"Ngậm trái đắng" do cả tin
Sử dụng hình ảnh có ngoại hình đẹp và lôi cuốn, đối tượng lừa đảo tiếp cận mục tiêu để tán tỉnh nạn nhân (đa phần là mẹ đơn thân) và tiến hành dụ dỗ họ đầu tư tài chính... Tuy không phải là thủ đoạn mới, nhưng gần đây tình trạng này xuất hiện trở lại đã khiến nhiều phụ nữ "sập bẫy".
Điển hình là trường hợp của chị Lê Kiều M. (ngụ TPHCM). Sau khi trở thành mẹ đơn thân, chị được một người đàn ông tên Thanh đề nghị kết bạn trên Zalo, giới thiệu là trưởng phòng IT của một công ty có tiếng tăm, hiện cũng là bố đơn thân. Nhiều lần trò chuyện, người đàn ông này chia sẻ về công việc, chuyện con cái khiến M. dần tin tưởng.
Đến một ngày, Thanh thông báo được cử sang Ma Cao để nâng cấp phần mềm cho công ty khách hàng. Trước khi đi và đến nơi, anh ta đều quay chụp, chia sẻ với chị M. Hôm sau, Thanh bất ngờ thông báo không được dùng điện thoại vì công ty khách hàng là casino nên không thể livestreams. Tuy nhiên, trong lúc làm việc, Thanh đã tìm ra một lỗi nhỏ trên phần mềm của họ nên nhờ chị M. đăng nhập, nạp tiền vào game để anh ta kiếm thêm thu nhập. Theo đó, cứ nạp vào 100 triệu đồng sẽ được lời 30 triệu đồng.
Sau vài lần giúp Thanh đặt cược và rút tiền về tài khoản cho anh ta, chị M. càng tin tưởng hơn. Đến lúc này, Thanh bắt đầu dụ chị M. mở tài khoản, kiếm thêm tiền để mua sữa cho con. Lần đầu, M. chơi với số tiền 10 triệu đồng, cũng thử nạp và rút tiền đều thành công. Thấy kiếm tiền dễ dàng, M. liền rút tiết kiệm và đi vay mượn với gần 200 triệu đồng để tiếp tục chơi. Tuy nhiên, trong phiên cuối cùng, M. rút tiền nhưng không thấy chuyển vào tài khoản. Hỏi bên chăm sóc khách hàng, chị được biết phải nộp thuế 10% giá trị tài khoản rút tiền.
Tưởng thật, M. liền xoay sở vay tiền để nộp thuế nhưng vẫn chưa nhận được tiền đã nạp với lý do Thanh cũng chưa nộp thuế (do tài khoản của 2 người cùng một địa chỉ IP). M. liền hối thúc người tình, nhưng Thanh lại nhờ chị đóng giúp vì tiền đã đổ hết vào game. Do không thể vay được tiền, chị M. quyết định bỏ cuộc. Ngay lập tức Thanh chặn mọi liên lạc.
Quảng cáo lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội
Tương tự, chị H.L (43 tuổi, ngụ TPHCM) cũng bị người đàn ông quen biết qua ứng dụng hẹn hò online lừa mất hàng trăm triệu đồng. Theo lời kể, L. quen David Dung qua mạng xã hội Facebook. Anh ta tự xưng là thương nhân buôn sầu riêng Thái Lan, sở hữu 10ha nhà vườn ở tỉnh Bến Tre. Sau nhiều lần nói chuyện, David Dung than thở không thiếu gì ngoài một người phụ nữ của đời mình, khiến chị H.L xiêu lòng và cũng nhen nhóm hy vọng được làm bà chủ vựa sầu riêng tiền tỷ. Thời gian sau, lấy lý do đang có đơn hàng sầu riêng trị giá 3 tỷ đồng mà công ty chưa thanh toán kịp tiền của đối tác, David Dung nhắn cho L. hỏi mượn, một tuần sau tất toán đơn hàng sẽ trả lại, đồng thời có thêm khoản "hoa hồng" cảm ơn hậu hĩnh...
Tin lời, chị L. liền ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền tiết kiệm 180 triệu đồng chuyển cho người tình. Sau đó, vẫn chiêu dẫn dụ bằng tình cảm lâm li bi đát của "người tình xuyên biên giới", dù đã hết sạch tiền nhưng L. vẫn sẵn lòng đi vay thêm 100 triệu đồng với lãi suất cao rồi chuyển cho David Dung để... đầu tư "hoa hồng". Có tiền, David Dung liền tắt app, xóa dấu vết khiến chị L. một mình ôm đống nợ.
Cũng đánh vào tâm lý chia sẻ nỗi buồn và đầu tư tiền sinh lãi, kẻ gian đã "ẵm" của chị Lê Ngọc B. (SN 1985) hơn 1 tỷ đồng. Điều đáng nói, để thâu tóm tâm lý của những phụ nữ thiếu thốn tình cảm gia đình, bọn lừa đảo từng bước xoay vòng con mồi khiến họ không kịp suy tư đắn đo, thật giả. Theo nạn nhân, B. là mẹ đơn thân, ly hôn 8 đã năm. Bỗng một ngày chị nhận được tin nhắn của người đàn ông tên Khánh (đang sống tại Canada) làm quen qua Facebook. Và rồi những cuộc gọi cứ thế diễn ra ngày một nhiều hơn, chị B. yêu lúc nào không hay.
Qua tâm sự, Khánh than thở rằng đang kinh doanh nhà hàng, nhưng do dịch Covid-19 nên lâm cảnh khó khăn. Vì không muốn cha mẹ già ở quê lo lắng, Khánh không dám hỏi mượn tiền. Khi nghe anh ta khẩn thiết nhờ B. giúp đỡ, chị không đắn đo suy nghĩ, đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho "người tình trên mạng". Cứ tưởng anh ta mượn vài hôm sẽ chuyển tiền gốc và lãi như đã hứa, nào ngờ chỉ sau nửa giờ, Khánh chặn mọi liên lạc. Cảm giác như trời sập xuống đầu mình, chị ráo riết lên mạng tìm Khánh nhưng vô vọng...
Một trang web đầu tư tài chính của kẻ gian
Chiêu trò thao túng tâm lý
Chia sẻ trên mạng xã hội, chị Đ.T.T.H (38 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết đã bị lừa mất 280 triệu đồng khi tìm việc làm trên mạng. Sau khi thất nghiệp, H. không xin được việc nên lên mạng xã hội tìm kiếm nguồn hàng để bán online. Khi đăng ký trở thành đại lý của một thương hiệu mỹ phẩm nhập khẩu, chị được "giám đốc" kinh doanh gửi đường link để đăng ký thông tin. Vài ngày sau, H. được yêu cầu khai báo tài khoản ngân hàng để thuận lợi cho việc chuyển tiền mua bán.
"Khi đăng ký, tôi thấy công ty tặng nhà phân phối 20 triệu đồng vì trong đợt khuyến mãi. Số tiền đó sẽ được cấn trừ khi nhập hàng chính thức. Vài ngày sau, họ báo tin tôi may mắn được chọn ngẫu nhiên và trúng 150 triệu đồng tiền thưởng dù chưa ký hợp đồng. Lúc đó tôi như người trên mây dù tiền chưa về tài khoản. Bằng cách thao túng tâm lý chuyên nghiệp, nhóm lừa đảo yêu cầu tôi đóng tiền mặt để rút tiền thưởng về, từ 5 triệu đồng rồi nâng dần lên 280 triệu đồng. Nhưng khi biết tôi không còn khả năng đóng thêm tiền, bọn chúng chặn hết mọi liên lạc", chị H. kể.
Là một trong những nạn nhân của chiêu trò lừa đảo qua mạng, chị N.T.Đ (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, bọn chúng rất tinh vi, dùng nhiều chiêu trò khác nhau nhằm thao túng tâm lý, từng bước đưa nạn nhân vào bẫy. Ban đầu bọn chúng sẽ dùng những lời ngon ngọt để dẫn dụ nạn nhân, thậm chí sẵn sàng bỏ ra một số tiền câu nhử để chiếm được lòng tin. "Như trường hợp của tôi, do tâm lý muốn làm việc tại nhà nên chúng hứa hẹn cho tôi công việc làm cộng tác viên. Sau đó, bọn chúng trả thù lao vài lần đầu, rồi lấy đủ lý do nào là nạp tiền làm nhiệm vụ, nạp tiền phí... để chiếm đoạt gần 200 triệu đồng của tôi", chị Đ. bức xúc.
Một nạn nhân khác cũng bị lừa đảo qua không gian mạng với số tiền gần 4 tỷ đồng, đó là chị V.N (ngụ quận Bình Thạnh). Nạn nhân cho biết, chị bị lừa bởi chiêu thức nhận thông báo trúng thưởng. Kẻ gian tiếp cận chị qua Zalo để thông báo mua hàng và trúng thưởng. Ban đầu chúng gửi tặng N. một nồi cơm điện tạo sự tin tưởng để tham gia nhóm qua Telegram thực hiện nhiệm vụ nhận thưởng. Với nhiệm vụ chuyển khoản để nhận tiền lãi, chị đã mất số tiền trên.
Từ các vụ việc đã nêu, mong người dân nâng cao cảnh giác để tránh "sập bẫy" bọn lừa đảo.