(CATP) Các đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công... dẫn vào cảng Cát Lái là điểm nóng về tình trạng ùn tắc, TNGT từ nhiều năm qua. Trung bình mỗi ngày cảng Cát Lái đón khoảng 14.000 lượt ôtô tải, xe container, xe siêu trường siêu trọng ra vào, có ngày cao điểm lên tới 20.000 chiếc. Do lượng phương tiện quá nhiều nên các giải pháp như phân luồng, điều tiết giao thông... chỉ có tác dụng giảm thiểu tình trạng xấu nhất. Trong khi đó, hạ tầng giao thông kết nối với cảng không được đầu tư đúng tầm, nên các tuyến đường thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng.
Mở thêm đường để giảm kẹt xe
Những ngày cuối tháng 3-2021, chúng tôi thường xuyên có mặt tại các tuyến đường Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định... chứng kiến cảnh kẹt xe nghiêm trọng trên các tuyến này... bất kể ngày đêm. Có hôm tình trạng ùn tắc kéo dài 3 - 4 tiếng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân và giới tài xế, nguyên nhân là do tất cả các loại phương tiện lưu thông vào cảng Cát Lái đều phải đi qua vòng xoay Mỹ Thủy khiến khu vực trở nên quá tải, thậm chí các cổng phụ của cảng nằm trên những tuyến đường nhánh cũng cùng chung số phận!
Để tìm giải pháp chống kẹt xe cho tuyến này, anh Diệp Phi Sáng - Tổ phó KP3, phường Cát Lái, người sinh ra và lớn lên tại TP.Thủ Đức (TPHCM) - dẫn chúng tôi đi thực tế để tìm hiểu. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là đường D4 được đổ bê-tông (chạy song song với tuyến Nguyễn Thị Định) dài 500m, rộng 15m, nhưng rất ít người và phương tiện lưu thông. Theo anh Sáng, đường D4 nếu được giải tỏa sẽ thông với đường A chạy thẳng vào cổng cảng Cát Lái. Dù tuyến này đã được xây dựng nhiều năm trước nhưng đến nay đoạn dài hơn 700m (là đất ruộng) vẫn chưa giải tỏa xong nên không thể lưu thông.
Tất cả các con đường dẫn vào cảng Cát Lái đều ùn tắc
Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến D4 nếu thông với đường A sẽ dài hơn 2km, mặt đường rộng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tuy nhiên đoạn ruộng gần 700m chưa được đền bù, giải tỏa nên chỉ để cỏ mọc cho bò gặm. Theo anh Sáng, nếu đường D4 thông với tuyến A sẽ trở thành cứu cánh để các loại phương tiện 2 bánh, ôtô tải, xe container lưu thông nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc cho các đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định. Trong những lần tiếp xúc cử tri với các đại biểu từ HĐNDTP đến Quốc hội, anh Sáng đã nhiều lần hiến kế để cơ quan chức năng sớm giải tỏa 700m đường còn lại giúp tuyến này thông suốt, giải tỏa tình trạng kẹt xe cho toàn khu vực.
Để giải quyết bài toán giảm ùn tắc cho các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - thừa nhận, tình trạng ùn tắc trên các tuyến Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công diễn ra thường xuyên nhiều năm qua. Hiện nay, luồng giao thông độc đạo vận chuyển hàng hóa dẫn vào cảng Cát Lái thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài. Tình hình này ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của TP. Không dừng lại đó, tại khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Theo Sở GTVT TPHCM, thời gian qua khu vực các tuyến dẫn vào cảng Cát Lái thường xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Trong khi đó, cảng Cát Lái mỗi ngày đang xếp dỡ tới một nửa lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu của cả nước nhưng nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe nghiêm trọng cả trong lẫn ngoài. Trung bình mỗi ngày cảng Cát Lái đón nhận 17.000 xe container/ngày đêm, lúc cao điểm lên đến 20.000 - 21.000 chiếc, chưa tính các loại ôtô khác lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định nhưng không vào cảng, dẫn đến tuyến này liên tục rơi vào tình trạng quá tải.
Bàn về giải pháp chống kẹt xe cho các đường Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định..., ông Cao Thanh Bình - Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐNDTP - cho rằng, những năm gần đây chính quyền TP đã có nhiều giải pháp căn cơ để kéo giảm tình trạng ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái. Mới đây, Phó chủ tịch UBNDTP Võ Văn Hoan đã đồng ý cho phép Sở Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu thực hiện công trình mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, dài gần 2km) và tuyến Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường ra vào cảng Phú Hữu, Q9).
Để giải quyết tình trạng ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái, TP đã cho phép Sở GTVT xây dựng phương án kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2, hiện xong bước khảo sát thiết kế, bản vẽ thi công, đang chờ sự chấp thuận của UBNDTP. Cụ thể, DA xây tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến tuyến Vành đai 2 được Sở GTVT trình UBNDTP là xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái theo hành lang ống dẫn khí đã được quy hoạch vào hệ thống đường hiện hữu của các khu dân cư 152ha, 66ha phía bắc cảng Cát Lái. Dự án có chiều dài 1,552km với 4 làn xe, chia làm 2 đoạn: đoạn 1 từ đường 57-CL đến đường số 9 dài 0,5km, đoạn 2 từ đường số 9 đến Vành đai 2 dài 1,052km (bao gồm cầu bắc qua rạch Nghi). Tổng mức đầu tư DA gần 430 tỉ đồng, trong đó có hơn 185 tỉ dành cho giải phóng mặt bằng.
Đường thủy sẽ "chia lửa" cho tuyến bộ
Để giảm tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái, ông Sáng cho rằng TP cũng cần tính đến phương án phát triển giao thông thủy nội địa kết nối với cảng Cát Lái. Trên thực tế, hiện nay trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM... có rất nhiều KCN nằm gần sông, thuận tiện cho việc phát triển đường thủy nội địa. Các luồng tàu từ sông Sài Gòn, Rạch Chiếc, sông Đồng Nai, Vàm Cỏ... nếu tham gia vận chuyển hàng hóa sẽ trở thành cứu cánh nhằm giải tỏa ùn tắc cho tuyến giao thông bộ. Không dừng lại đó, mỗi chiếc sà lan khi đưa vào vận chuyển sẽ có sức chở lớn gấp nhiều lần so với những xe container lưu thông trên đường. Trong khi đó, chi phí vận tải thủy lại rẻ gấp nhiều lần so với đường bộ, mà còn giúp giảm được tình trạng kẹt xe.
Hai bên làn xe tắc thành đoàn dài
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Sơn - Viện phó Viện quy hoạch đô thị - cho rằng, với các cảng biển lớn trên thế giới, việc kết nối các cảng qua hệ thống đường bộ không phải là chủ lực, mà phải qua hệ thống đường thủy và đường sắt chuyên dụng. Tại TPHCM và các tỉnh phía Nam có rất nhiều sông, kênh rạch, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tuyến thủy nội địa. Trong khi đó, vận tải thủy cho các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu lẽ ra phải thực hiện từ lâu, nhưng đến nay các tuyến thủy nội địa về miền Tây, Bình Dương, Đồng Nai... vẫn chưa được chú trọng phát triển. "Dù lợi thế của các tỉnh phía Nam có nhiều sông, kênh rạch nhưng sao đến nay chúng ta vẫn chưa tiến hành? Trong khi đó phí vận tải bằng đường thủy nội địa chỉ bằng 1/3 so với đường bộ, nhưng sao chúng ta vẫn chưa thực hiện?...", ông Sơn đặt câu hỏi.
Theo ông Sơn, vận tải thủy nội địa đi xa càng có hiệu quả, ngược lại tuyến đường bộ thì ngắn mới có hiệu quả. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần thiết lập các ICD (cảng cạn trung chuyển container) trong vùng, tận dụng phương thức vận tải thủy nội địa chuyên chở container về các cảng Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải. Theo đó, đường thủy nội địa phải được tận dụng để "chia lửa" với tuyến bộ. Mặt khác, cần tập trung dồn sức khai thông các tuyến thủy nội địa trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai..., vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng bằng sà lan để kết nối với các cảng Cát Lái nhằm kéo giảm áp lực cho tuyến bộ.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, việc nâng cao năng lực cho cảng Cát Lái để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Mới đây, sở và các cơ quan chức năng đã có buổi họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng kẹt xe cho các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái. Tại cuộc họp, sở đã yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 2 trình gấp DA làm đường kết nối từ cảng Cát Lái ra tuyến Võ Chí Công nhằm kéo giảm áp lực giao thông cho tuyến đường độc đạo Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống.
Sở đã đề xuất xây dựng DA đường nối từ cảng Cát Lái ra tuyến Vành đai 2. Ngoài ra, một số DA khác cũng sẽ được xúc tiến như nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến đường vào KCN Cát Lái); khai thông tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn nhằm giảm áp lực vận chuyển hàng hóa cho đường bộ từ Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương về cảng Cát Lái. Ngoài ra, sở cũng đang đẩy nhanh các giải pháp công trình, đặc biệt là đường Vành đai 2, để kết nối với các tuyến trọng điểm, kéo giảm ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái. Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM tiếp tục nghiên cứu thành lập trung tâm điều tiết giao thông thông minh thứ 2 (đặt tại Cát Lái) để điều tiết giao thông, giảm kẹt xe cho khu vực cảng này.
(CATP) Trong vòng 5 năm trở lại đây, các quận 2, 9 và Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của thành phố (TP). Chỉ trong mấy năm gần đây, hàng chục dự án về nhà ở được triển khai ồ ạt, trong khi đó cơ sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển. Đi trên các đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công..., chúng tôi ghi nhận nhiều đoạn người tham gia giao thông phải đi chung làn với xe container trên tuyến đường khá hẹp, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.