CÒN CHỜ DÀI DÀI
Thành phố cũng đặt quyết tâm đầu tư hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2 trong giai đoạn 2021 - 2025 để phát huy mạng lưới giao thông thành phố theo quy hoạch. Đó là những tin vui đối với người dân khu Đông thành phố. Bởi lẽ hiện nay, tình trạng TNGT xảy ra liên tục trên các tuyến đường: Nguyễn Duy Trinh, Xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ... vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân.
Theo nhiều người dân sinh sống tại Q9, hiện nay đường Nguyễn Duy Trinh rất nhỏ, rộng chỉ khoảng 7m, với 2 làn xe cho hai chiều ngược và xuôi, chỉ cần 2 container tránh nhau đã chiếm gần hết mặt đường. Những người đi xe máy trên đoạn đường này luôn căng thẳng, lo sợ và luôn phải thận trọng, vì nếu không quan sát kỹ, rất dễ xảy ra va chạm với xe container.
Trong nhiều vụ TNGT xảy ra trên đường này, khi người đi xe máy gặp tình huống 2 xe container tránh nhau thì bị ép vào lề, dễ dẫn đến mất bình tĩnh, té xe và gặp nạn. Nguy hiểm nhất là đoạn ngã ba rẽ vào cảng Phú Hữu.
Người điều khiển xe máy đi sát container trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q9.
Trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh từng xảy ra những vụ TNGT để lại hậu quả cực kỳ thảm khốc. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra lúc 21 giờ 30 ngày 3-10-2019. Vào thời điểm trên, nam thanh niên tên Long (29 tuổi, quê Hậu Giang) đi xe máy BS: 95F1-000.48 lưu thông trên đường Nguyễn Duy Trinh hướng từ cảng Phú Hữu về vòng xoay Phú Hữu (P.Phú Hữu, Q9).
Khi vừa qua khỏi cầu Huyện Thanh, xe anh này xảy ra va chạm với xe container BS: 51C-250.19 đang lưu thông hướng ngược lại. Sau va chạm, xe máy bị xe container kéo lê về phía trước, anh Long ngã văng vào xe container BS: 51C-964.71 và bị cán tử vong.
Gần đây, khoảng 23 giờ ngày 24-2-2020, trên đường Nguyễn Duy Trinh đoạn qua địa bàn P.Long Trường (Q9) xảy ra vụ tai nạn làm một người tử vong. Lúc này, anh Nguyễn Văn Hiện (SN 1974, quê Hậu Giang) điều khiển xe máy hướng vòng xoay Phú Hữu - đường Nguyễn Xiển.
Khi vừa đổ hết dốc cầu Ông Nhiêu, xe anh bất ngờ va chạm với ôtô 4 chỗ chạy cùng chiều phía trước. Hậu quả, anh Hiện cùng phương tiện ngã ra đường, bị xe container lưu thông hướng ngược lại thắng không kịp và cán qua người. Mặc dù được người dân đưa tới bệnh viện cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong vì vết thương quá nặng. Sau tai nạn, ôtô 4 chỗ nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Chiếc xe máy nằm trọn dưới bánh xe container.
Ước tính trong 3 năm gần đây đã có 20 người chết trên đoạn đường chỉ hơn 1,5km từ vòng xoay Phú Hữu đến Đường 990. Tai nạn chủ yếu là va chạm xảy ra giữa xe tải, xe container với xe máy. Trên thực tế, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường Vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu (Q9) dài 1,6km đã được phê duyệt.
Theo kế hoạch, dự kiến con đường sẽ được mở rộng lên 30m cho 4 làn ôtô và 2 làn xe máy lưu thông. Trong đó, sẽ mở rộng nút giao thông Nguyễn Duy Trinh và Đường 990 để đảm bảo tổ chức giao thông đi các hướng thuận tiện, an toàn, phù hợp với mặt cắt ngang hoàn chỉnh của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; ưu tiên cho dòng xe từ Đường 990 ra vào đường Nguyễn Duy Trinh.
Dự án có tổng mức đầu tư là 832,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 507,9 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 254,5 tỷ đồng... Tuy nhiên, thời gian công trình khởi công, xây dựng dự kiến ít nhất là đến năm 2021. Vì vậy, người dân địa phương sẽ vẫn còn đối mặt với nguy hiểm dài dài.
Công an đang giải quyết một vụ tai nạn nghiêm trọng.
Vừa qua, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ tại khu vực Q9 và Q2, Sở GTVT tiến hành cải tạo kích thước hình học 24 giao lộ; lắp đặt bổ sung dải phân cách di động, dải phân cách ngăn lấn trái tại 25 vị trí, đóng 13 điểm mở dải phân cách biên trên tuyến Xa lộ Hà Nội, lắp đặt dải phân cách trên đường song hành Xa lộ Hà Nội (Q9), dịch chuyển dải phân cách trên cầu Sài Gòn 2; lắp đặt bổ sung 24 chốt đèn tín hiệu giao thông, 11 bộ đèn chớp vàng; thường xuyên rà soát, điều chỉnh 63 chốt đèn tín hiệu giao thông. Đồng thời tổ chức phân luồng giao thông, điều chỉnh tại 45 vị trí, khu vực. Trong đó, có phương án cấm xe tải lưu thông theo giờ trên đường Lã Xuân Oai.
Người dân tại khu vực này cho biết, những giải pháp trên là chưa đủ. Để giải quyết tận gốc vấn đề, các cơ quan chức năng cần cấp tốc mở đường khác cho xe tải ra vào cảng Phú Hữu, tránh tình trạng xe tải và xe máy đi chung đường hẹp, dễ dẫn đến va chạm và xảy ra tai nạn như thời gian qua. Đồng thời, nghiên cứu giãn lượng hàng hóa từ cảng Cát Lái về cảng Hiệp Phước, để giảm lượng phương tiện quá lớn ra vào khu vực này.
CẦN ĐẦU TƯ NHIỀU HƠN CHO ĐƯỜNG THỦY
Hiện nay, một trong những biện pháp hỗ trợ cho hạ tầng khu Đông thành phố nói chung và toàn thành phố nói riêng là hệ thống đường giao thông thủy. Toàn thành phố hiện có tổng cộng 92 tuyến đường thủy nội địa, với chiều dài là 598,7km. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kết nối với các cảng biển tại TPHCM chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa khai thác hết tiềm năng của hệ thống cảng biển, đặc biệt là khu cảng biển mới Hiệp Phước, trong khi lượng hàng hóa tập trung về khu cảng Cát Lái.
Ngổn ngang trên đường Lương Định Của, Q2.
Thành phố cũng chưa phát triển đồng bộ hệ thống bến sà lan, hệ thống cảng cạn kết hợp thực hiện dịch vụ logistics phục vụ hoạt động của cảng biển. Chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố và gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép bến thủy nội địa, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp và người dân rất lớn.
Cạnh đó, tuyến giao thông thủy trọng điểm còn vướng các công trình vượt sông đã được xây dựng từ lâu, tĩnh không, khẩu độ không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác vận tải đường thủy. Tại TPHCM, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong năm 2019 chiếm 35,20% so với vận tải bằng đường bộ. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư cho đường thủy tính cho 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ.
Theo thống kê của các chuyên gia, trong khi vận tải đường thủy nội địa chiếm khoảng 48% tổng tải trọng vận chuyển của cả nước thì 80% đầu tư cho giao thông vận tải lại dành cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ. Trong khi đó, các dự án đầu tư về giao thông đường bộ kết nối, đặc biệt là đường trục Bắc - Nam kết nối với cảng Hiệp Phước, nút giao Mỹ Thủy, đường Vành đai 2 và các tuyến đường kết nối với cảng Cát Lái lại chậm tiến độ.