Tuyên chiến với tội phạm cho vay nặng lãi:

Kỳ 2: Công an TPHCM phá nhiều đường dây "tín dụng đen"

Thứ Năm, 25/03/2021 10:43

|

(CATP) Từ ngày 1-1-2021, Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực đã cấm tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ". Tuy nhiên, tình trạng các băng nhóm đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" vẫn tái diễn tại TPHCM. Thậm chí, các đối tượng này dùng chiêu trò ve sầu thoát xác khiến lực lượng Công an khó khăn trong việc triệt phá. Tuy nhiên nhiều đối tượng, băng nhóm tội phạm này đã bị Công an TPHCM bắt giữ.

NGƯỜI THÂN HỨNG CHỊU "KHỦNG BỐ"

Đầu năm 2021 đến nay, tại TPHCM, nhiều nhà dân bị đe dọa, khủng bố bằng tạt sơn, chất bẩn vào nhà. Tình trạng này khiến người dân bất an bởi sự lộng hành của các đối tượng bất hảo. Quá trình điều tra các vụ việc liên quan đến "khủng bố" bằng sơn, chất bẩn... Công an xác định các vụ việc xuất phát từ đòi nợ.

Trước đây, hành vi đòi nợ đã bị xử lý hình sự về các tội làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản. Trong khi hành vi tạt sơn, chất bẩn vào nhà người khác nhằm đe dọa lại đang tái diễn, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận, an ninh trật tự tại địa phương.

Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng PC06

Ngày 3-2-2021, ông Hà Ngọc Lễ (SN 1960, ngụ quận 12) đến Công an phường Trung Mỹ Tây trình báo: Do em vợ ông là Phạm Ngọc Phương (SN 1975, ngụ cùng địa chỉ) có vay tiền của nhiều người và không có khả năng chi trả nên giữa tháng 6-2020, gia đình đã đuổi ra khỏi nhà. Ông Lễ cùng người thân không trực tiếp nợ tiền của 2 đối tượng cho vay nặng lãi là Nguyễn Đình Tuấn (SN 1982) và Mai Công Nam (SN 1997, tạm trú chung cư HQC thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn).

Thế nhưng vào các ngày 10 và 18-9-2020, Tuấn - Nam cùng đồng bọn kéo đến nhà ông Lễ dùng lời lẽ thô tục, uy hiếp tinh thần và nhiều lần đập phá cửa cổng nhằm buộc trả số nợ 1,4 tỷ đồng thay cho Phương. Ngày 28-9, ông Lễ phải hẹn Tuấn đến nhà đưa 100 triệu đồng. Thế nhưng các ngày tiếp theo, Tuấn và Nam cùng đồng bọn tiếp tục đến nhà ông Lễ uy hiếp tinh thần và đập phá nhà cửa. Thậm chí ngày 23-1-2021, cả nhóm còn tạt sơn vào cổng nhà người thân con nợ.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội "cưỡng đoạt tài sản" nên Công an quận 12 đã xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá băng tội phạm nguy hiểm này. Đồng thời, công an cắt cử trinh sát mật phục ở gần nhà ông Lễ để đảm bảo an ninh trật tự. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận 12 đã xác định được băng tội phạm trên có khoảng 6 đối tượng cùng quê Thanh Hóa, đều tạm trú chung cư HQC, trong đó 2 đối tượng cầm đầu là Tuấn và Nam. Ngày 3-2, nhóm Tuấn tới nhà ông Lễ yêu cầu trả nợ và đập cửa nhà lớn tiếng chửi bới thì trinh sát ập vào khống chế và mời về trụ sở làm việc. Ngoài ra còn có thêm Mai Công Nguyên (SN 1992), Hồ Sỹ Đại (SN 1992), Mai Công Đồng (SN 1992) và Mai Xuân Ba (SN 1990).

Chương tại cơ quan công an

Tại cơ quan công an, nhóm này khai từ tháng 5 đến tháng 7-2020, Tuấn và Nam hùn tiền để cho Phạm Ngọc Phương vay tổng cộng 3 lần là 1,4 tỷ đồng, lãi suất theo thỏa thuận 10%/tháng. Đến đầu tháng 9-2020, Phương không đóng lãi theo thỏa thuận và né tránh không trả nợ. Do đó, Tuấn bàn với Nam đến nhà Phương để đòi số tiền trên. Ngày 10-9-2020, Tuấn cùng Nam đến nhà ông Lễ tìm Phương nhưng không gặp nên cả hai đập phá cửa cổng và dùng lời lẽ thô tục chửi bới đe dọa nhằm gây áp lực. Lúc này, một người hàng xóm dẫn Tuấn - Nam vào nhà gặp ông Hà Ngọc Lễ để nói chuyện. Tại đây, ông Lễ hứa 10 ngày sau sẽ trả số tiền nợ trên. Đến ngày 18-9, do không thấy ông Lễ trả tiền như đã hứa nên Tuấn cùng Nam rủ thêm Nguyên và Đại đến nhà tìm ông Lễ với mục đích đe dọa.

Khoảng 0 giờ 20 ngày 23-1-2021, Nam thuê Hạnh (không rõ nhân thân) với giá 500.000 đồng chở bằng xe máy cầm theo xô nhựa chứa sơn đỏ rồi tạt mạnh vào 2 cửa cổng nhà ông Lễ. Từ ngày 26-1 đến 2-2-2021, băng này còn kéo đến nhà ông Lễ đập phá cổng nhà và la hét chửi mắng gây mất ANTT khu vực. Đến ngày 3-2-2021, Tuấn rủ Đại, Đồng cùng Nam đến nhà Phương đòi nợ. Tại đây, Nam và Tuấn đạp cửa cổng để gây áp lực. Còn Đại và Đồng ngồi tại quán cà phê trước nhà ông Lễ. Lúc này, Công an phường Trung Mỹ Tây (Q12) đến mời các đối tượng về trụ sở để làm rõ. Quá trình điều tra, công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nhóm này về hành vi "cưỡng đoạt tài sản" và tiếp tục củng cố xử lý về hành vi "cho vay nặng lãi".

Hiện trường vụ việc

Mới đây, ngày 6-3, Công an quận 8 đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt giam với Ngô Thành Chương (SN 1979, ngụ ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) và vợ là Trần Thị Thẻn (SN 1988, ngụ huyện Long Phú, Sóc Trăng) về tội "cưỡng đoạt tài sản". Đồng thời, Công an cũng đang củng cố hồ sơ xử lý về hành vi "hủy hoại tài sản" để xử lý theo quy định của pháp luật. Do Thẻn đang nuôi con nhỏ nên cho tại ngoại chờ xử lý sau.

Theo điều tra, Chương trước đây chơi thân với Nguyễn Hoài Trung (SN 1979, ngụ huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Năm 2017, Chương đứng ra vay giúp Trung 32 triệu đồng từ người ngoài xã hội (chưa rõ lai lịch), lãi suất 10%/tháng. Mỗi tháng Trung phải đưa cho Chương tiền lãi 3,2 triệu đồng để Chương trả nợ dùm. Sau khi nhận tiền, Trung chỉ trả tiền lãi được vài lần rồi bỏ trốn. Chương nhiều lần liên hệ với Trung nhưng không được. Vì thế nên Chương vay tiền nhiều nơi để trả nợ cho Trung. Đến nay, do chậm trễ trả tiền lãi, đồng thời Chương vay nhiều nơi để lấy tiền trả nợ nên số tiền mà Chương thiếu đến 157 triệu đồng. Chương biết được chị ruột của Trung là bà Nguyễn Thanh Mai (SN, 1975, ngụ quận 8) đang kinh doanh thuốc tây tại Nhà thuốc Thanh Mai (số 2 đường Phú Định, phường 16, quận 8) nên đến gặp. Bà Mai nói không biết em trai mình ở đâu và không có liên can tới số nợ của Trung.

Bực tức, Chương và vợ là Trần Thị Thẻn liên lạc với Châu Văn Phú (SN 1991, ngụ P10Q8) để nhờ Phú tìm giúp người đòi nợ giúp. Phú giới thiệu Lê Ngọc Châu (SN 1988, ngụ P10Q8). Hai bên gặp nhau và vợ chồng Chương thuê Châu tạt chất bẩn, sơn, mắm tôm vào tiệm thuốc của bà Mai với mục đích uy hiếp yêu cầu trả nợ. Chương trả công trước cho Châu 5.000.000 đồng. Nếu Châu đòi được tiền thì Chương phải chia tiền. Sau đó, Châu về bàn bạc với một số đối tượng lên kế hoạch tạt chất bẩn vào tiệm thuốc tây của bà Mai.

Tang vật thu giữ

Trong hơn 3 tháng, Châu cùng đồng bọn đã 6 lần mang sơn, mắm tôm, chất bẩn tới tạt vào tiệm thuốc của bà Mai. Ngày 1-3, bà Mai trình báo công an. Bằng nghiệp vụ, trưa 3-3, công an đã đưa vợ chồng Chương về trụ sở làm việc. Cả hai khai nhận hành vi thuê người khác tạt mắm tôm vào cửa hàng thuốc tây đe dọa bà Mai nhằm tạo áp lực để thay Trung trả số tiền nợ 157 triệu đồng. Quá trình điều tra, Công an quận 8 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Ngô Thành Chương và Trần Thị Thẻn về tội "cưỡng đoạt tài sản".

NGĂN CHẶN "TÍN DỤNG ĐEN" TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Theo đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, các công ty có chức năng đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày 1-1-2021. PC06 đã báo cáo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, sẽ có hướng dẫn thực hiện phối hợp các sở ngành thu hồi giấy phép đối với các công ty đòi nợ thuê và đề nghị giải tán, không để núp bóng hoạt động gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, PC06 đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục tham mưu cho Ban giám đốc Công an TPHCM thực hiện các kế hoạch, chương trình đấu tranh các loại tội phạm hoạt động dụng tín dụng đen, cho vay nặng lãi và lừa đảo trên các app (ứng dụng) trên không gian mạng.

Nguyễn Đình Tuấn, Mai Công Nam cùng đồng bọn

Còn Thượng tá Trần Văn Phú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM cho biết, tội phạm tín dụng đen, đòi nợ thuê trên địa bàn thành phố gia tăng mạnh trong năm 2020 và gây mất an ninh trật tự xã hội. Ngoài tạt chất bẩn, các đối tượng đòi nợ còn gọi điện đe dọa, uy hiếp con nợ, người thân của con nợ để khủng bố tinh thần, buộc trả tiền. Vì vậy, Công an thành phố sẽ tập trung đấu tranh quyết liệt, triệt xóa bằng được các băng nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó chú ý tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen, không để hình thành, tồn tại các băng nhóm hoạt động kiểu "xã hội đen" lộng hành.

Bộ Công an cho biết, ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Để tránh sập bẫy của app tín dụng đen, Bộ Công an khuyến cáo, khi vay tiền qua app, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả...) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Những chiếc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang