(CAO) Người dùng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro như cho vay lãi nặng, rò rỉ dữ liệu cá nhân, bị mạo danh hoạt động vi phạm pháp luật, phải trả tiền chuộc hoặc phải đối mặt với việc iPhone bị khóa và không thể sử dụng được...
Công an TP Hà Nội cho biết, gần đây, khi nhiều hình thức “tín dụng đen” được cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý nghiêm thì loại hình “vay tiền bằng iCloud” lại nở rộ. Tuy nhiên, người vay sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là chiêu trò cho vay lãi nặng “biến tướng” của các đối tượng cho vay.
Chiêu bài “thủ tục nhanh, có tiền ngay”
Thời gian qua, bên cạnh việc vay tiền qua các app thì dịch vụ cho vay tiền qua iCloud cũng ngày càng nở rộ bởi việc xác minh thông tin khách hàng và thủ tục vay tiền không quá phức tạp. Dịch vụ vay tiền qua iCloud đang được nhiều người yêu thích vì không cần gặp mặt, không cần thế chấp, giải ngân nhanh, người dùng chỉ cần có tài khoản iCloud (dùng để quản lý hình ảnh, danh bạ, video, file ghi âm...) và một chiếc điện thoại iPhone, iPad thông minh, đời mới là có thể vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một cách dễ dàng. Nếu có sẵn tài khoản iCloud, khi muốn vay tiền, người vay chỉ cần cung cấp tài khoản iCloud là sẽ được giải ngân. Còn nếu chưa có tài khoản thì có thể sử dụng tài khoản iCloud mà bên cho vay cung cấp.
Tùy từng loại máy, đời máy mà mức vay tiền khác nhau. Ví dụ: iPhone Xs Max, iPhone 11 vay được 2-3 triệu đồng; iPhone 11 Pro, Pro Max vay được 3-4 triệu đồng; iPhone 12, iPhone 12 Pro, Pro Max vay được 4-6,5 triệu đồng… Đời máy càng cao thì vay được càng nhiều. Cao nhất như iPhone 15, 15 Pro, Pro Max vay được 13-20 triệu đồng. Không chỉ quảng cáo thủ tục nhanh chóng, gọn nhẹ, giải ngân nhanh, các đối tượng còn liên tục tuyển cộng tác viên với những lời hứa hẹn 12-17% và thưởng nếu được doanh số cao. Không ít người trẻ đã vay tiền bằng iCloud vì tin vào những ưu điểm mà bên cho vay quảng cáo.
Những lời mời chào hấp dẫn
Tuy nhiên, người vay sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là chiêu trò cho vay nặng lãi “biến tướng” của các đối tượng cho vay. Không ít người đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo ẩn danh bằng hình thức là người cho vay qua iCloud. Để được vay tiền, người vay phải có iPhone hoặc iPad chính chủ và phải là các sản phẩm đời mới. Bên cho vay sẽ yêu cầu người vay đăng xuất iCloud và nhập tài khoản iCloud bên cho vay cung cấp hoặc đăng nhập vào đường link theo yêu cầu, bật tính năng Find My Phone và đồng bộ danh bạ, rồi mới làm hợp đồng cho vay.
Trong khi thực hiện những thao tác này thì tài khoản iCloud của người dùng sẽ có nguy cơ bị chiếm đoạt. Việc vay tiền bằng iCloud tiềm ẩn nguy cơ cao về việc bị rò rỉ dữ liệu cá nhân. Bởi khi chấp nhận đăng nhập iCloud của người khác vào máy, điều này đồng nghĩa người vay đã trao cho người khác quyền truy cập vào hầu như toàn bộ dữ liệu trong điện thoại của mình, cụ thể như dữ liệu kho ảnh, email, danh bạ, tài liệu, vị trí,... Các đối tượng cho vay sẽ báo mất và khóa iPhone qua iCloud, rồi đòi tiền để mở khóa. Người dùng khi ấy bắt buộc trả tiền chuộc hoặc phải đối mặt với việc iPhone bị khóa và không thể sử dụng được...
Đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp tài khoản iCloud và bật tính năng Find My iPhone
Rủi ro khi vay tiền qua iCloud
Bên cạnh đó, khi người vay tiền sử dụng tài khoản iCloud trở thành tài khoản thế chấp để vay tiền thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và dễ bị đối tượng cho vay khống chế. Điển hình, là việc đối tượng dùng tài khoản iCloud của người vay để kiểm soát thông tin cá nhân, dùng vào những mục đích không trong sáng, hoặc khóa tài khoản, buộc nạn nhân phải nộp tiền chuộc. Các đối tượng này thường cho vay với số tiền từ 4-12 triệu đồng, lãi suất 20-50%/ngày. Dù số tiền không quá lớn, thế nhưng với lãi suất cao, chỉ trong vài ngày, nhiều người vay đã không thể trả được nợ, trở thành nạn nhân của chiêu trò cho vay lãi nặng biến tướng.
Không ít khách hàng nghĩ rằng, có thể nhờ dịch vụ bên ngoài mở khóa tài khoản iCloud hoặc nhờ đến công ty chính hãng mở khóa nên không trả đủ tiền, chỉ đến khi tài khoản iCloud bị người cho vay khóa, họ mới biết là tài khoản này không dễ dàng can thiệp được nếu không có mật khẩu. Khi người vay không trả tiền theo đúng hẹn, người cho vay lúc này trở thành “chủ nhân” chiếc iPhone của người vay tiền. Tính năng Find My iPhone được bật, người cho vay có thể tìm ra vị trí chính xác của người vay hoặc họ cũng có thể khóa iPhone từ xa lại. IPhone lúc này chẳng khác gì cục gạch vô dụng.
Không những thế, mọi thông tin của người vay đã được người cho vay nắm rõ khi hình ảnh, video, danh bạ được đồng bộ qua tài khoản iCloud. Người thân hoặc bạn bè của người vay có thể bị gọi điện đe dọa hoặc tống tiền giống như chiêu trò vay tiền qua app nếu như người dùng chậm thanh toán hoặc không thanh toán... Nguy hiểm hơn là bị sử dụng các thông tin cá nhân vào các hoạt động trái pháp luật…
Việc lấy lại tài khoản iCloud gần như là không thể
Bên cạnh những đối tượng cho vay với lãi suất ở mức cao ngất ngưởng như kể trên thì đã có trường hợp, lợi dụng tâm lý người dùng cần vay tiền nhanh, sau khi người dùng nhập iCloud được cung cấp sẵn, các đối tượng không chuyển bất cứ một khoản tiền nào vào tài khoản mà sẽ chuyển sang phương án đòi tiền chuộc. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sẽ tiến hành báo mất và khóa iPhone qua iCloud, đòi tiền chuộc để mở khóa. Người dùng bắt buộc trả tiền chuộc hoặc phải đối mặt với việc iPhone bị khóa và không thể sử dụng được...
Vì vậy, để tránh “tiền mất tật mang”, người dùng cần nói “không” với dịch vay tiền qua mạng nói chung và qua iCloud nói riêng. Người dùng cần phải bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân.