Giả mạo nhân viên rạp phim tuyển cộng tác viên online

Thứ Ba, 18/06/2024 16:50  | Nguyễn Hiếu

|

(CATP) Ngày 17/6, Công an TPHCM cho biết, gần đây trên địa bàn Thành phố xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả mạo nhân viên Lotte Cinema tuyển người làm nhiệm vụ kiếm tiền "hoa hồng". Thực chất, đây là chiêu mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online bằng cách xem, đánh giá video clip để kiếm tiền, nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền...

Cụ thể, đối tượng gọi điện tự xưng nhân viên Lotte Cinema, tạo các trang mạng xã hội giả mạo chạy quảng cáo để mời chào cộng tác viên online xem, đánh giá video, phim để nhận tiền thưởng hấp dẫn. Khi nạn nhân đồng ý tham gia, chúng dụ dỗ nạn nhân vào nhóm Telegram để gặp nhân viên chăm sóc khách hàng; hướng dẫn truy cập website có giao diện, hình ảnh giả mạo Lotte Cinema để thực hiện nhiệm vụ kiếm tiền trực tuyến.

Ban đầu khi xem và đánh giá phim, nạn nhân sẽ được trả một khoản tiền nhỏ để tạo niềm tin. Đến các nhiệm vụ tiếp theo, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền để nhận lại số tiền hoa hồng lớn so với tiền nạp để thực hiện nhiệm vụ. Lúc này, các đối tượng sẽ báo lỗi, tiền bị treo để yêu cầu nạn nhân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới và được hoàn trả lại số tiền cũ. Do tâm lý ham lợi, nạn nhân đã bị đối tượng lừa đảo dụ dỗ nạp số tiền lớn. Đến khi nạn nhân hết khả năng nạp tiền thì mới biết mình bị lừa đảo.

Khuyến cáo của Công an TPHCM

Công an TPHCM khuyến cáo, đây là thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online kiếm tiền trực tuyến. Các đối tượng ranh ma khi thay đổi chủ thể giả mạo để đánh lừa nạn nhân. Đề nghị người dân tuyệt đối cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin trên mạng; tránh tâm lý nôn nóng ham muốn kiếm tiền trực tuyến để bị lừa đảo và cần tham khảo ý kiến chuyên gia, mọi người xung quanh để được tư vấn, cảnh báo. Nếu đã trở thành nạn nhân, người dân nhanh chóng trình báo, tố giác tội phạm theo quy định pháp luật, tuyệt đối không tin các bên (giả mạo luật sư, chuyên gia an ninh mạng) hứa hẹn thu hồi tiền bị treo, lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến.

Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường dùng là cho các nạn nhân được hưởng mức "hoa hồng" cao. Lúc đầu, với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng "hoa hồng" đầy đủ. Sau khi tạo được lòng tin với các nạn nhân, các đối tượng dẫn dụ chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn ở những lần tiếp theo, sau đó đưa ra nhiều lý do để không hoàn tiền và thanh toán "hoa hồng" như cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi... Nếu muốn nhận lại tiền phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ số tiền trước đó...

Thời gian qua, tại TPHCM, nhiều phụ nữ dính bẫy chiêu trò "xem video kiếm tiền", mất hàng trăm triệu đồng. Đơn cử, chị L.T.H (23 tuổi) được người đàn ông tự xưng là nhân viên Điện Máy Xanh gọi điện thoại mời tham gia xem video trên Telegram để kiếm tiền, với nhiệm vụ chỉ bấm like (thích) sau khi xem video. Cứ đánh giá 3 sản phẩm, chị được trả 60 ngàn đồng bằng chuyển khoản. Sau đó, anh ta yêu cầu chị H. tải ứng dụng Telegram để làm nhiệm vụ like sản phẩm... Chị H. like đến sản phẩm thứ 5 thì được yêu cầu đặt lệnh mua hàng ảo với số tiền thấp nhất là 160 ngàn đồng, cao nhất là 3 triệu đồng để hưởng 30% hoa hồng. Chị chọn sản phẩm 160 ngàn đồng, được trả tới 330 ngàn đồng và chuyển sang làm nhiệm vụ tiếp theo. Thấy họ trả tiền sòng phẳng, chị H. tiếp tục like và đặt lệnh mua hàng ảo giá trị từ 3 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Khi H. chuyển khoản 40 triệu đồng cuối cùng thì bị các đối tượng cho ra khỏi nhóm, chặn liên lạc. Tổng số tiền chị H. bị các đối tượng dẫn dụ nhiều lần là gần 152 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn trên, chị T.H.B (35 tuổi) bị các đối tượng lừa chiếm đoạt gần 10 triệu đồng. Theo chị B, nhóm của chị gồm 4 người tham gia chơi và do một tài khoản có tên C.E.O Xuân Thành quản lý, giao nhiệm vụ. Tất cả người chơi trong nhóm chọn nhiệm vụ giống nhau mới có thể thực hiện. Sau khi chọn đơn hàng, người chơi chuyển tiền vào số tài khoản tên To Thi Kim Huong do C.E.O Xuân Thành cung cấp và chụp hình báo cáo để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc phát hiện bị lừa đảo, chị B. bị cho ra khỏi nhóm và chặn liên lạc. Ngoài ra, chị B. còn bị C.E.O Xuân Thành ghép hình ảnh cá nhân, số điện thoại cùng với thông tin bôi nhọ danh dự và đưa lên mạng xã hội.

Người dân bị lừa qua mạng khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2023

Thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, tổng số tiền người dân bị lừa đảo qua mạng trong năm 2023 khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo thống kê, 91% vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính và có đến 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội... thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo. Cũng trong năm 2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (trực thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP).

Tin nhắn kẻ gian dẫn dụ bị hại chuyển tiền

Bình luận (0)

Lên đầu trang