Tuyên chiến với tội phạm cho vay nặng lãi:

Kỳ 3: "Bão" tín dụng đen càn quét miền Trung

Thứ Sáu, 26/03/2021 11:23

|

(CATP) Nhiều người dân gặp sự cố trong cuộc sống, cần vốn để khắc phục nhưng không đủ điều kiện vay tại các kênh cung ứng tín dụng theo quy định của pháp luật, vì thế họ đã tìm đến tín dụng đen với "thủ tục đơn giản, nhanh chóng". Tuy nhiên vì lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ nên họ bị chủ nợ đe dọa, tịch thu phương tiện, rơi vào cảnh khốn cùng, thậm chí phải bỏ trốn.

KIỆT QUỆ VÌ LÃI NẶNG

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, cần vốn để xoay xở nên dễ rơi vào bẫy của các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Ban đầu, chỉ từ vài trăm triệu vay mượn, số tiền phải trả cho các chủ nợ trong thời gian ngắn đã "phình to" lên đến... chục tỷ đồng. Anh H.N.C (ngụ P.Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam) kể, do cần vốn hoạt động khách sạn của mình nên mượn của Nguyễn Nghĩa Nhân (ngụ xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) nhiều lần với tổng số tiền 900 triệu đồng. Mặc dù lãi suất cho vay lên đến 45 - 60%/tháng, nhưng do nghĩ chỉ tạm thời xoay xở kinh doanh nên anh chấp nhận làm "liều". Nhưng C. không ngờ đã phải lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Lực lượng công an bóc gỡ tờ rơi quảng cáo liên quan tín dụng đen

"Nếu tôi mượn 200 triệu đồng thì Nhân chỉ đưa tôi 170 triệu đồng, còn 30 triệu Nhân tính lãi suất trong thời gian 10 ngày. Thế nhưng có lúc vay mượn chưa trả được tiền, Nhân tính lãi vay lên 20%/10 ngày. Chỉ từ tháng 3 đến tháng 6-2020, mặc dù đã trả trước tiền gốc và lãi vay khoảng 4 tỷ đồng nhưng tôi vẫn còn nợ Nhân... 3 tỷ”, anh C. ngao ngán kể. Chưa dừng lại ở đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên quá trình hoạt động kinh doanh khách sạn gặp khó khăn, về sau C. không có khả năng trả lãi. Vì thế, Nhân nhiều lần đe dọa, yêu cầu anh viết nhiều giấy mượn tiền. Đến đầu tháng 10-2020, tổng số tiền lãi và gốc C. còn nợ Nhân lên đến hơn... 12 tỷ đồng. Do nhiều lần bị hăm dọa, hết cách anh C. đành trình báo cơ quan công an.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này, người dân nên hết sức thận trọng và cảnh giác. Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện..., nếu có thỏa thuận giao dịch dân sự phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trước những lời mời gọi, quảng cáo hấp dẫn của các đối tượng cho vay, người dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác để không trở thành con nợ dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi tìm đến một địa chỉ nào đó để vay tiền, người vay phải tìm hiểu kỹ về lãi suất và giấy tờ thủ tục có đúng quy định pháp luật hay không. Người dân cũng nên căn cứ vào quy định về lãi suất vay trong Bộ luật Dân sự để tự mình đánh giá về đối tượng cho vay. Khi phát hiện những dấu hiệu của hoạt động tín dụng đen, mọi người hãy báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.

Qua thời gian theo dõi, thu thập tài liệu và nắm bắt quy luật hoạt động của đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang Nhân khi đang nhận tiền và ép anh C. viết giấy nợ. Khám xét nhà của Nhân, công an thu giữ hơn 247 triệu đồng, 6 ĐTDĐ, 14 tờ giấy có nội dung vay, mượn tiền của nhiều người, 1 xe ôtô và 1 cây mã tấu. Quá trình điều tra, Phòng CSHS xác định Nhân cho trên 20 người vay với tổng số tiền thu lợi từ việc này là trên 10 tỷ đồng.

ĐE DỌA CHẶT TAY CON NỢ

Tín dụng đen thông thường thủ tục vay thường rất "đơn giản, nhanh chóng". Song, khi đã là "con mồi" của bọn chúng thì nợ nần dai dẳng, kéo theo là đánh người gây thương tích, ném bom xăng vào nhà và cuối cùng là... bỏ trốn.

Đêm 23-12-2019, một nhóm đối tượng đi xe máy đến trước nhà ông Lương V. (SN 1976, ngụ xã Điện Minh, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) ném 3 chai bom xăng vào nhà gây nổ lớn, làm cháy một chiếc xe máy. Ngay sau đó, Công an TX. Điện Bàn đã khởi tố vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản để điều tra. Quá trình điều tra xét thấy vụ việc liên quan đến băng nhóm tội phạm nguy hiểm, có dấu hiệu giết người, sử dụng bom xăng tự chế gây hoang mang trong quần chúng nên Công an TX.Điện Bàn liên tiếp xác lập hai để đấu tranh. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trinh sát phát hiện Võ Toàn Trung (SN 1987, ngụ P.Vĩnh Điện, TX.Điện Bàn) cầm đầu đường dây cho vay lãi suất cao, "dưới trướng" có rất nhiều đàn em manh động, liều lĩnh. Những người vay tiền không có khả năng chi trả, Trung cho đàn em đến nhà "xử", buộc người thân phải trả tiền gốc và lãi.

Võ Toàn Trung (hình lớn) cùng 5 "đàn em" và tang vật

Sau thời gian thu thập đầy đủ chứng cứ, một tổ trinh sát bắt quả tang V.N.T (SN 1996, em trai Trung) đang lấy 30 triệu đồng tiền vay tại nhà con nợ ở P.Vĩnh Điện. Trong khi đó, một tổ khác bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Trung, thu giữ 95 triệu đồng, 3 cây gậy ba trắc, 1 máy đếm tiền, 1 bình sơn xịt hơi cay, 1 gậy đánh golf và nhiều sổ sách có liên quan đến hoạt động cho vay, cầm đồ. Tiếp đó, BCA bắt thêm 5 đối tượng khác là "đàn em" của Trung với vai trò giúp sức.

Cơ quan điều tra chứng minh nhiều người đã vay của Trung từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng với lãi suất 20 - 30%/ tháng, tương ứng với 240 - 360%/ năm. Sau nhiều lần hăm dọa đòi tiền không được, các đối tượng đến nhà con nợ ném bom xăng gây cháy nổ hoặc đập phá cửa kính, ném chất bẩn, xịt hơi cay... để uy hiếp. Điều đáng nói, có trường hợp chúng còn đổ sơn lên đầu người thân "con nợ" và buộc gia đình phải trả nợ thay, điều này gây khiếp đảm, bất an cho người dân. Có lúc, các đối tượng còn yêu cầu con nợ viết giấy bán xe, khi họ không trả tiền thì bị siết tài sản.

Phan Ngọc Xứng
Nhân cùng tang vật

Về vụ của ông Lương V., tháng 9-2019, Trung cho Lương Văn Q. (SN 1997, con ông V.) vay tổng số tiền 15 triệu đồng với lãi suất 30% một tháng, 10 ngày trả tiền lãi một lần. Về sau, do lãi quá cao, Q. không có khả năng chi trả nên bỏ trốn. Sau nhiều lần hăm dọa đòi tiền không được, các đối tượng đến nhà ông Lương V. ném bom xăng vào nhà gây cháy nổ. TAND TX.Điện Bàn xét xử và tuyên phạt tổng cộng 17 năm 6 tháng tù đối với Trung cùng 5 đồng phạm. Trong đó, Trung nhận án cao nhất là 4 năm 6 tháng tù, các đối tượng khác từ 24 đến 42 tháng tù về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", "cưỡng đoạt tài sản" và "hủy hoại tài sản".

Hay như Phan Ngọc Xứng (SN 1984, ngụ P.Điện Nam Trung, TX.Điện Bàn) cũng manh động không kém và từng có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích, chấp hành xong án phạt tù 4 năm vào năm 2015. Không có việc làm, Xứng thường xuyên tham gia đánh bạc tại các sòng bạc trên địa bàn thị xã. Năm 2019, Xứng chuyển sang cho vay lãi nặng tại các sới bạc. Xứng cho các con bạc "khát nước" vay với lãi suất 20 - 60%/tháng, tương ứng 240 - 720%/năm.

Trong số con bạc đó có V.N.T (ngụ P.Điện Nam Trung) vay 60 triệu đồng với lãi suất 40%/tháng (tương ứng 480%/năm) vào cuối năm 2019. Đến tháng 2-2020, T. không có khả năng trả nợ, bị nhóm của Xứng truy tìm phải bỏ trốn. Tháng 10-2020, Xứng tìm được T. và bắt viết giấy nhận nợ 150 triệu đồng, gồm 60 triệu tiền gốc và 90 triệu tiền lãi cho 5 tháng vay. Đầu tháng sau, Xứng tiếp tục yêu cầu T. viết giấy tình nguyện giao xe máy và hẹn 5 ngày nếu không trả được nợ sẽ... chặt tay.

Nhiều ngày sau, T. đã trả 55 triệu đồng nhưng vẫn không trả được hết số nợ, nhóm của Xứng có lời lẽ hăm dọa đánh đập, lấy mạng của nạn nhân. Số nợ tăng dần theo thời gian và Xứng yêu cầu đến đầu tháng 12-2020, nếu T. không trả được nợ cả gốc và lãi là 200 triệu đồng thì sẽ giết cả gia đình. Quyết không để Xứng ngoài vòng pháp luật, Công an TX.Điện Bàn đã xác lập chuyên án và bắt quả tang khi đang nhận 100 triệu đồng từ T. tại KP.Quảng Lăng, P.Điện Nam Trung.

Trường và Tuấn

Đầu năm 2021, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Nam cũng vừa bắt giữ Vũ Văn Trường (SN 2000) và Phạm Đình Tuấn (SN 1995, cùng ngụ H.Quảng Xương, Thanh Hóa) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với lãi suất lên đến 365%/năm. Điều đáng nói, khi có người cần vay, chúng sẽ đến tận nhà để kiểm tra địa chỉ rồi mới đưa tiền.

Trước đó, năm 2020, Trường đến địa bàn Quảng Nam và thuê nhà trọ tại TP.Tam Kỳ để tìm người cho vay tiền, lấy lãi nhằm thu lợi. Đối tượng làm nhiều tờ rơi với nội dung "cho vay lãi suất thấp" kèm số điện thoại để liên hệ rồi đi rải trên các trục đường. Khi người vay liên hệ qua số điện thoại ghi trên tờ rơi, Trường xưng tên Minh. Để chắc chắn không phải là số nhà "ảo", đối tượng đến tận nơi để kiểm tra địa chỉ, lai lịch của người cần vay rồi mới đưa tiền cho họ, với thỏa thuận lãi suất 1%/ngày, phải góp vừa vốn vừa lãi suất trong vòng 25 ngày. Việc cho vay tiền Trường không yêu cầu viết giấy xác nhận mà lập một trang tính để quản lý, theo dõi tên, số tiền, số điện thoại người vay và hằng ngày trực tiếp đi lấy tiền góp.

Do không có việc làm, đầu tháng 9-2020, theo "lời mời" của Trường, Tuấn cũng vào Quảng Nam và hằng ngày đến nhà người vay tiền để lấy tiền gốc và lãi. Công an xác định từ tháng 1-2020 đến tháng 11-2020, Trường cho khoảng 90 người vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng, lãi suất 365%/năm.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Công an TPHCM phá nhiều đường dây
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang