, các sàn giao dịch tài chính, các trang web chơi game lừa đảo. Sau khi bị lừa một số tiền lớn, nhiều người có nhu cầu lấy lại tiền nhưng vì nhiều lí do lại không đến trình báo cho lực lượng chức năng.

Những kẻ lừa đảo này thường xuất hiện trên mạng xã hội hoặc sử dụng quảng cáo từ khóa, email với nội dung ghi rõ họ có thể giúp lấy lại tiền mà nạn nhân đã mất. Chúng tạo ra các trang web giả mạo các hãng luật uy tín, các lực lượng an ninh mạng và sử dụng nhiều câu chuyện hư cấu về những người đã lấy lại tiền thành công... để tăng uy tín cho bản thân, từ đó lấy được sự tin tưởng từ các nạn nhân.

Các đối tượng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, dùng hàng trăm tài khoản giả mạo để dụ dỗ con mồi một cách tinh vi

Một ví dụ điển hình là trường hợp của chị H.L. (39 tuổi, ngụ TPHCM), người đã bị lừa tham gia các sàn giao dịch vàng ảo ở thời điểm giá vàng biến động dữ dội đầu năm 2022. Sau khi bị lừa mở tài khoản đầu tư giao dịch vàng, dầu, chứng khoán ảo... trên sàn E., chị L. đã nhiều lần nạp tổng số tiền 400 triệu đồng với lời hứa hẹn lợi nhuận lên đến 100 - 200% trong vòng vài tháng. "Ban đầu tôi cẩn thận, chỉ nạp hơn 20 triệu đồng, thấy lời được một ít thì nhanh chóng rút tiền và thành công. Sau đó thấy lợi nhuận cao, nghĩ đây là cách kiếm tiền dễ dàng nên tôi nạp thêm, tài khoản được nhóm giới thiệu cho sao chép giao dịch nên không phải làm gì cả. Sau khi thấy lợi nhuận hơn 100%, tôi định rút gốc về nhưng rút mãi không được" - chị L. cho biết, lúc này mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã bị lừa.

"Tôi thấy mình ngu quá nên không dám nói với gia đình. Sau đó, tôi lên mạng tìm được một hội nhóm hướng dẫn cách lấy lại khoản tiền đã nạp vào sàn giao dịch lừa đảo, thấy nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự. Vừa tham gia một nhóm có tên "LẤY LẠI TIỀN LỪA ĐẢO..." thì có người tự nhận là luật sư Hoàn kết bạn".

Các quảng cáo về dịch vụ lừa đảo trên mạng xã hội

Theo chị L, người này cho biết sẽ hỗ trợ chị lấy lại số tiền đã mất và hỏi thông tin rất cặn kẽ về sàn giao dịch, email, giấy tờ đã sử dụng để đăng ký tài khoản, tổng số tiền đã mất và số lần nạp... "Thấy người này hỏi theo một cách rất chuyên nghiệp nên tôi tin tưởng cung cấp thông tin. Sau đó một ngày thì người này nói đã liên hệ được với đại diện sàn giao dịch và lực lượng chức năng, đề nghị tôi in và ký một số biên bản, trong đó có cả biên bản tố cáo, khởi kiện. Mấy ngày tiếp theo, họ liên tục cập nhật tiến độ và cuối cùng đề nghị tôi đóng án phí khởi kiện..." - chị L. cho biết. Sau khi đóng xong án phí 50 triệu đồng, chị L. đợi nhiều ngày nhưng không có thêm thông tin, cố gắng liên hệ với vị luật sư tốt bụng thì phát hiện ra mình đã bị chặn hoàn toàn liên hệ.

Tương tự chị L. là trường hợp của ông T.P (64 tuổi, ngụ TPHCM). Tuy nhiên, ông P. không bị lừa bởi "luật sư” mà là bởi nhóm đối tượng tự xưng là làm việc cho "an ninh mạng". Sau khi trò chuyện trên mạng xã hội, người này gọi điện cho ông P. để bắt đầu quá trình giúp thu hồi lại số tiền bị mất khi nạp tiền vào trang game lừa đảo TA88. Tin tưởng vào giọng nói và cách thức chuyên nghiệp của chúng, ông P. đã chuyển một khoản tiền lớn để đóng các loại "phí xử lý” vụ án. Tuy nhiên, sau khi tiền được chuyển đi, mọi liên lạc với người này đều bị cắt đứt.

Cẩn trọng tiền mất tật mang

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay các nhóm lừa đảo theo hình thức giúp lấy lại tiền lừa đảo đang cực kỳ phổ biến. Chỉ với từ khóa "lấy lại tiền lừa đảo", người sử dụng mạng xã hội Facebook có thể tiếp cận với hàng trăm hội nhóm na ná nhau, trong đó có nhiều hội nhóm lên tới hàng trăm ngàn thành viên.

Ở trong các nhóm này, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản ảo, với hàng trăm người kể về các câu chuyện bị lừa tiền, treo tiền khi tham gia chơi chứng khoán ảo, nạp tiền vào các trang game, làm nhiệm vụ kiếm thêm thu nhập... Điểm chung là sau đó, các đối tượng đều nói về việc đã được giúp đỡ để lấy lại tiền, sau đó đưa ra các thông tin, hình chụp màn hình chuyển khoản để người đọc tin tưởng. Bên dưới mỗi bài đăng là hàng trăm bình luận khác, cũng giới thiệu về các dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa.

Khi nhấn tham gia nhóm "Chỉ cách lấy lại tiền bị lừa...", phóng viên nhanh chóng được một người tự nhận là luật sư Chính tiếp cận. Bằng nhiều lời lẽ bất nhất, lúc thì tự xưng mình là luật sư, lúc thì cho biết đang làm ở công ty Tài chính Tín Việt, Chính cho biết có thể giúp lấy lại tiền bị lừa, bị treo, bất kể là ở đâu và dùng nhiều hình ảnh chuyển khoản để chứng minh.

Dù vậy, khi được hỏi cách thức thực hiện, Chính cho biết đó là "nghiệp vụ”, không thể chia sẻ. "Bên anh sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với lực lượng an ninh mạng để hỗ trợ em lấy lại các khoản tiền bị lừa, bị treo... nhưng về nguyên tắc nghiệp vụ không chia sẻ chi tiết. Anh chỉ muốn giúp đỡ mọi người lấy lại tiền đã mất, không lấy tiền trước của ai bao giờ, chỉ lấy phí dịch vụ sau khi đã nhận tiền hoàn lại nên em cứ yên tâm", luật sư Chính cho biết.

Khi nạn nhân đã bị thuyết phục, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân, dùng các loại đơn từ giả để dụ dỗ nạn nhân trả các khoản phí như phí khởi kiện, phí bảo hiểm, phí nộp hồ sơ... Thông thường, các đối tượng này sẽ viện cớ đó là các loại phí cần thiết để bắt đầu quy trình thu hồi tiền, không liên quan đến phí dịch vụ thu sau. Sau khi nhận được tiền và thông tin, chúng thường biến mất mà không để lại dấu vết, khiến nạn nhân không chỉ mất tiền thêm một lần mà còn có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã đưa ra cảnh báo về các trường hợp bị lừa đảo do làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng. Sau khi bị lừa, nhiều người đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng trên mạng xã hội để lấy lại tiền, sau đó tiếp tục chuyển các loại "phí dịch vụ” và bị chiếm đoạt thêm một lần nữa.

Vào tháng 5/2024, Công an TP.Thủ Đức (TPHCM) cũng phát đi thông báo tất cả các thông tin đăng tải, chạy quảng cáo trên mạng có thể giúp lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng xã hội đều là giả mạo, đồng thời khuyến cáo người dân dừng ngay việc tiếp tục gửi tiền, chặn tất cả các số liên lạc của các đối tượng lừa đảo nếu không muốn tiếp tục bị mất tiền.

Theo Công an TP.Thủ Đức, thủ đoạn kẻ gian thường sử dụng là giả danh các công ty, nhân viên tư vấn luật... để chạy quảng cáo sẽ lấy lại được tiền của các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, bị treo trên các sàn giao dịch. Lợi dụng tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền thường lên các trang mạng xã hội để tìm lời khuyên lấy lại tiền, kẻ gian đã thao túng tâm lý, an ủi, dẫn dụ nạn nhân chuyển một khoản tiền gọi là "phí dịch vụ” hay "phí ủy quyền xử lý”... để điều tra, giúp lấy lại tiền bị lừa đảo. Kẻ gian còn có thủ đoạn dùng công nghệ AI giả mạo luật sư, nhân viên ngân hàng, chuyên gia công nghệ an ủi nạn nhân và hứa hẹn lấy lại được tiền bị lừa đảo trên mạng hay bị treo trên các sàn giao dịch...

Cùng thông điệp với Công an TP.Thủ Đức, Trung tâm Báo chí TPHCM cũng đã nhấn mạnh rằng người dân cần thận trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, đặc biệt là các quảng cáo về dịch vụ lấy lại tiền bị lừa. Người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và tham khảo ý kiến từ các cơ quan chức năng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Các cơ quan chức năng khuyến cáo rằng người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác và nhận thức về các thủ đoạn lừa đảo mới.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), hình thức lừa đảo "lấy lại tiền bị lừa" đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời. Cụ thể, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung "hỗ trợ lấy lại tiền", "cam kết lấy lại được tiền bị lừa", bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.

Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa và chuyển khoản tiền "phí dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang