Những thủ đoạn lừa đảo trên mạng đã ‘ru ngủ’ các nạn nhân như thế nào?

Thứ Ba, 09/07/2024 07:34

|

(CAO) Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ nạn nhân trình báo bị lừa đảo thông qua các mạng xã hội. Nếu không suy nghĩ thấu đáo mà vì lợi trước mắt thì người dân có thể sẽ mất tiền.

Tin nhầm bạn “ảo”

Ngày 12/6/2024, anh T.H.P (SN 1983, ngụ xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, Tây Ninh) nhận được cuộc điện thoại của một người giới thiệu là Công an quận 12, TPHCM, thông báo anh P cập nhật lại một số thông tin về CCCD vì bị sai và yêu cầu anh P điện đến số điện thoại 0971.597.407 gặp cán bộ Công an Quận 12 tên Tuấn để được hướng dẫn. Anh P điện thoại cho Tuấn, Tuấn kêu anh P kết bạn zalo và yêu cầu anh dùng điện thoại đăng nhập vào dịch vụ công do Tuấn cung cấp, cùng số CCCD và mật khẩu tài khoản ngân hàng. Sau đó, Tuấn kêu anh P chờ xác nhận, thì lúc này anh P cũng phát hiện tài khoản của mình bị mất gần 220 triệu đồng nên đến Công an huyện Gò Dầu trình báo.

Ngày 15/6/2024, anh C.H.T (SN 1994, ngụ thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu), lướt xem tiktok trên điện thoại thì thấy một app hẹn hò có tên “Ezmath” nên tải về sử dụng. Lập tức, anh T. được một người có nickname “Thanh Hiền” nhắn tin làm quen qua ứng dụng Telegram thì anh P đồng ý. Qua nhắn tin nói chuyện, người này gửi đường link facebook tên “Nana” để anh P kết bạn gọi video call. Khi anh P nhắc máy thì thấy người bên kia đang khỏa thân và yêu cầu anh P cũng khỏa thân, làm các hành vi với nhau để quay lại hình ảnh rồi tắt máy. Sau đó từ facebook lạ, anh P nhận được đoạn video trên cùng với yêu cầu muốn xóa đoạn phim thì phải chuyển khoản 05 triệu đồng. Vì nghĩ các đối tượng nói thật nên anh P đã chuyển khoản 05 triệu theo yêu cầu nhưng các đối tượng không xóa đoạn phim mà tiếp tục buộc anh P chuyển thêm 5 triệu nữa. Thấy mình đã bị lừa, anh P đến Công an tố giác.

Ngày 22/6/2024, anh Đ.H.Đ (SN 1989, ngụ TP Tây Ninh) điện thoại cho người bạn tên Đại làm nghề vật liệu xây dựng anh quen trên facebook để hỏi giá một số thép, kẽm... với số lượng nhiều. Đại báo giá tổng cộng là 117.700.000 đồng. Thấy giá rẻ hơn thị trường, anh Đ đồng ý mua và chuyển 1.850.000 đồng đặt cọc, còn lại 115.850.000 đồng sẽ thanh toán sau khi nhận được hàng. Sau đó, anh Đ gửi vị trí công trình đang thi công nhà ở tại ấp 3, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu để Đại giao hàng. Ngày 25/6, Đại gọi cho anh Đ cho biết có 10 xe chở hàng đến giao vật liệu, kêu anh Đ ra đón. Khi nhận được hàng, anh Đ chuyển khoản hết số tiền còn lại cho Đại. Một lúc sau, người giao hàng bốc hàng xong kêu anh Đ thanh toán tiền, anh Đ ngạc nghiên, điện thoại cho Đại nhưng facbook đã bị xóa kết bạn, còn điện thoại bị chặn liên lạc. Lúc này thì ông Đ mới biết mình dính bẫy kẻ lừa đảo!

 
Nạn nhân đến cơ quan công an trình báo

Chiếc bẫy lợi nhuận

Ngày 14/6/2024, bà D.T.L (SN 1968, ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) được người đàn ông tên Châu Thanh Tùng, giới thiệu là nhân viên giám sát thi công dự án Vin, rủ bà L đầu tư thông qua hình thức mở tài khoản tại quỹ tiết kiệm nội bộ tập đoàn.

Ban đầu, Tùng ngỏ ý cho bà L vay số tiền 150 triệu đồng để bà L mở tài khoản đầu tư. 30 phút sau bà L nhận được tin nhắn tài khoản lãi 35 triệu đồng. Tùng kêu bà L tiền vay trả cho Tùng, còn tiền lãi bà L hưởng nhưng khoan rút tiền mà hãy đầu tư tiếp, bà L đồng ý. Sang ngày hôm sau, bà L chuyển khoản đầu tư 200 triệu đồng vào quỹ xong thì nhận được thông báo với nội dung bà chuyển không đúng số tài khoản và yêu cầu bà chuyển thêm 350 triệu đồng thì sẽ trả lại số tiền đã chuyển trước đó. Do không có tiền chuyển khoản, bà nhắn Tùng thì Tùng yêu cầu bà L phải chuyển thêm tiền vào để rút tiền ra trả cho Tùng 150 triệu đồng nếu không Tùng sẽ đi kiện bà L. Lo sợ, bà L đến ngân hàng xin rút lại số tiền 200 triệu đồng vừa chuyển thì nhân viên cho biết giao dịch thành công nên không giải quyết. Lúc này bà mới biết mình bị lừa nên đến Công an trình báo.

Ngày 26/6/2024, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tây Ninh tiếp nhận trường hợp chị N.T.N (SN 1980 ngụ thành phố Tây Ninh) trình báo khi lên mạng tìm việc làm đã bị mất số tiền gần 1 tỉ đồng! Theo chị N do có nhu cầu tìm việc làm, chị lên mạng xã hội facebook thấy đăng thông tin tuyển nhân sự làm ở ngân hàng V. nên đã để lại số điện thoại liên lạc. Sau đó có một phụ nữ tên Yến Ly gọi điện đến giới thiệu là nhân viên phòng nhân sự của ngân hàng V., chi nhánh Hà Nội, yêu cầu chị N tải ứng dụng “ Microsoft teams” để trao đổi thông tin.

Sau khi thực hiện yêu cầu, chị N được Yến Ly đưa vào trong một nhóm có tên “nhóm 20 sơ tuyển Ngân hàng V.”. Trong nhóm này, chị N được giao nhiệm vụ phải truy cập vào trang web “ thudophattrien.com” (thử độ phát triển), tạo tài khoản riêng để thực hiện các nhiệm vụ như nạp tiền, rút tiền, đặt lệnh... Mấy lần đầu thực hiện chị N đều được số tiền vài trăm ngàn đồng hoa hồng nên chị tin tưởng, nên khi có thông báo nạp tiền để nhận hoa hồng từ 50 đến 300%, trong thời gian 02 ngày, chị N đã 08 lần chuyển khoản. Mỗi lần chuyển thấy số tiền huê hồng lớn, chị N rút tiền nhưng không được mà nhận thông báo phải đóng thuế, rồi lỗi mạng, nâng cấp tài khoản....và chị N lại nạp tiền thêm, tổng số tiền chị chuyển lên đến 922 triệu đồng. Đến khi chị hết khả năng tài chính thì bị chặn liên lạc, chị N mới biết mình đã bị sập bẫy bọn lừa đảo.

Nạn nhân đến cơ quan công an trình báo

Trên không gian mạng, mọi sự cám dỗ “ngọt ngào” đều đáng nghi. Chính vì thế, người dân cần đề phòng trong các hoạt động giao dịch mua bán,không nên tải các App lạ, không lick vào đường link lạ, không cung cấp mật khẩu tài khoản, không chuyển tiền khi chưa kiểm tra kỹ và không biết là ai, không gửi thông tin cá nhân,... không nên tin tưởng làm theo, vì đây có thể là những cái bẫy lừa đảo.

Cảnh báo của cơ quan công an về các thủ đoạn lừa đảo

Bình luận (0)

Lên đầu trang