Thế giới Vlog - ẩn họa khôn lường:

Bài cuối: Làm sao bảo vệ trẻ khỏi bị nội dung "rác" tấn công?

Thứ Năm, 18/03/2021 10:52

|

(CATP) Nói một cách công tâm thì trong một số trường hợp, chính các bậc phụ huynh là người... nối giáo cho giặc, tiếp tay cho nội dung "rác". Do bận rộn với sinh kế, mệt mỏi vì áp lực công việc, có những bậc cha mẹ đã vô tình khoán trắng việc giữ con cho "bảo mẫu iPad". Làm cha mẹ ở thời đại 4.0 này đòi hỏi chúng ta phải trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức về sử dụng công nghệ để tự bảo vệ con em mình.

PHỤ HUYNH CẦN TRANG BỊ KIẾN THỨC

Trong những ngày lễ nghỉ hay dịp cuối tuần, hình ảnh khá phổ biến là một gia đình đầy đủ cha mẹ con cái quây quần bên bàn trong quán cà phê, quán ăn và mạnh ai nấy cắm mặt vào màn hình smartphone, tablet. Hình ảnh này cho thấy thực tế hiển nhiên là ngày càng có nhiều gia đình mà cha mẹ cũng nghiện nội dung online trên YouTube, Facebook không kém con cái. Nếu cả nhà đều như vậy thì việc bảo vệ trẻ khỏi nội dung nhảm nhí, độc hại là "nhiệm vụ bất khả thi" tập N!

Nội dung "rác" trên internet ngày càng tràn ngập, bao gồm cả văn bản, âm thanh, hình ảnh và video. Đây là xu hướng tất yếu vì việc kiếm tiền từ nội dung "rác" bao giờ cũng nhanh, nhiều và dễ dàng hơn so với nội dung lành mạnh, bổ ích.

Khi internet chưa phổ biến, tệ nạn kiếm tiền bằng nội dung "rác" chưa nhiều và không cần quan tâm. Nhưng với sự phát triển và phổ biến của internet, nội dung "rác" bắt đầu xuất hiện từ những website, forum, blog... thuần văn bản, hình ảnh đến nay thì chuyển qua video như đã đề cập trong các bài trước.

Đạo cao một sào, ma cao một trượng. Cuộc sống là sự rượt đuổi vô tận giữa luật pháp và người vi phạm. Khi phát sinh tình trạng lạm phát nội dung "rác" thì phải mất nhiều tháng để các mạng xã hội triển khai các giải pháp công nghệ "bộ lọc" để thanh lọc, giới hạn.

Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em đang đối mặt với nhiều rủi ro Ảnh: Internet

Tiếp theo, phải mất thêm vài năm để chính phủ các nước điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật và thông qua để đưa vào áp dụng. Việc can thiệp bằng pháp luật có hiệu quả cao hơn vì ngoài việc chế tài trực tiếp người vi phạm; luật còn buộc các mạng xã hội phải có trách nhiệm sửa đổi cho phù hợp nếu không sẽ đối diện với những mức phạt nặng, có thể lên đến hàng tỷ đôla như Facebook đã gặp phải gần đây. Nhưng luật cũng không theo kịp thực tế. Ví dụ về sai phạm của Vlogger Thơ Nguyễn mới đây, cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ phạt 7,5 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu trong khi ước tính thu nhập của Vlogger này có thể lên tới 10 - 16 tỷ đồng trong năm 2020! Kênh YouTube của Hưng Vlog trước đây cũng chỉ bị xử phạt 2 lần với 17,5 triệu đồng!

Do quy trình chống nội dung "rác" chậm chạp và nhiêu khê như vậy, cách hiệu quả nhất để bảo vệ con em chúng ta khỏi bị đầu độc là phụ huynh phải theo sát con em mình, giám sát những gì các bé xem và nếu có thể thì cùng xem với bé.

Một số biện pháp khác cần kỹ năng công nghệ là lựa chọn những kênh thông tin bổ ích, phù hợp lứa tuổi và tải thông tin về máy để xem ngoại tuyến (offline). Cách này chỉ phù hợp với các bé nhỏ và đòi hỏi cha mẹ phải chịu khó cập nhật thường xuyên kho video để tránh các bé nhàm chán vì cứ xem đi xem lại clip cũ.

Với các bé độ tuổi thiếu niên trở lên thì phải thay đổi cách giám sát từ công khai sang kín đáo. Cần quy định với các cháu về thời gian sử dụng, dành thời gian trò chuyện với con về các nội dung đang "hot", đang "trend" và phân tích cho trẻ thấy cái gì đúng, cái gì sai. Trong thời đại 4.0, các biện pháp cấm đoán sẽ không hiệu quả bằng việc cha mẹ theo sát con cái, biết con mình đang xem gì, thích gì để uốn nắn, hướng dẫn.

Zoe Sugg là Blogger chia sẻ bí quyết làm đẹp cho phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay

Làm cha mẹ thời đại smartphone, chúng ta cần trang bị kỹ năng, kiến thức về sử dụng Youtube, mạng xã hội, các phần mềm internet security để chủ động thanh lọc nội dung nhảm, xấu trong gia đình. Đây là việc không ai có thể làm thay chúng ta được, càng không nên trông chờ vào việc sẽ có luật bảo vệ vì từ khi bàn thảo đến khi có luật là một hành trình dài nhiều năm.

Vlogger "trắng"

Bên cạnh những Vlogger tiêu cực, nhảm nhí (Vlogger "đen"), vẫn có những Vlogger "trắng" rất sáng tạo và có ích cho xã hội. Như trang Hanas Lexis (khoảng 547 nghìn người theo dõi), nổi tiếng trong cộng đồng các bạn yêu thích tiếng Anh. Đây là channel giúp bạn đi từ khá tiếng anh lên giỏi tiếng anh nhờ những lời khuyên từ một cựu học sinh chuyên năng khiếu đang sống và làm việc tại Mỹ. Hana còn thường xuyên cover lời bài hát cho nhiều ca sĩ nổi tiếng như Đen Vâu, Nguyên Hà...

Kênh Life Where Im From (khoảng 1,25 triệu người theo dõi), tràn ngập màu sắc tươi sáng, mang đến những thông tin thú vị, có tính giáo dục về những sự kiện và khía cạnh độc đáo trong văn hóa Nhật Bản.

Và còn nhiều kênh khác nữa có ích và hấp dẫn người xem.

Ở nước ta các Vlogger "trắng" còn ít, chủ yếu là để giải trí như Vloggger Hậu Hoàng khá đa tài, dẫn chuyện khéo léo, hài hước, có khả năng chế nhạc...; hay Vlogger Huy Cung có ngoại hình ưa nhìn, phong cách phóng khoáng, với các video có nội dung nhẹ nhàng, châm biếm...

Thực ra, một Vlogger "trắng" tồn tại và phát triển rất khó, kiếm tiền được càng khó, phải đòi hỏi tài năng và sáng tạo, đầu tư lớn. Do vậy ở nước ta, cho đến nay các Vlogger có tầm vóc văn hóa vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, trong khi các Vlogger phát triển các nội dung nhảm nhí, vô bổ lại ra đời nhan nhản...

NGĂN CHẶN "NỘI DUNG RÁC": ĐÃ CÓ NHỮNG TÍN HIÊU TÍCH CỰC

Chính phủ và các bộ, ngành chuyên trách ở Việt Nam cũng đã tham gia mạnh hơn vào quá trình can thiệp, xử lý nội dung rác.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700 trong tổng số 7.800 video clip khỏi YouTube và đóng cửa 6 kênh YouTube. Cũng trong thời gian này, mạng xã hội Facebook đã chặn, gỡ bỏ gần 1.000 trong tổng số 5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam

Sang năm 2019, báo cáo của Chính phủ ghi nhận, Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube, gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play. Tương tự, Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc. Apple cũng gỡ bỏ 9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.

Một động thái lạc quan là cùng với trung tâm tiếp nhận xử lý cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác", email "rác", cơ quan chức năng cũng có đầu mối tiếp nhận xử lý nội dung "rác". Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn, khi phát hiện những trường hợp video xấu độc có thể phản ảnh đến Cục qua đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc ứng dụng Zalo/Viber/WhatsApp: 0899.888.222 và 0896.888.222; thư điện tử online.abei@mic.gov.vn và hotline.abei@mic.gov.vn.

Đồng thời, khi phản ảnh những video độc hại nên gửi kèm các bằng chứng như hình ảnh vi phạm, đường link. Người gửi cũng nên cung cấp thêm tên và số điện thoại khi gửi tin nhắn để Cục tiện liên hệ lại khi cần (các thông tin cá nhân được bảo mật).

Ngoài việc can thiệp từ cơ quan chức năng, thực thi pháp luật, người dùng internet vẫn nên tận dụng công cụ báo báo (report) nội dung xấu của các video độc hại. Dù báo cáo (report) nội dung xấu cho YouTube, Facebook không phải là công cụ có hiệu quả cao nhưng vẫn là một vũ khí giúp chúng ta tự vệ. Nếu các bậc cha mẹ tập thói quen báo cáo nội dung xấu ngay khi phát hiện thì dù chậm, việc xử lý vẫn được tiến hành. Càng có nhiều người report càng giúp các mạng xã hội xử lý nội dung "rác" nhanh hơn.

Đi tù vì đăng video nhảm, giật gân lên mạng xã hội

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.

Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã mạnh tay siết chặt việc kiểm soát các video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.

Theo báo Detroit News, trong tháng 5-2020, kênh YouTube của Jaden Hayden xuất hiện hai đoạn video đối tượng này đang tấn công người khác và sau đó cướp thẻ tín dụng của những nạn nhân bị hắn đánh đập dã man. Nghiêm trọng hơn, Jaden Hayden còn phát tán nhiều video chứa những thông tin xấu độc mang nặng tính phân biệt như "những nữ ca sĩ hàng đầu thế giới như Beyonnce và Rihanna thực ra là đàn ông" hay "virus SARS-CoV-2 thực ra là sự trừng phạt của Chúa nhằm vào người đồng tính".

Sở Cảnh sát Detroit cho biết, cảnh sát thành phố đã bắt giữ Hayden với các cáo buộc "đánh người gây thương tích", "trộm cắp tài sản" và hiện Vlogger này đang ngồi tù tại trại giam hạt Wayne.

Trong một vụ khác, tờ Business Today cho biết, cũng tại Mỹ, hồi tháng 8-2019 trên tài khoản Facebook của DAdrien Anderson đã quay lại cảnh anh ta liếm kem trong tủ lạnh tại một siêu thị ở Texas sau đó đặt lại kem này vào chỗ cũ. Clip mà DAdrien Anderson đăng trên Facebook thu hút tới 157.000 người xem trước khi bị gỡ bỏ. Dù hệ thống camera giám sát cho thấy, DAdrien Anderson sau đó cầm lại que kem vừa liếm và mua que kem này. Cha của DAdrien Anderson thậm chí còn mang cả hóa đơn tiền mua kem đến siêu thị để xin cho con trai.

Tuy vậy, cảnh sát Texas vẫn vào cuộc, DAdrien Anderson bị phạt tới 1.000 USD và phải ngồi tù 30 ngày. Ngoài ra, DAdrien Anderson còn phải đền bù cho công ty sản xuất kem số tiền 1.565 USD. Sau khi hết hạn tù, DAdrien Anderson còn phải tiếp tục làm việc công ích 100 giờ.

Bài 1: Vì sao nội dung độc hại, nhảm nhí tràn lan?
 
Bài 2: Bất chấp đạo lý để kiếm tiền
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang