Hậu quả từ mua bán vũ khí tràn lan trên mạng:

Kỳ cuối: Chặt đứt đường đi của "hàng nóng"

Thứ Bảy, 06/03/2021 09:40  | Đăng Khoa

|

(CATP) Theo báo cáo của Bộ Công an, nguồn gốc vũ khí chủ yếu nhập lậu từ biên giới. Nhận xong, các đối tượng câu kết lập các trang web chào "hàng" trên mạng để bán kiếm lời.

BỎ LÀM THUÊ ĐI BUÔN VŨ KHÍ

Ngày 5-3-2021, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an phối hợp với Công an Bắc Giang mở rộng chuyên án mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn. Qua điều tra, cơ quan công an bắt giữ các đối tượng: Giáp Văn Tiến (SN 1989), từng có 1 tiền án về tội "gây rối trật tự công cộng", Trần Thanh Tùng (SN 1984, tên khác Tùng Kom), Dương Văn Thanh (SN 1987) và Vũ Hữu Thưởng (SN 1981, cùng quê Bắc Giang). Qua khám xét, công an thu 4 súng, trong đó có 3 khẩu là vũ khí quân dụng, 2 lựu đạn và 47 viên đạn các loại.

Bước đầu điều tra, Cục Cảnh sát hình sự xác định đây là đường dây mua bán vũ khí quy mô lớn, cầm đầu là Giáp Văn Tiến. Năm 2018, do hoàn cảnh khó khăn, Tiến sang Campuchia làm thuê. Những ngày vất vưởng nơi xứ người, Tiến quen với Linh (chưa rõ nhân thân). Nghe Tiến than về hoàn cảnh, Linh giới thiệu Tiến làm nhân viên vệ sinh cho trường gà. Những lúc chạm mặt con bạc, Tiến phát hiện các đối tượng đều mang súng bên người. Tò mò, Tiến hỏi và được Linh giải thích, bên này súng mua trôi nổi ngoài xã hội rất nhiều.

Tháng 7-2020, Tiến về Việt Nam và thông qua mạng Internet biết trong nước nhiều người có nhu cầu mua súng, đạn nên đã liên lạc với Linh qua mạng xã hội để mua, sau đó vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời. Linh đã cho người chuyển 2 khẩu súng AK từ Campuchia về Bắc Giang bán cho Tiến, giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, Tiến còn mua 2 súng tự chế bắn đạn ghém, 2 quả lựu đạn và 13 viên đạn các loại của Trần Thanh Tùng với giá 39 triệu đồng. Tổng giá trị số vũ khí các đối tượng bán được khoảng 250 triệu. Nhưng toàn bộ hành vi trên đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an, khi các đối tượng chuẩn bị ra giá chào trên mạng đã bị trinh sát bắt giữ.

Đối tượng Trần Thanh Hùng cùng tang vật

Một số đối tượng còn tranh thủ vận chuyển "hàng nóng" được ngụy trang hết sức tinh vi. Đầu tháng 2-2021, Tổ kiểm soát liên ngành tỉnh Sơn La tuần tra tại bản Co Phương (xã Chiềng Sơn, Mộc Châu) đã phát hiện, thu giữ 4 bưu phẩm chứa linh kiện lắp ráp hoàn chỉnh thành 2 khẩu súng hơi, 1.120 viên đạn chì. Mở rộng điều tra, số bưu phẩm trên được gửi cho Lê Thu Hằng (26 tuổi, ở bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, Mộc Châu). Hằng khai nhận hộ bưu phẩm từ một người Lào không rõ nhân thân. Tổ công tác thuộc Trạm kiểm soát - Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX Tân Châu, An Giang) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu tuần tra, phát hiện ông Trần Thanh Hùng (73 tuổi) chạy xe máy chở 3 thùng carton có dấu hiệu nghi vấn.Khi kiểm tra, tổ công tác phát hiện nhiều phụ kiện bằng kim loại nghi là súng hơi đã tháo rời. Ông Hùng khai, đến Cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương (khu vực vùng đệm) gặp 1 người Campuchia để nhận "hàng" vận chuyển về Việt Nam, trên đường về bị phát hiện, bắt giữ. Các bộ phận được lắp ráp thành 2 khẩu súng dài khoảng 100cm, nặng 4kg, không có đạn.

"CHỢ TRỜI" VŨ KHÍ TRÊN MẠNG

Theo cơ quan công an, vấn đề đáng lo ngại là chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản, người mua có thể tìm được ngay các trang rao bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Bất chấp pháp luật, "chợ vũ khí” trên mạng vẫn hoạt động ngày càng biến tướng, đe dọa trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội.

Dưới vỏ bọc là "vũ khí tự vệ", nhiều trang web rao bán công khai bằng nick ảo các loại gồm vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với khả năng gây sát thương cao như: súng tự chế, mã tấu, kiếm, đao, dùi cui điện, roi điện..., thậm chí cả vũ khí quân dụng. Do nắm được nhu cầu của một số thanh thiếu niên bị ảnh hưởng từ những bộ phim, clip, trò chơi bạo lực, từ đó nảy sinh tâm lý thích sử dụng vũ khí như nhân vật họ hâm mộ, nên một số loại vũ khí nguy hiểm được sản xuất "ăn theo" trào lưu: bộ móng vuốt kim loại, tay gấu (nắm đấm kim loại) hoặc kiếm... cũng được một số đối tượng rao bán tràn lan trên mạng.

Giáp Văn Tiến cùng số vũ khí chưa kịp rao bán

Một số trang mạng bán vũ khí núp dưới các tên gọi: shop dụng cụ, shop vũ khí tự vệ - súng đạn thật; chợ mua bán vũ khí, mua bán công cụ hỗ trợ; chuyên bán súng K54, K59, súng bắn đạn hoa cải và công cụ hỗ trợ... Những trang này luôn thu hút hàng chục nghìn lượt like (yêu thích) cũng như comment (bình luận) mỗi ngày.

Chỉ cần gõ vào trang tìm kiếm www.google.com với cụm từ "mua súng tự vệ" thì chỉ vài giây đã có hơn 10 triệu kết quả hiện lên với đủ các loại vũ khí tự chế, rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Việc mua - bán cũng diễn ra hết sức công khai, nhanh chóng khi người bán yêu cầu người mua nhắn tin vào số Zalo để báo giá và giao dịch khi có nhu cầu. Tương tự, trên thanh công cụ tìm kiếm của trang mạng xã hội Facebook, với nội dung tìm kiếm như "cung cấp vũ khí tự vệ" sẽ có hàng loạt trang hiện lên ở dạng công khai và nhóm kín để người xem tìm hiểu, có trang web trực tiếp hướng dẫn chi tiết cách lắp ráp vũ khí.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an cho rằng, hoạt động mua bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội diễn ra dưới nhiều hình thức và khó lường. Các đối tượng chủ yếu sử dụng tài khoản ảo, sim rác, không xuất đầu lộ diện khi chưa xác định chắc chắn người mua. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng này cẩn thận kiểm tra, khi thấy an toàn mới giao dịch, thường hẹn ở các quán cà phê, trong các ngõ nhỏ, khu dân cư vắng vẻ, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Quá trình giao dịch, các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ thường sử dụng những mạng xã hội Facebook, Zalo... để tìm hiểu thông tin, rao bán, móc nối, thỏa thuận giá cả. Khi thanh toán tiền, chúng sử dụng hệ thống ngân hàng hoặc dịch vụ thu hộ của các công ty chuyển phát. Có trường hợp người gửi dùng tên, địa chỉ giả hoặc người gửi ở địa bàn này nhưng lại tới nơi khác chuyển; không kê khai rõ tên, địa chỉ người gửi, mà chỉ ghi tên bưu cục và số điện thoại của người nhận; ngụy trang vũ khí, công cụ hỗ trợ thành bộ phận khác như cho nòng súng vào ống kim loại, ống nhựa rỗng...

SẼ XEM XÉT XỬ LÝ HÀNH VI RAO BÁN VŨ KHÍ TRÊN MẠNG

Thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thời gian qua cục đã phát hiện, xử lý hơn 9.000 bưu phẩm gửi trong nước chứa trên 11.000 vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện, vật liệu để chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ; ngăn chặn, gỡ bỏ 102 đường dẫn tài khoản Facebook, 6.000 đường dẫn video YouTube, 41 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Theo Bộ Công an, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.

Các đối tượng tham gia mua bán vũ khí với Giáp Văn Tiến

Theo cơ quan chức năng, vũ khí được rao bán tràn lan trên mạng nhưng xử lý chưa đủ sức răn đe hoặc không bị xử lý. Tại điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội... nêu rõ, phạt tiền 2-4 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; hoặc phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép.

Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nêu, người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự bị phạt tù 1-7 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tù 5-20 năm hoặc chung thân nếu phạm tội có tổ chức, vận chuyển, mua bán qua biên giới, gây thương tích, làm chết người, thiệt hại tài sản trên 100 triệu đồng...

Trước tình hình rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, trong đó có hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.

Trước tình hình an ninh trật tự phức tạp do một số đối tượng mua vũ khí trên mạng để đòi nợ mướn, đánh nhau hết sức nguy hiểm, đặc biệt xảy ra vụ người anh mua súng trên mạng khống chế em trai đi cướp ngân hàng ở TP.Hà Tiên, Kiên Giang bị bắt ngày 2-3 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, nhiều địa phương đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động Internet; chỉ đạo rà soát và gỡ bỏ các trang web có đăng video với nội dung giới thiệu, mua bán, hướng dẫn các phương pháp chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, đồ chơi nguy hiểm... Song song với đó, bộ yêu cầu các nhà cung cấp mạng viễn thông di động rà soát, cắt liên lạc các đầu số sim card khuyến mãi không đăng ký, kiểm tra hoạt động rao bán trên các trang mạng thông tin điện tử (Google, YouTube...) để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng theo pháp luật quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang