Trục đường dài 2,5 km ùn tắc nghiêm trọng
Ở hướng Nhà Bè vào trung tâm TP, người dân sẽ đi theo trục đường Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành. Trục đường chỉ dài 2,5km nhưng người dân cho biết nhiều khi họ phải mất cả tiếng đồng hồ mới vượt qua được. Theo ghi nhận của PV, tuyến đường nhỏ lại có nhiều xe buýt, xe tải cỡ lớn lưu thông vào giờ cao điểm nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Đáng lẽ người dân chỉ mất khoảng 10 phút để vào trung tâm TP thì đến nay họ phải mất ít nhất nửa tiếng, thậm chí cả giờ đồng hồ để đi qua được đoạn đường ngắn này.
Từ nhiều năm nay, khu Nam TPHCM đang có rất ít cây cầu kết nối vào trung tâm TP. Từ đầu thế kỷ 20, chỉ có cầu Tân Thuận làm nhiệm vụ kết nối trung tâm TP với khu Nam (Q1, Q4 với Q7, Nhà Bè). Gần 100 năm sau mới có thêm cây cầu thứ hai là cầu Kênh Tẻ để chia bớt áp lực cho cầu Tân Thuận. Năm 2005 cầu Tân Thuận 2 được đưa vào sử dụng, năm 2009 có thêm cầu Nguyễn Văn Cừ ở đoạn cuối kênh Tẻ. Tuy nhiên, các cây cầu này đều nhanh chóng rơi vào trạng thái quá tải. Vì vậy, rất nhiều người dân ở đây mong mỏi có thêm các cây cầu kết nối phía Nam với trung tâm TP để xóa bỏ ùn tắc ở khu vực này.
Vừa thoát được cảnh kẹt xe, anh Trần Văn Công, (ngụ Cư xá Ngân hàng, P.Tân Thuận Tây, Q7) chia sẻ: Tôi chuyển về Q7 cách đây 15 năm, lúc đó đường Trần Xuân Soạn nối với cầu Tân Thuận tình hình ANTT khá phức tạp. Đường về đêm khá vắng vẻ và gần như chúng tôi không dám đi khung giờ này. Sau này, hàng loạt dự án bất động sản ở khu vực Q7 mọc lên, đường sá dần đông đúc và tình trạng kẹt xe bắt đầu xảy ra. Đến nay con đường trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi di chuyển vào trung tâm TP và ngược lại.
Theo ghi nhận thực tế của PV, trong các khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và khoảng 16 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, hướng từ Q.4 sang Q.7, hàng loạt xe máy, ôtô xếp hàng dài trên đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Khoái, Khánh Hội... để rồi sau đó nhích từng chút một lên cầu Kênh Tẻ. Phía đường Hoàng Diệu là một hàng dài ôtô, xe máy khác đang chờ đến lượt để vào đường Khánh Hội. Ở hướng ngược lại, phía đầu cầu Q7 cũng có hàng xe kéo dài đến giao lộ Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ đang chờ lên cầu.
Người dân sống tại khu vực Q7, Nhà Bè nhiều lần phản ánh hai tuyến đường độc đạo từ phía Nam vào trung tâm TP nhanh nhất hiện nay là cầu Kênh Tẻ và đường Nguyễn Tất Thành thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải. Thực trạng đó kéo dài nhiều năm nay khiến người dân hằng ngày phải "chơi trò vượt chướng ngại vật" khi cho xe nhích từng chút để qua hai tuyến đường này, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Đây cũng là khu vực có tốc độ tăng giá nhà thuộc nhóm cao nhất tại TPHCM, bất chấp việc những con đường kết nối khu vực này với trung tâm TP luôn trong tình trạng quá tải.
Kẹt xe nghiêm trọng đường dẫn lên cầu Kênh Tẻ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 10 năm trở lại đây, khu vực Nam Sài Gòn là một trong những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TPHCM. Khu Nam Sài Gòn gồm: Nhà bè, Q7, Q8 ngày càng có nhiều dự án chung cư, cao ốc mọc lên. Chỉ riêng Q7 đã có 132 chung cư khiến mật độ cư dân nơi đây rất đông đúc, phương tiện đi lại không ngừng tăng cao. Trong khi đó, khu vực này được kết nối với trung tâm TP bằng các cầu Tân Thuận, Kênh Tẻ, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ... với mặt đường nhỏ hẹp nên tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra.
Ở trục đường Nguyễn Hữu Thọ - con đường chính nối từ Q7 vào trung tâm qua cầu Kênh Tẻ. Đây là khu vực tập trung dày đặc các tòa chung cư với hàng trăm nghìn căn hộ. Con đường luôn trong tình trạng kẹt xe kéo dài, đặc biệt trong giờ cao điểm. Anh Lê Nguyên Ý, ngụ chung cư Hoàng Anh Gia Lai, Q7 cho biết, anh làm ở Q3 nên hằng ngày phải đi về trên tuyến đường này. "8 giờ tôi mới làm việc mà phải đi vào lúc 6 giờ 30, trong khi quãng đường chỉ khoảng 5km. Mỗi sáng tôi đều định sẵn là sẽ kẹt xe nên thường đi làm sớm nhưng có thể nhiều người suy nghĩ giống tôi nên mới 6 giờ 30 đường đã kẹt cứng".
Mở rộng đường Nguyễn Tất Thành
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ huyện Nhà Bè chia sẻ: Để đi vào TP thì người dân Q7, Nhà Bè đành phải đi vào đường Nguyễn Tất Thành hoặc Nguyễn Hữu Thọ cho nhanh, nhưng có lẽ đây lại là hai con đường mất nhiều thời gian nhất. Vượt qua điểm kẹt Huỳnh Tấn Phát vào đường Nguyễn Văn Linh lại rơi vào điểm kẹt Nguyễn Hữu Thọ rồi lại tiếp tục nỗi khổ qua cầu Kênh Tẻ. Cầu nhỏ và hẹp quá, chỉ cần vài chiếc xe buýt, ôtô đi lên là bị choán gần hết phần đường. Xe máy như chúng tôi đành phải len lỏi để nhích từng chút một mới thoát qua được đoạn cầu. Thực sự tôi không biết đi đường nào nữa.
Xe máy lao lên vỉa hè để thoát điểm kẹt xe
Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại Q7 nối Q4 qua cầu Kênh Tẻ, có độ rộng mặt đường cho xe chạy khoảng 12m, phần lề 2 bên cho người đi bộ khoảng 1m/mỗi bên. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế vào giờ cao điểm, hai "nút cổ chai" cầu kênh Tẻ, Nguyễn Văn Cừ lại khiến người dân phải ì ạch nối đuôi nhau qua cầu do lượng xe quá đông, xe máy tràn cả lên vỉa hè, chen lấn giữa làn ôtô.
Theo người dân Q7, nếu trước đây cầu Kênh Tẻ được làm rộng 30m đồng bộ với bề rộng quy hoạch đường Nguyễn Hữu Thọ thì không xảy ra tình trạng kẹt xe. Thế nhưng, cuối cùng cầu chỉ rộng 14m. Xảy ra kẹt xe, cơ quan chức năng sửa sai, lẽ ra làm cầu mới rộng 16m bên cạnh cầu cũ để có tổng cộng bề rộng được 30m thì lại cơi nới, chắp vá thêm mỗi bên chỉ một mét. Việc này tốn kém gần 90 tỉ đồng, gây khó khăn cho người dân lưu thông qua cầu mà không giải quyết được tình trạng kẹt xe là bao nhiêu.
Nhà ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q7), anh Hoàng Hữu Thắng cho biết, luôn cảm thấy ức chế mỗi khi có việc phải vào trung tâm Sài Gòn bất kể vào thời điểm đường nào cũng rơi vào tình trạng kẹt xe. Nghiêm trọng nhất là vào giờ cao điểm sớm - chiều. Đi hướng cầu Tân Thuận thì tắc ở đường Nguyễn Tất Thành. Đi ở đường Nguyễn Hữu Thọ thì kẹt ở cầu Kênh Tẻ, vòng qua Q8 thì vướng cầu Chữ Y. Theo anh Thắng, nhà ở Q7 muốn qua Q1 chỉ dài 2,5km nhưng người dân phải mất tới 20-30 phút di chuyển, ngày cao điểm có khi lên tới cả tiếng đồng hồ. Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của cư dân Q7 mỗi ngày đi làm khi vượt qua cầu Kênh Tẻ.
Kẹt xe nối dài dẫn tới giao thông hỗn loạn
Để giải quyết tình trạng này, giữa năm 2017 Sở Giao thông vận tải TPHCM đã cho thi công mở rộng cầu Chữ Y và Kênh Tẻ để tăng năng lực giao thông, trong khi chờ các dự án mới. Theo đó, tại phần cầu dẫn ở đầu Q4 và Q7 của cầu Kênh Tẻ, lề đi bộ (mỗi bên một mét) được tháo dỡ, nâng chiều rộng mặt đường từ 12m lên 14m. Phần cầu chính rộng 14m được mở rộng lên 16,5m. Ở hai biên có những đòn tay vươn ra ngoài thành cầu, làm bản mặt mới để tạo thành lề đi bộ mỗi bên rộng một mét. Tuy nhiên phương án này vừa tốn kém nhưng cũng không giải quyết được hậu quả.
Để giải quyết tình trạng kẹt xe căn cơ cho khu Nam, UBND Q4 đã có kiến nghị UBND TPHCM mở rộng đường Nguyễn Tất Thành về phía cảng Sài Gòn với lý do tuyến đường đang là điểm nghẽn giao thông. Theo UBND Q4, đường Nguyễn Tất Thành, một trong những tuyến đường chính của Q4, nối trung tâm TP với khu Nam gồm Q7, H.Nhà Bè hiện có lòng đường rộng khoảng 14m, vỉa hè phía cảng Sài Gòn 2m, phía đối diện 4m. Sắp tới, khi dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội hoàn thành với dân số được duyệt gần 13.000 người, lượng người và xe lưu thông trên tuyến đường này sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Vì vậy, UBND TP cần sớm bố trí kinh phí đầu tư mở rộng tuyến đường trước khi dự án khu phức hợp này hoàn thành.
Xe máy tràn ra cả đường ôtô để thoát điểm kẹt
Trong khi đó, Sở GTVT cũng cho rằng, lượng xe qua lại tuyến đường ngày càng tăng, là 1 trong 25 điểm đen tai nạn giao thông nghiêm trọng của TPHCM. Theo quy hoạch, hai đại dự án đường trục Bắc - Nam (9.300 tỷ đồng, nối Q7, 4 và Nhà Bè) và cầu Thủ Thiêm 4 (5.200 tỷ đồng nối quận 2 và 7) được kỳ vọng giải quyết đáng kể tình trạng kẹt xe ở khu Nam. Tuy nhiên, cả hai dự án này hiện mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu nên chưa biết khi nào mới thực hiện.