Tuyên chiến với tội phạm cho vay nặng lãi:

Kỳ 4: Tín dụng đen đang chuyển hướng hoạt động ở miền Bắc

Thứ Bảy, 27/03/2021 12:11

|

(CATP) Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) - Bộ Công an (CA), cho biết hiện nay khi Bộ CA chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống tội phạm tín dụng đen theo kiểu truyền thống thì các đối tượng bắt đầu chuyển hướng hoạt động và sử dụng các app (ứng dụng trên điện thoại thông minh) cho vay.

Tiệm spa cũng cho vay nặng lãi

Theo thống kê, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có hơn 2.200 hiệu cầm đồ, trong đó địa bàn có mật độ hiệu cầm đồ dày đặc là khu đường Láng (Q.Đống Đa). Dịch vụ cầm đồ đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân khi cần vay tiền, thanh lý nhanh đồ vật, tài sản không cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, đi kèm với dịch vụ này là các hoạt động tín dụng tấp nập, cho vay lãi suất (LS) cao. Các cửa hàng cầm đồ hoạt động như cơ sở kinh doanh (KD) tín dụng quy mô nhỏ, đáp ứng tất cả nhu cầu vay nóng, đáo nợ với thủ tục rất thoáng: không cần chứng minh tài sản thế chấp... chỉ có điều LS cho vay rất cao, ít cũng là 3.000-4.000 đồng/triệu đồng/ngày.

Vì siêu lợi nhuận nên các chủ cơ sở KD cầm đồ không từ thủ đoạn để đòi và xiết nợ, kể cả thuê côn đồ, từ đó hình thành "liên minh" hoạt động cầm đồ, cho vay và bảo kê, đòi nợ. Không ít vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí án mạng, đã xảy ra do mâu thuẫn liên quan đến dịch vụ cầm đồ. Đơn cử, do mâu thuẫn về việc đòi nợ với chủ hiệu cầm đồ là Nguyễn Văn Hưng (SN 1981, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội), anh Đặng Xuân Dũng (SN 1963, ngụ cùng địa phương) đã chém nhân viên của tiệm, bị Hưng dùng thanh sắt đánh nhiều nhát vào người, đồng thời 2 nhân viên của tiệm cũng dùng gạch ném trúng ngực, gáy làm Dũng tử vong sau đó.

Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 99 năm tù đối với 21 bị cáo thuộc "Tập đoàn tài chính Nam Long" về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cố ý gây thương tích

Để chấn chỉnh tình hình, CATP Hà Nội đã nhiều lần lên kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm. Kết quả, chỉ riêng tháng 8-2020, qua kiểm tra hơn 600 cơ sở KD cầm đồ, CA đã đình chỉ hơn 60 cơ sở có biểu hiện vi phạm. Thời gian tới, Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, nòng cốt là Phòng CSHS, tập trung giải quyết tình hình liên quan đến các đối tượng cầm đồ có dấu hiệu liên hệ với các ổ nhóm tội phạm, lưu ý các ổ nhóm tội phạm liên quan đến xã hội đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê bến bãi, đường dây buôn lậu...

Đầu tháng 2-2021, CAQ Hà Đông, TP. Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng dưới hình thức "bốc bát họ” do Trần Tuấn Anh (SN 1990, ngụ P.Vạn Phúc, quận Hà Đông) cầm đầu. Tại cơ quan CA, đối tượng này khai, từ năm 2019 đến nay dưới danh nghĩa KD cửa hàng cầm đồ tại phố Trần Văn Chuông, P.Nguyễn Trãi đã thuê Trần Thông Mừng (SN 1996, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) làm nhân viên thẩm định khách và thu nợ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Dưới hình thức "bốc bát họ”, các đối tượng đã cho người dân vay từ 10 - 30 triệu đồng và "cắt lãi" từ 2 - 6 triệu đồng/bát họ, tương ứng LS 146%/năm. Ngoài ra, người vay trong vòng 50 ngày phải trả đủ cả gốc lẫn lãi. Từ năm 2019 đến nay, nhóm này đã cho khoảng 200 người vay với tổng số tiền quay vòng khoảng 8 tỷ đồng.

Ngoài các tiệm cầm đồ, hiện nay các đối tượng có thể đặt "trụ sở" hoạt động tín dụng đen ở bất cứ nơi nào. Ngày 20-12-2020, CAQ Hà Đông, TP.Hà Nội đã tạm giữ Nguyễn Tuấn Hiệp (SN 1991, ngụ Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng 4 đàn em về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Trước đó, CAQ này phát hiện cơ sở spa tại 76 Lê Lai, P.Nguyễn Trãi (Q. Hà Đông) có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng dưới hình thức "bốc bát họ”. Khách đến spa thường là các nhóm thanh niên có ngoại hình ngổ ngáo, xăm trổ. Quá trình khám xét, cơ quan chức năng thu 1 máy tính, 3 điện thoại di động cùng nhiều giấy tờ ghi nợ.

Trần Tuấn Anh và Trần Thông Mừng

Các đối tượng khai, từ tháng 10-2018, Hiệp bàn với cả nhóm góp vốn KD "bốc bát họ” và treo biển spa để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Mỗi "bát họ” từ 10 - 30 triệu đồng, khi nhận tiền mỗi "bát họ” khách sẽ bị cắt 2 - 6 triệu, tương ứng lãi suất 146%/năm và trong vòng 50 ngày phải trả đủ gốc lẫn lãi; hoặc nếu cho vay lãi ngày, người vay phải trả LS 7.000 - 8.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương ứng 255,5 - 292%/năm. Theo hồ sơ, đã có khoảng 500 khách vay của đường dây tín dụng đen này với số tiền giao dịch lên đến 30 tỷ đồng.

Tín dụng đen trên điện thoại

Thời gian vừa qua, hình thức tín dụng đen núp bóng vay qua app bùng nổ với những quảng cáo rất hấp dẫn: vay vốn LS thấp, thủ tục đơn giản, hỗ trợ trong vòng 24 giờ... Thế nhưng, LS được áp dụng trên thực tế cho các hình thức vay này có thể lên tới vài trăm phần trăm.

Chị Nguyễn Thị Đào (ngụ huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 12-2020 chị đăng ký vay trên app 3 triệu đồng trong vòng 1 tuần. Nhưng ngay khi hoàn thành thủ tục vay, số tiền chị nhận được chỉ còn 1,8 triệu, với lý do công ty cho vay qua app trừ phí và số tiền chị phải trả vẫn là 3 triệu đồng sau 7 ngày. Đến hạn trả nợ, do chưa có đủ tiền, chị Đào vay tiếp từ 1 app khác, với thông tin LS khoảng 20%/năm. Nhưng thực tế, sau khi nhận được tiền vay gửi vào tài khoản cá nhân, chị Đào được thông báo LS lên đến 200%/năm.

Ngày 16-7-2020, CAQ Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã triệt phá nhóm tín dụng đen cho vay với LS "cắt cổ", lên tới 180%/năm, cầm đầu là Trần Minh Quang (SN 1997, trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo điều tra, Quang mua 1 trang web có tên miền F98credit.vn và đăng tin cho vay tiền với nhiều mức LS khác nhau; giúp sức cho Quang có 3 đàn em, tiếp cận nạn nhân để cho vay, quản lý hồ sơ con nợ, đòi tiền, gây sức ép, đe dọa để đòi nợ... Khám xét khẩn cấp nơi ở của Quang, CA thu giữ khoảng 200 hợp đồng vay tiền, giấy nhận tiền với tổng giá trị lên tới 4 tỷ đồng; 2 ôtô, 2 xe máy và nhiều tang vật liên quan đến hành vi phạm pháp.

Nhiều con nợ bị dồn đến chân tường, phải tìm đến cái chết để giải thoát. Cuối tháng 3-2020, một nữ công nhân 23 tuổi ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) phải tự vẫn vì tín dụng đen. Để lại thư tuyệt mệnh cho người mẹ già, cô gái cho hay mắc nợ rất nhiều từ hơn 10 app cho vay tiền online, không có khả năng chi trả. Cái chết của giảng viên 1 trường cao đẳng tại Kiên Giang ngày 10-5-2020 do vướng vào vòng xoáy vay tiền online cũng khiến mọi người bàng hoàng. Chỉ vay có 5 triệu đồng qua app để chi tiêu, đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và lãi liên tục tăng; sau đó, app cho vay giới thiệu các app khác để anh này vay tiếp, trả nợ khoản vay trước. Cứ thế, mấy tháng sau, khoản vay online tăng lên hơn 200 triệu đồng. Liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần, lại bị đe dọa bôi nhọ và làm mất uy tín khiến anh phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Trần Minh Quang cùng đồng phạm mua trang web có tên miền F98credit.vn để hoạt động tín dụng đen

Hoạt động của các app cho vay hiện chưa có sự quản lý của cơ quan chức năng, nên chỉ cần bỏ ra khoảng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng là có thể sở hữu 1 app. Chỉ cần gõ từ khóa "cho vay" trên app, người cần có thể tìm được hàng chục app có nội dung này. Sau khi tải về, người vay dễ dàng tiếp cận thông tin quảng cáo lãi suất chỉ 20%/năm, thậm chí thấp hơn, với thủ tục vay đơn giản: chỉ cần chứng minh thư, thẻ căn cước... Mặc dù có không ít app được thiết lập bởi các công ty tài chính với nội dung khá minh bạch, nhưng phần lớn app được điều hành bởi những tổ chức xã hội đen hoặc công ty nước ngoài núp bóng dưới tên cá nhân người Việt. Do thủ tục dễ dàng và được nhận tiền trong thời gian ngắn, không ít người đã tìm đến vay vốn qua các app, để sau đó mới biết thực tế LS và phí cho vay phải trả quá cao, có thể đẩy người vay rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam KD cho vay tiền online. Đặc điểm chung rất đáng lo ngại là các doanh nghiệp này không hề có hoạt động kêu gọi người cho vay, mà chỉ quảng bá kêu gọi người vay, trong khi LS thường rất cao và loại hình KD mới này chưa có quy định quản lý cụ thể. Đây cũng là lý do khiến tín dụng đen núp bóng, cho vay LS cắt cổ.

Để quản lý, điều chỉnh hoạt động cho vay qua app, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Theo dự thảo, NHNN sẽ giám sát các hoạt động thí điểm như công ty fintech cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending). Thời gian thử nghiệm các giải pháp này kéo dài 1-2 năm.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, hoạt động cho vay công nghệ mới có điểm thuận lợi là giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt tiêu cực, có thể gây hệ lụy cho người tham gia do chưa có cơ chế kiểm soát. Việc xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm nói trên cũng chính là nhằm hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - đánh giá, dự thảo khá đầy đủ và cần thiết trong bối cảnh các hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua app thời gian qua biến tướng với đủ chiêu trò, gây bất ổn cho xã hội. Sau thời gian thử nghiệm, có thể đánh giá mặt được, mặt chưa được để đưa ra quy định pháp luật chính thức nhằm quản lý các hoạt động cho vay công nghệ mới.

(Còn tiếp...)

Kỳ 3:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang